Thứ tìm kiếm cả đời là gì

THỨ TÌM KIẾM CẢ ĐỜI LÀ GÌ?

Một thương nhân người Mỹ ngồi bên bến tàu của một làng chài nhỏ ven biển Mexico, ông đang dõi theo một ngư dân chèo chiếc thuyền nhỏ vào bờ, trên thuyền xem ra có mấy con cá ngừ vây vàng tươi rói. 

Thương nhân người Mỹ khen ngợi người người ngư dân Mexico đã bắt được những con cá rất đáng giá và hỏi mất bao lâu thời gian để bắt được số cá này. Người ngư dân Mexico trả lời chỉ mất một lúc thôi. Thương nhân người Mỹ lại hỏi vậy sao không bắt thêm chút nữa để có nhiều cá hơn? Người ngư dân Mexico tỏ thái độ không hài lòng, nói: “Số cá này là đủ cho gia đình tôi sinh sống rồi”.

Người Mỹ lại hỏi: “Vậy thời gian còn lại trong ngày nhiều như vậy anh sẽ làm gì?”

Người ngư dân nói: “Tôi ấy à, mỗi ngày tỉnh ngủ khi nào thức dậy khi ấy, ra biển bắt vài con cá, rồi về chơi với bọn trẻ, cùng vợ ngủ giấc trưa, hoàng hôn xuống, lại thong dong vào làng uống vài chén rượu, cùng bạn bè chơi guitar. Một ngày của tôi kín mít và bận rộn”.

Người thương nhân người Mỹ không đồng tình với cách nghĩ của người ngư dân bèn đưa ra ý kiến giúp anh ta: 

“Tôi tốt nghiệp thạc sỹ quản trị kinh doanh tại trường Đại học Harvard, tôi có thể giúp anh. Mỗi ngày anh nên dành thêm thời gian để đánh bắt cá, anh sẽ có thêm tiền để mua một chiếc thuyền lớn hơn. Với chiếc thuyền lớn này, anh sẽ lại bắt được nhiều cá hơn nữa, và lại mua thêm nhiều thuyền hơn nữa. Rồi anh sẽ có một đội tàu đánh cá.

Đến khi đó, anh không phải bán cá cho người bán cá nữa, mà sẽ bán trực tiếp cho công ty chế biến cá. Sau đó, anh có thể mở công ty sản xuất đồ hộp. Và như vậy, anh có thể kiểm soát toàn bộ quá trình sản xuất, chế biến và tiếp thị. Tiếp sau đó, anh có thể rời khỏi làng chài nhỏ bé này để chuyển đến thành phố Mexico, có thể chuyển Los Angeles và thậm chí có thể chuyển đến New York, nơi anh có thể điều hành và không ngừng mở rộng doanh nghiệp của mình”.

Người ngư dân hỏi: “Toàn bộ việc này mất bao lâu?”

Người thương nhân người Mỹ trả lời: “Từ 15 năm đến 20 năm”.

Người ngư dân lại hỏi: “Sau đó thì sao?”

Thương nhân người Mỹ cười lớn nói: “Sau đó anh có thể ở nhà hưởng thụ cuộc sống như một ông vua. Khi thời cơ đến, anh có thể thông báo niêm yết cổ phiếu trên các sàn giao dịch chứng khoán và bán cổ phiếu cho các nhà đầu tư đại chúng. Đến khi đó, anh trở nên giàu có, kiếm được hàng trăm triệu đô la”.  

– “Tiếp sau đó thì sao?”

– “Đến khi đó anh có thể nghỉ hưu, anh có thể chuyển về làng chài nhỏ ven biển để sinh sống. Mỗi ngày tỉnh ngủ khi nào thức dậy khi ấy, ra biển bắt vài con cá, rồi về chơi với bọn trẻ, cùng vợ ngủ giấc trưa, hoàng hôn xuống, lại thong dong vào làng uống vài chén rượu, cùng bạn bè chơi guitar”.

Người ngư dân Mexico ngỡ ngàng, không tin nổi, nói: “Cuộc sống hiện tại của tôi chẳng phải là đang như vậy sao?”

Rốt cuộc, con người theo đuổi điều gì trong suốt cuộc đời?

Đời người, rốt cuộc theo đuổi điều gì? Không có câu trả lời chuẩn xác cho câu hỏi này. Một ngàn người có một ngàn câu trả lời khác nhau. Chúng ta cũng biết rằng có rất nhiều định nghĩa khác nhau về thành đạt. Một số người dành cả đời theo đuổi danh lợi, cuộc sống của họ rất vui vẻ (có thể). Một số người thì dành cả đời ăn chơi hưởng lạc, cuộc sống của họ cũng có thể rất hạnh phúc. Cũng có rất nhiều người chọn cách sống bình dị, vừa đủ. Công việc và cuộc sống bình lặng trôi qua từng ngày, đó chẳng phải cũng là một cách hưởng thụ hạnh phúc sao? 

Có lẽ, mỗi người đều có cách nhìn nhận và giải quyết khác nhau, thành công thực sự là trải nghiệm cuộc sống theo cách bạn mong muốn.

Lời bàn của Vân-Nhơn (TTTGVN):

Có lẽ khi đọc câu chuyện này, mỗi người đều liên tưởng ngay đến quan điểm sống riêng của mình, hoặc là suy nghĩ giống như người  ngư dân Mexico, hoặc là sẽ đồng tình với nhân sinh quan của người thương nhân Mỹ tốt nghiệp thạc sĩ kinh doanh ở đại học Harvard. Bài viết này đề cập đến hai trường phái sống lương thiện, nhưng cách mưu sinh gần như đối lập: một bên là lối sống vừa đủ mỗi ngày để hưởng nhàn với gia đình, còn bên kia là cách sống cố gắng đua tranh bằng khối óc và sự tính toán để làm giàu để ngày càng thăng tiến thêm trên con đường đó. Nếu đem ra tranh biện để tìm câu trả lời nên sống như thế nào, thì đây sẽ là một đề tài gây tranh cãi không dứt vì, rõ ràng là, không có câu trả lời tuyệt đối là ai đúng, ai sai. Hơn thế nữa, quan điểm sống của mỗi người còn tùy thuộc vào văn hóa của dân tộc và lứa tuổi của người đó nữa. Nếu chúng ta loại trừ không bàn tới những cách mưu sinh bất chính, thì rõ ràng là hai quan điểm sống nêu trên có thể nói là đại diện cho nhân sinh quan của nhân loại. Vậy thì bạn chọn lối sống nào, và tại sao như vậy?

Chúng ta hãy lưu ý tới diễn biến tâm lý của người ngư dân Mễ. Khi người thạc sĩ kinh tế Mỹ bắt đầu trình bày quan điểm về cách sống của mình, rõ ràng là ông ta không đồng tình với cách mưu sinh của người Mễ này. Do vậy, ông ta đã đưa ra một đường lối khác hẳn mà ông đã đuợc dạy dỗ trong một ngôi trường hết sức danh tiếng của Mỹ, là đại học Harvard. Rõ ràng là người ngư dân Mễ bắt đầu bị cuốn hút vào câu chuyện với những câu hỏi thỉnh thoảng ngắt quãng bài thuyết trình của đối phương, cũng là sự thể hiện những thắc mắc tất nhiên của người nghe muốn biết về đoạn cuối của câu chuyện. Hai quan điểm sống khác hẳn nhau, nhưng cùng đòi hỏi một câu trả lời dứt khoát cho người theo dõi. Đó là “Thứ Tìm Kiếm Cả Đời là Gì?”

 Người thương nhân Mỹ, với xuất phát điểm là bối cảnh sống hiện tại của người ngư dân Mễ, đã phác họa một chương trình hành động hết sức có kế hoạch và thuyết phục, cũng khả thi nữa; chương trình đó đòi hỏi nhiều nổ lực cũng như thời gian dài, cùng với sự đầu tư về mọi mặt mà người muốn thi hành phải có, và đương nhiên, đời sống nhàn nhã với gia đình và bạn bè chòm xóm của người ngư dân Mễ sẽ phải chấm dứt để chuyển hướng sang một đời sống tất bật, căng thẳng của một cuộc chiến đấu sanh tử nơi chốn thương trường. Nhưng điều ngỡ ngàng mà người ngư dân Mễ được cho biết, là điểm cuối của cuộc đua căng thẳng đó lại là một bối cảnh chẳng khác chi xuất phát điểm của ông ta hiện nay, khi ông ta ngỡ ngàng hỏi ngược lại người Mỹ: “Cuộc sống hiện tại của tôi chẳng phải là đang như vậy sao?” Sau nhiều vất vả bon chen của 15 tới 20 năm vật lộn chốn thương trường, kết quả cũng là cuộc sống mà người ngư dân Mễ từng có, có khác chăng, đó là một gia tài kết sù hàng trăm triệu đô la của một đời sống giàu có vượt bực. Nhưng cái mà con người phải trả giá có thể đã là thú vui thanh nhàn bên mái ấm gia đình với những ngày tháng sống yên vui bên người thân yêu trong khung cảnh ấm áp tình làng nghĩa xóm.

Hãy tìm hiểu xem, trong văn hóa Việt Nam chúng ta, nhân sinh quan của các bậc tiền bối là như thế nào? Ông bà ta có câu: “phi thương bất phú” có nghĩa là không làm ăn buôn bán thì không làm giàu được, và cũng có câu: “vi phú bất nhân,” nghĩa là con người muốn làm giàu thì phải sống thủ đoạn, không còn tình người nữa. Ông bà ta cũng thường nói, làm cho quá thì khi chết hột nút cũng lắc, một ngày cũng cơm ăn ba bữa, ngủ một ngày 8 tiếng mà thôi, có khác nhau chi. Điều này quả thật là một điều mà không ai có thể phủ nhận, cho dù trải qua mọi thời đại. Ông bà ta cũng có câu “tri túc hà thời túc,” có nghĩa là khi mình biết đủ, tất sẽ sống đủ. Nhưng điều khó khăn cho mỗi người là, làm sao biết được khi nào là đủ, vì biên giới giữa sự đủ và chưa đủ thật là mong manh, mà nan đề của cuộc sống đối với nhiều người, là không bao giờ thấy đủ.

Chúng ta hãy tìm hiểu điều Chúa Giê-Xu dạy dỗ con người làm thế nào để sống cho phải lẽ đã được ghi lại trong Kinh Thánh như sau:

1 Ti-mô-thê 6: 6-10:

6 Vả, sự tin kính cùng sự thỏa lòng ấy là một lợi lớn.7 Vì chúng ta ra đời chẳng hề đem gì theo, chúng ta qua đời cũng chẳng đem gì đi được. 8 Như vậy, miễn là đủ ăn đủ mặc thì phải thỏa lòng; 9 Còn như kẻ muốn nên giàu có, ắt sa vào sự cám dỗ, mắc bẫy dò, ngã trong nhiều sự tham muốn vô lý thiệt hại kia, là sự làm đắm người ta vào sự hủy diệt hư mất. 10 Bởi chưng sự tham tiền bạc là cội rễ mọi điều ác, có kẻ vì đeo đuổi nó mà bội đạo, chuốc lấy nhiều điều đau đớn.

Điều Chúa dạy chúng ta về thứ mà cả đời chúng ta tìm kiếm chính là SỰ TIN KÍNH CHÚA VÀ SỰ THỎA LÒNG, mà từ câu 7 đến câu 10, chúng ta tìm thấy sự giải thích cụ thể và xác đáng trong Lời Chúa. Một cuộc sống thật có ý nghĩa, phải là một cuộc sống được định hướng bởi mục đích tốt lành trong Chúa Giê-Xu (a purpose-driven life in the Lord Jesus).

Hãy nhớ tới lời ông Gióp, là một con cái trung tín của Chúa mà gương sống kính sợ Chúa của ông được ghi lại trong Kinh Thánh, đến nỗi chính Đức Chúa Trời, tức là Đấng Tạo Hóa phán rằng: “…Ngươi có nhìn thấy Gióp, tôi tớ của ta chăng; nơi thế gian chẳng có người nào giống như nó, vốn trọn vẹn và ngay thẳng, kính sợ Đức Chúa Trời, và lánh khỏi điều ác?” Trong cơn hoạn nạn kinh khiếp xảy đến cho đời sống ông, ông vẫn giữ trọn lòng tin kính Chúa và sự thỏa lòng, thể hiện trong câu nói: “… Tôi trần truồng lọt khỏi lòng mẹ, và tôi cũng sẽ trần truồng mà về; Đức Giê-hô-va đã ban cho, Đức Giê-hô-va lại cất đi; đáng ngợi khen danh Đức Giê-hô-va!” (Gióp 1:21)

Điều con người cần phải quan tâm, không phải là việc làm sao để được có hàng trăm triệu đô la, hay là làm sao để được giàu có, hay là hôm nay tôi sẽ ăn gì, uống gì, mặc gì. Điều mỗi chúng ta cần quan tâm là làm sao tôi có thể thoát khỏi hoả ngục là nơi tôi phải đền tội trong lửa đời đời. Nan đề của đời sống con người chính là vấn đề tội lỗi, là điều con người không phương chi tự giải thoát mình khỏi nó được. Chính vì vậy, Đức Chúa Trời, là Đấng Tạo Hóa đã sanh dựng ra cả vũ trụ này, trong đó có loài người chúng ta, vì yêu thương chúng ta không muốn cho hết thảy chúng ta xuống hỏa ngục, là nơi tội nhân đền tội; Ngài đã Giáng Sinh làm người, và Chúa Giê-Xu-Đấng Christ, đã đến thế gian, chịu chết trên thập tự đền tội thay cho nhân loại, hầu cho hễ ai tin nơi ơn Cứu chuộc của Ngài thì tội được tha, và linh hồn được cứu thoát khỏi hỏa ngục để có phần nơi nước Thiên Đàng với Chúa. Khi tiếp nhận ơn Cứu chuộc của Đấng Christ, người tin Chúa không những được cứu khỏi hỏa ngục, mà khi còn ở thế gian, tức là nhà tạm này, đời sống sẽ luôn được bình an vì có Chúa luôn ở cùng, dẫn dắt, ban phước, và giải cứu chúng ta khỏi cơn hoạn nạn. Do đó, đời sống của người tin Chúa, hay còn gọi là cơ-đốc-nhân luôn được thỏa lòng vì khi còn sống, thì có Chúa luôn ở cùng, đến khi nhắm mắt lìa đời thì tránh khỏi hỏa ngục mà hưởng nước Thiên Đàng. Đó mới chính là sự phước hạnh trường tồn, vĩnh cửu mà cả đời của một con người sáng suốt cần phải tìm kiếm.

Đừng sống như những người thiếu khôn ngoan, lao thân vào tìm kiếm danh lợi chỉ là sự hư vô của đời sống tạm bợ nơi thế gian vốn là nhà tạm. Đừng như những kẻ mà Chúa quở là “ngu muội và không hiểu biết” vì chẳng mở lòng ra tiếp nhận ơn Cứu chuộc của Ngài:

Giê-rê-mi 5:21-25:

21 Hỡi dân ngu muội và không hiểu biết, là dân có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe kia, hãy nghe điều nầy. 22 Đức Giê-hô-va phán: Các ngươi chẳng kính sợ ta, chẳng run rẩy trước mặt ta sao? Ta là Đấng đã lấy cát làm bờ cõi biển, bởi một mạng lịnh đời đời, không vượt qua được. Sóng biển dầu động, cũng không thắng được; biển dầu gầm rống, cũng không qua khỏi nó; 23 nhưng dân nầy thì lại có lòng ngoa ngạnh và bạn nghịch, hết thảy đều dấy loạn và đi. 24 Chúng nó chẳng nói trong lòng rằng: Chúng ta hãy kính sợ Giê-hô-va Đức Chúa Trời mình tức là Đấng tùy thời ban cho mưa đầu mùa và mưa cuối mùa, lại vì chúng ta giữ các tuần lễ nhất định về mùa gặt. 25 Sự gian ác các ngươi đã làm cho những sự ấy xa các ngươi; tội lỗi các ngươi ngăn trở các ngươi được phước.

Các bạn hãy nhanh chóng tìm đến tiếp nhận ơn Cứu chuộc của Chúa Giê-Xu và bắt đầu sống một đời sống định hướng theo Chúa, một đời sống tin kính Chúa và thỏa lòng. Hãy liên lạc với Trung Tâm Truyền Giáo Việt Nam, điện thoại số 703 942-8303 để được giúp đỡ tiếp nhận Chúa Cứu Thế Giê-Xu làm chủ đời sống.

                                                                                                   V-N

                                                                                              Jan 5, 2020

Bài sauNăm mới đừng phạm tội nữa
Bài trướcƯơng Ngạnh Hay Tin Cậy – CĐVP 10/01/2020