Phước đến từ Thiện Lương

Walter Salles là đạo diễn phim nổi tiếng người Brazil. Trong một lần chuẩn bị cho bộ phim mới của mình, Walter đã tới vùng ngoại ô ở phía Tây thành phố. Và tại đây, khi đứng trên quảng trường trước nhà ga thì ông gặp một cậu bé đánh giày khoảng hơn 10 tuổi.

Cậu bé hỏi: “Thưa ông, ông có muốn đánh giày không ạ?”.

Walter cúi đầu nhìn đôi giày da bóng loáng dưới chân mình rồi lắc đầu từ chối. Khi ông vừa quay người bước đi thì đột nhiên cậu bé gọi từ phía sau. Khuôn mặt cậu bé đỏ ửng, ánh mắt nhìn ông như đang van nài: “Ông ơi, cả ngày hôm nay cháu chưa được ăn gì cả, ông có thể cho cháu mượn chút tiền không ạ? Từ ngày mai cháu sẽ đánh giày chăm chỉ hơn, đảm bảo là sau một tuần cháu sẽ trả lại tiền cho ông!”.

Walter động lòng trắc ẩn, ông bèn lấy ra vài đồng xu đặt vào tay cậu bé. Cậu bé rối rít nói lời cảm ơn rồi chạy vụt đi.

Walter lắc đầu, những đứa trẻ sành sỏi sự đời như thế ông đã gặp nhiều rồi. Và rồi ông lại cuốn vào vòng xoáy bận rộn với bộ phim mới nên cũng quên luôn chuyện cậu bé mượn tiền.

Bẵng đi một thời gian, ông lại có dịp đi qua nhà ga ở ngoại ô phía Tây thành phố. Bỗng nhiên một bóng dáng gầy guộc và nhỏ bé vẫy gọi ông từ xa: “Ông ơi, ông đợi một chút ạ!”.

Tới khi cậu bé mồ hôi nhễ nhại chạy đến đưa cho ông vài đồng xu thì Walter mới nhận ra đó là cậu bé đánh giày ngày nào.

Cậu bé thở hổn hển: “Ông ơi, cháu đợi ông ở đây lâu lắm rồi, hôm nay cuối cùng cháu cũng trả lại tiền cho ông!”.

Walter cầm đồng xu ướt nhẹp mồ hôi, đột nhiên trong lòng ông trào lên một luồng hơi ấm áp. Ông đặt các đồng xu vào tay cậu bé, cười và nói với cậu rằng: “Ngày mai cháu tới văn phòng công ty điện ảnh ở trung tâm thành phố tìm ông nhé, ông sẽ dành cho cháu một điều bất ngờ”.

Hôm sau, nhân viên công ty điện ảnh nói với Walter rằng trước cửa có một vài đứa trẻ mặc quần áo rách rưới đang đứng đợi. Cậu bé đánh giày nhìn thấy Walter bèn chạy đến và vui vẻ thưa rằng: “Thưa ông, các bạn ấy đều mồ côi lưu lạc giống như cháu, các bạn ấy cũng hy vọng có được niềm vui bất ngờ ạ!”.

Walter không thể ngờ rằng một đứa bé vô gia cư nghèo khó lại lương thiện đến thế. Vì vậy ông đã quyết định chọn cậu bé đánh giày làm diễn viên chính trong bộ phim mới của mình. Ông đã giải thích lý do cậu được miễn thi tuyển như sau: “Vì sự lương thiện của mình, cháu không cần phải thi sát hạch!”.

LỜI BÀN CỦA V-N (TTTGVN):

Có lẽ khi đọc xong câu chuyện này, lòng bạn thấy vui cho đứa bé đánh giày lương thiện phải không? Câu chuyện này là một bằng chứng thiết thực cho câu tục ngữ “Ở hiền gặp lành.”

Có hai câu hỏi xin mạn phép đặt ra:

  1. Nếu các bạn ở địa vị ông đạo diễn Walter Salles, bạn có làm như ông hay không?
  2. Nếu các bạn ở địa vị đứa bé 10 tuổi đánh giày, bạn có làm được như cậu bé không?

Bây giờ, chúng ta sẽ đặt mình ở vị trí Walter xem sao, bạn nhé. Walter đã làm được hai việc thiện lành, ở hai mức độ khác nhau. Đầu tiên, ông đã động lòng trắc ẩn trước lời khẩn cầu của cậu bé mới 10 tuổi đã phải lăn lộn với đời để kiếm sống. Câu nói “cả ngày hôm nay, cháu chưa được ăn gì cả…” là một câu nói làm cảm động lòng người mà bất cứ ai khi nghe đến đều thấy xao xuyến trong lòng. Đó chính là chìa khóa mở cửa trái tim người nghe. Chính vì vậy, mặc dù trong lòng Walter nghĩ đây là một “đứa trẻ sành sỏi sự đời” khiến ông phải lắc đầu, nhưng ông vẫn mở hầu bao đặt vài xu vào tay cậu bé. Có thể Walter lắc đầu vì thấy bất nhẫn cho một xã hội mà những đứa trẻ còn non trẻ mới 9-10 tuổi đầu đã phải bươn chải để kiếm sống, cũng có thể ông đã lắc đầu vì thấy bất nhẫn trước đứa trẻ mà ông nghĩ là sành đời mà ông đã từng gặp nhiều, nên mặc dù cậu bé đề cập với ông về việc “mượn tiền,” nhưng vài đồng xu ông đã bỏ ra có thể ông không nghĩ sẽ được hoàn trả. Walter đã làm phước bất chấp món tiền bỏ ra có được hoàn trả. Còn bạn thì sao?

 Hãy xem lời Chúa dạy trong kinh thánh:

  • Mathi-ơ 25:34-40:

Bấy giờ, vua sẽ phán cùng những kẻ ở bên hữu rằng: Hỡi các ngươi được Cha ta ban phước, hãy đến mà nhận lấy nước thiên đàng đã sắm sẵn cho các ngươi từ khi dựng nên trời đất. 35 Vì ta đói, các ngươi đã cho ta ăn; ta khát, các ngươi đã cho ta uống; ta là khách lạ, các ngươi tiếp rước ta; 36 ta trần truồng, các ngươi mặc cho ta; ta đau, các ngươi thăm ta; ta bị tù, các ngươi viếng ta. 37 Lúc ấy, người công bình sẽ thưa rằng: Lạy Chúa, khi nào chúng tôi đã thấy Chúa đói, mà cho ăn; hoặc khát, mà cho uống? 38 Lại khi nào chúng tôi đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà mặc cho? 39 Hay là khi nào chúng tôi đã thấy Chúa đau, hoặc bị tù, mà đi thăm viếng Chúa? 40 Vua sẽ trả lời rằng: Quả thật, ta nói cùng các ngươi, hễ các ngươi đã làm việc đó cho một người trong những người rất hèn mọn nầy của anh em ta, ấy là đã làm cho chính mình ta vậy.

  • Mathi-ơ 18:4-5:

4 Vậy, hễ ai trở nên khiêm nhường như đứa trẻ nầy, sẽ là lớn hơn hết trong nước thiên đàng. 5 Hễ ai vì danh ta chịu tiếp một đứa trẻ thể nầy, tức là chịu tiếp ta.

Chính vì Walter không nghĩ là món tiền nhỏ đã bỏ ra kia sẽ được hoàn trả, nên khi ông cầm mấy đồng xu ướt đẫm mồ hôi mà đứa bé cơ cực kia đã chờ đợi ông thật lâu để được hoàn trả, trong lòng ông dâng trào một luồng hơi ấm áp. Đó là một tình cảm dâng trào trong lòng người chứng kiến một nhân cách lương thiện tốt  lành vẫn còn tồn tại trong thế giới đua chen mà con người phải đấu tranh chật vật để sinh tồn; hơn thế nữa, nhân cách lương thiện đó là của một đứa bé 10 tuổi phải cực khổ kiếm sống từng ngày, phải đánh giày chăm chỉ hơn trong một tuần để kiếm được tiền hoàn trả.Chính vì vậy, ông nhanh chóng quyết định cho việc làm thiện lành thứ hai mà ông sẽ làm cho đứa bé lương thiện này. Quyết định giúp người xuất phát từ tấm lòng nhân ái của Walter, cùng sự thiện lành của cậu bé 10 tuổi đều đẹp lòng Chúa, chính vì vậy mà cả hai cùng được phước. Cậu bé được sự giúp đỡ kịp thời và có được niềm vui bất ngờ có thể giúp thay đổi cả đời sống cậu, còn Walter thì có được sự ấm áp trong lòng mà Chúa ban cho và khích lệ một trái tim nhân hậu.

Đáng khen thay cậu bé đánh giày cơ cực đã có một trái tim chân thật, tràn đầy lòng tự trọng và tình yêu thương dành cho người khác đồng cảnh khổ như mình. Hãy chú ý cách cậu bé đặt vấn đề với Walter. Cậu đã không nói “Ông ơi, cả ngày hôm nay cháu chưa được ăn gì cả, ông có thể cho cháu XIN chút tiền không ạ?” mà là một sự cam kết trả lại món tiền cậu MƯỢN. Cậu có cả một chương trình cụ thể, và thời hạn hoàn trả cụ thể, để việc có tiền trả nợ là một việc khả thi. Ở hoàn cảnh cơ cực của cậu bé, xin vài xu từ người qua đường khá giả như Walter là một việc hoàn toàn chấp nhận được, nhưng cậu bé đã không làm như vậy. Đó là sự tự trọng, cho dù túng thế cũng không tùng quyền làm điều sai trật. Trong khi có lắm người trưởng thành, có nhà cửa đề huề, mà khi nhìn ngó những món tiền “nhàn rỗi” của người khác, đã không ngại miệng nói chữ “cho mượn đỡ” và “sẽ hoàn lại,” nhưng không biết lấy gì để mà hoàn lại, và khi nào hoàn lại, hoàn toàn bất định. Cũng có không ít kẻ đi lường gạt người quen biết bằng những thủ đoạn tinh vi, hoặc làm tròng làm tréo để nuốt luôn khoảng tiền lớn đã vay mượn. Hãy nhìn tấm gương ngay thẳng, chân thật của cậu bé nghèo để học biết cách cư xử đời thường cách phải lẽ. Và Chúa luôn ban thưởng những người sống chân thật, ngay thẳng, lương thiện.

Hãy chú ý một chi tiết quan trọng trong cách suy nghĩ của cậu bé đánh giày. Khi được Walter, một người giàu có đang có một “văn phòng công ty điện ảnh ở trung tâm thành phố” hứa hẹn sẽ dành cho một điều bất ngờ, cho dù cậu không biết điều bất ngờ là gì, cậu vẫn muốn chia xẻ điều tốt lành mà cậu nghĩ là sẽ có được với bạn bè đồng cảnh ngộ. Câu giải thích mà cậu trình bày với Walter “Thưa ông, các bạn ấy đều mồ côi lưu lạc giống như cháu, các bạn ấy cũng hy vọng có được niềm vui bất ngờ ạ!” là một bài học vể sự biết chia xẻ tình yêu thương mà người trưởng thành như chúng ta cần học hỏi.

Là Cơ-Đốc-nhân, người thật lòng theo Chúa biết được sự phước hạnh của một đời sống thật sự có Chúa Giê-Xu làm chủ. Sự phước hạnh không gì có thể sánh được cho mỗi con người đó là tội mình được tha, linh hồn mình được cứu khỏi hỏa ngục. Chính vì mỗi con người biết mình có tội, nên từ trong thâm tâm, luôn tìm cách làm việc thiện, làm phước để tội lỗi được bôi xóa. Tuy vậy, mỗi cố gắng thoát khỏi gánh nặng tội lỗi bằng sức riêng của con người là VÔ VỌNG. Hãy xem Lời Chúa phán về điều nầy:

  • Rô-ma 7:21:

    Vậy tôi thấy có luật nầy trong tôi: khi tôi muốn làm điều lành,

    thì điều  dữ dính dấp theo tôi.

  • 1 Cô-rinh-tô 13:3:

Dầu tôi phân phát gia tài để nuôi kẻ nghèo khó, lại bỏ thân mình để chịu đốt, song không có tình yêu thương, thì điều đó chẳng ích chi cho tôi.

  • Giăng 3:16:

Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.

  • Giăng 14:6:

 Vậy Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha.

Lời Kinh Thánh đã phán rành rành là chỉ bởi đức tin nơi ơn Cứu chuộc mà Chúa Giê-Xu, Ngài chính là Đức Chúa Trời, Đấng giáng sanh xuống thế gian để chịu chết trên thập tự giá để đền tội thay cho nhân loại, thì con người mới được bôi xóa tội lỗi, thoát khỏi sự hình phạt ở hỏa ngục và được hưởng sự sống đời đời ở Thiên Đàng. Con người được cứu không phải bởi làm điều thiện, nhưng bởi đức tin nơi ơn Cứu chuộc của Đức Chúa Giê-Xu Christ. Và khi đã được cứu bởi đức tin nơi Đấng Christ, việc làm điều thiện sẽ là một hệ quả tất yếu và tốt lành của người tin Chúa. Nhưng cần phân biệt rõ là, làm điều thiện không đủ để con người được cứu khỏi tội lỗi và hỏa ngục.

Để thay cho lời kết, một câu hỏi nữa được đặt ra cho mỗi cơ đốc nhân tự trả lời với mình và với Chúa:

Bạn có sẵn lòng chia xẻ cho người chưa biết Chúa về ơn cứu rỗi mà Chúa Giê-xu khi chịu chết trên thập tự giá ban cho những ai tin để được cứu hay chưa? Bạn có muốn người khác cũng được phước như mình như cậu bé đánh giày kia đã làm được?

Xin nhắc nhở các cơ-đốc-nhân rằng, việc chia xẻ vể ơn Cứu Chuộc của Chúa Giê-xu là một ĐẠI MẠNG LỆNH mà Chúa giao cho mỗi con cái Chúa thi hành:

“Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp tem cho họ, 20 và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế.” (Ma-thi-ơ 28:19-20).

Các bạn đã thực hiện đại mạng lệnh mà Chúa giao cho các bạn chưa?

V-NFEB 16, 2020

Bài sauTình yêu Thiên Chúa
Bài trướcTin Lành – SBTN