LÒNG MỞ RỘNG NHƯ HỒ NƯỚC, CHÚT MUỐI NHỎ CHẲNG KHIẾN TA BẬN LÒNG
Một câu chuyện ngắn, tác giả là Ngọc Linh, đăng trong ĐKN như sau:
Trước đây có vị sư phụ nọ. Ông có một đệ tử, nhưng vị đệ tử này thường hay phàn nàn, lúc nào cũng cho rằng mọi chuyện không vừa ý anh ta.
Một sáng nọ, sư phụ nói đồ đệ đi nhặt ít muối mang về. Anh này miễn cưỡng mang muối ăn trở về. Sư phụ lại yêu cầu anh ta cho muối vào một cốc nước và uống, sau đó hỏi anh mùi vị như thế nào. Vị đệ tử nhổ chỗ nước vừa uống ra và nói: “Nước này mặn quá!”.
Sau đó, ông dẫn đệ tử ra hồ nước, ném một nắm muối xuống hồ rồi bảo đệ tử uống nước trong hồ. Đệ tử uống nước xong liền nói “Nước hồ có vị mát, ngọt thanh”.
Vị sư phụ hỏi lại: “Có vị mặn không?”. “Không thưa sư phụ!”, đồ đệ trả lời.
Sau đó, ông mỉm cười ngồi bên cạnh đồ đệ và nói: “Sự đau khổ của đời người cũng giống như chỗ muối này, có một định lượng nhất định, không nhiều cũng không ít. Chỉ là dung lượng chứa đựng của chúng ta quyết định mức độ đau khổ đó.
Vì thế khi con cảm thấy đau khổ, hãy mở lòng dung thứ của mình lớn hơn, lớn hơn nữa, giống như một cái hồ chứ đừng như một cốc nước”.
∗∗∗
Đúng thế, sự đau khổ của đời người cũng giống như một nhúm muối mặn chát. Khi đau khổ đến, nếu người ta lòng dạ hẹp hòi, cục bộ, nhỏ nhoi thì nỗi bất bình sẽ càng lớn hơn. Nếu đầu óc và trái tim của chúng ta rộng mở, giống như hồ nước thì nỗi đau đó sẽ chẳng là gì nữa, thậm chí là biến mất hoàn toàn khiến cho vị của nước vẫn ngọt và thanh như ban đầu.
Vì vậy, dùng trái tim rộng lượng đối đãi với người khác, thì chuyện lớn hoá nhỏ, chuyện nhỏ thành không. Độ lượng, rộng rãi có thể bao dung vạn vật, kể cả những đau khổ không toại lòng.
Một người khoan dung, độ lượng có thể tiếp nhận và chấp nhận cách làm việc, nhân sinh quan, ý kiến và quan điểm của người khác. Trăm người trăm ý, mỗi người đều có tính cách riêng của mình, cho dù là cáu kỉnh hay bình tĩnh, hoạt bát hay nghiêm túc, người khoan dung đều có thể như “biển lớn dung nạp nghìn sông”. Khoan dung là một dạng đức hạnh, thể hiện sự tu dưỡng của một người.
Có câu nói như thế này: Dung lượng trái tim của một người rộng lớn như thế nào thì thế giới của họ rộng lớn như thế. Hãy để trái tim của bạn là một hồ nước chứ đừng là một cốc nước. Hãy biến xung đột thành hòa hợp, biến chiến tranh thành hòa bình, người với người hòa ái, trân trọng lẫn nhau.
Xuân Diệu nhiều năm trước đã nói: Làm sao cắt nghĩa được tình yêu! Nhưng cảm tạ Chúa, sứ đồ Phao-lô cho chúng ta biết tình yêu là gì .
Phao-lô viết: Dầu tôi nói được các thứ tiếng loài người và thiên sứ, nếu không có tình yêu thương, thì tôi chỉ như đồng kêu lên hay là chập chõa vang tiếng. Dầu tôi được ơn nói tiên tri, cùng biết đủ các sự mầu nhiệm cùng mọi sự hay biết, dầu tôi có cả đức tin đến nỗi dời núi được, nhưng không có tình yêu thương thì tôi chẳng ra gì. Dầu tôi phân phát gia tài để nuôi kẻ nghèo khó, lại bỏ thân mình để chịu đốt, song không có tình yêu thương thì điều đó chẳng ích chi cho tôi. Tình yêu hay nhẫn nại, nhân từ; tình yêu chẳng ghen tị, khoe mình hay kiêu căng. Tình yêu không khiếm nhã, không vị kỷ, không nhạy giận, không chấp trách, không vui về việc bất công nhưng hân hoan trong sự thật. Tình yêu khoan dung tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Tình yêu trường tồn bất diệt (I Cô-rinh-tô 13:1-8a).
Hôm nay chúng tôi xin nói đến một đặc điểm tình yêu thật. Đó là, dung thứ, khoan dung tất cả lỗi lầm của người khác, nhất là lỗi lầm từ một Cơ đốc nhân khác.
Theo Chúa dạy: nếu chúng ta thật lòng yêu thương, chúng ta phải tha thứ lỗi lầm của họ..
Thật ra, tình yêu tha thứ tất cả, không có nghĩa là vì yêu thương chúng ta chấp nhận hay dung dưỡng tất cả tội lỗi của người mình yêu thương. Chúng ta không dung dưỡng tội lỗi nhưng chúng ta có lòng khoan dung đối với người có tội. Đây cũng là cách Đức Chúa Trời đối xử với con người. Chúa không chấp nhận tội, nhưng Ngài yêu thương người có tội và cho người có tội cơ hội ăn năn, sửa lại lỗi lầm của mình.
Đừng nuôi hận thù cũng đừng gây đau khổ lại cho người đó nhưng hãy cứ đối xử tử tế yêu thương. Chúa là Đấng công bình, Ngài sẽ bênh vực và đền bù cho chúng ta.
Trong một lá thư gởi cho tín hữu, sứ đồ Phi-e-rơ viết: Trước hết, anh em hãy hết tình yêu thương nhau, vì lòng yêu thương che phủ muôn vàn tội lỗi (I Phi-e-rơ 4:8). Chúng ta cần tha thứ lỗi lầm của người khác và cũng cần có lòng bao dung đối với người đó để che phủ những điều người đó đã làm.
Vào thời kỳ Chúa Giê-su giáng sinh, xã hội Do Thái thiếu lòng khoan dung. Người Do Thái và Sa-ma-ri căm thù nhau (Giăng 4:9). Người ta trọng nam khinh nữ, các nhà lãnh đạo Do Thái thì miệt thị dân thường (Giăng 7:49). Chúa Giê-su khoan dung vì ngài xuống thế gian để chữa lành người ta về tâm linh, chứ không đoán xét họ. Tình yêu thương là động lực chính của ngài.—Giăng 3:17; 13:34. Những người chống đối ngài đã nói: “Ông này thân thiện với kẻ tội lỗi và ăn cùng họ” (Lu-ca 15:2).
Tình yêu thương, bí quyết để trở nên khoan dung hơn, thôi thúc chúng ta mở rộng lòng đón nhận người khác, dù họ không hoàn hảo và có tính cách lạ. Cô-lô-se 3:13 viết: “Hãy tiếp tục chịu đựng và sẵn lòng tha thứ nhau dù có lý do để phàn nàn về người khác”.
“Trên hết, hãy tha thiết yêu thương nhau, vì tình yêu thương che lấp vô số tội lỗi”.—1 Phi-e-rơ 4:8.
Nhà tiên tri Ha-ba-cúc cầu nguyện với Đức Chúa Trời: ‘Sao Ngài nhìn-xem sự ngang-trái? Sự tàn-hại bạo-ngược ở trước mặt tôi; sự tranh-đấu cãi-lẫy dấy lên’ (Ha-ba-cúc 1:3). Để giúp nhà tiên tri giải tỏa mối nghi ngờ, Đức Chúa Trời đảm bảo với Ha-ba-cúc là Ngài sẽ trừng phạt kẻ ác. Về lời hứa này, Đức Chúa Trời nói ngày ấy “sẽ đến, không chậm-trễ”.—Ha-ba-cúc 2:3.
Trong thời gian này, những người làm điều sai trái có cơ hội thay đổi và từ bỏ đường lối xấu. “Đức Chúa Trời phán rằng: Ta há có vui chút nào về sự chết của kẻ dữ sao? Há chẳng thà vui về sự nó xây-bỏ đường-lối mình và nó sống sao?” (Ê-xê-chi-ên 18:23). Những ai tìm kiếm Đức Chúa Trời qua việc từ bỏ đường lối xấu có thể hướng đến tương lai với lòng tin chắc. Châm-ngôn 1:33 nói: “Ai khứng nghe ta ắt sẽ ở an-nhiên vô-sự, được bình-tịnh, không sợ tai-họa nào”.