9. Chúa Tiết Lộ Sự Bội Ơn Của Tôi

Romans 1:21 “ vì họ dẫu biết Đức Chúa Trời, mà không làm sáng danh Ngài là Đức Chúa Trời, và không tạ ơn Ngài nữa; song cứ lầm lạc trong lý tưởng hư không, và lòng ngu dốt đầy những sự tối tăm.
Đây không phải là một câu Kinh văn làm cho quý vị hạnh phúc trong ngày Lễ Tạ ơn. Tôi nghĩ ít ai đọc câu này trước khi cắt một miếng thịt con gà tây trong bửa tiệc tạ ơn.
Vấn đề là Phao lô nói câu này cho chúng ta , cho cả loài người, chớ không riêng về những người chưa tin Chúa hay chỉ cho những người thờ hình tượng. Ông nói : vì dẫu họ biết Đức Chúa Trời “ gồm cả báp tít, CMA, Catholic , Lutheran, Giám lý …. Ông nói với tôi, và với cả quý vị là những người biết có Đức Chúa Trời.
Nếu chúng ta đọc kỹ Romans 1:18-32 , chúng ta hiểu tường tận hơn .
Vả, cơn giận của Đức Chúa Trời từ trên trời tỏ ra nghịch cùng mọi sự không tin kính và mọi sự không công bình của những người dùng sự không công bình mà bắt hiếp lẽ thật. 19 Vì điều chi có thể biết được về Đức Chúa Trời thì đã trình bày ra cho họ, Đức Chúa Trời đã tỏ điều đó cho họ rồi, 20 bởi những sự trọn lành của Ngài mắt không thấy được, tức là quyền phép đời đời và bản tánh Ngài, thì từ buổi sáng thế vẫn sờ sờ như mắt xem thấy, khi người ta xem xét công việc của Ngài. Cho nên họ không thể chữa mình được, 21 vì họ dẫu biết Đức Chúa Trời, mà không làm sáng danh Ngài là Đức Chúa Trời, và không tạ ơn Ngài nữa; song cứ lầm lạc trong lý tưởng hư không, và lòng ngu dốt đầy những sự tối tăm. 22 Họ tự xưng mình là khôn ngoan, mà trở nên điên dại; 23 họ đã đổi vinh hiển của Đức Chúa Trời không hề hư nát lấy hình tượng của loài người hay hư nát, hoặc của điểu, thú, côn trùng. 24 Cho nên Đức Chúa Trời đã phó họ sa vào sự ô uế theo lòng ham muốn mình, đến nỗi tự làm nhục thân thể mình nữa, 25 vì họ đã đổi lẽ thật Đức Chúa Trời lấy sự dối trá, kính thờ và hầu việc loài chịu dựng nên thế cho Đấng dựng nên, là Đấng đáng khen ngợi đời đời! A-men. 26 Ấy vì cớ đó mà Đức Chúa Trời đã phó họ cho sự tình dục xấu hổ; vì trong vòng họ, những người đàn bà đã đổi cách dùng tự nhiên ra cách khác nghịch với tánh tự nhiên. 27Những người đàn ông cũng vậy, bỏ cách dùng tự nhiên của người đàn bà mà un đốt tình dục người nầy với kẻ kia, đàn ông cùng đàn ông phạm sự xấu hổ, và chính mình họ phải chịu báo ứng xứng với điều lầm lỗi của mình. 28 Tại họ không lo nhìn biết Đức Chúa Trời, nên Đức Chúa Trời đã phó họ theo lòng hư xấu, đặng phạm những sự chẳng xứng đáng. 29 Họ đầy dẫy mọi sự không công bình, độc ác, tham lam, hung dữ; chan chứa những điều ghen ghét, giết người, cãi lẫy, dối trá, giận dữ; 30 hay mách, gièm chê, chẳng tin kính, xấc xược, kiêu ngạo, khoe khoang, khôn khéo về sự làm dữ, không vâng lời cha mẹ; 31 dại dột, trái lời giao ước, không có tình nghĩa tự nhiên, không có lòng thương xót. 32 Dầu họ biết mạng lịnh Đức Chúa Trời tỏ ra những người phạm các tội dường ấy là đáng chết, thế mà chẳng những họ tự làm thôi đâu, lại còn ưng thuận cho kẻ khác phạm các điều ấy nữa.
1)     Trong câu 18, Phao lô tiết lộ cơn giận của Đức Chúa Trời đổ lên cả nhân loại. Tiến sĩ C.H. Dodd có một nhận xét sâu sắc là Phao lô thường nói về cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời nhưng điều kỳ lạ là Phao lô không bao giờ viết Đức Chúa Trời nổi giận.  Ông viết trổng “cơn giận” hay “cơn thạnh nộ” . Ông viết “Đức Chúa Trời giáng cơn thạnh nộ” ( Rm 3:5) “cứu người khỏi cơn thạnh nộ (Rm 5:9) hay “nhường kẻ ác cho cơn thạnh nộ” (Rm 12:19).
Các sách Tiên tri đều xây dựng trên một quan điểm chung. Đó là nếu con người không vâng phục Đức Chúa Trời thì lập tức cơn thạnh nộ sẽ giáng trên họ. Trong đoạn kinh văn này, Phao lô cho biết  chúng ta sanh ra đều biết có Đức Chúa Trời nhưng không tin kính Ngài và phạm tội nên Đức Chúa Trời đổ cơn thạnh nộ trên chúng ta

2)     Lập luận vững chắc của Phaolô qua câu 19 và 20 là chính Đức Chúa Trời xuất hiện cho mọi người thấy và biết Ngài nên chúng ta không thể nào biện hộ được. Con người vi phạm  nên phải sống trong đau khổ. Vi phạm luật trồng cấy, mùa màng sẽ thất bại. Vi phạm luật kiến trúc, công trình xây cất sẽ sụp đổ. Vi phạm luật về sức khỏe , con người sẽ đau yếu. Vi phạm luật của Đức Chúa Trời, luật của sự sống, con người sẽ hư mất.

3)     Khi không thờ lạy Ngài thì con người quay sang thờ lạy thần tượng (câu 21-23). Thay vì hướng về Đức Chúa Trời, con người hướng về mình để rồi đắm chìm trong những tư tưởng hư không mà cứ tưởng mình khôn ngoan.

4)     Kết quả  # 1: sống trong ô uế (vv. 24-25).

5)     Kết quả  # 2: ham thích tình dục xấu hổ (vv. 26-27).

6)     Kết quả # 3: tất cả xã hội bị đổ vỡ. (vv. 28-32).

Đoạn Kinh văn này mô tả một tình trạng đạo đức thoái hóa có một không hai trong lịch sử nhân loại.

–        Đây là thời đại dường như mọi sự đều ở ngoài tầm kiểm soát : Phải trái lẫn lộn, chiến tranh cùng khắp, xuất hiện đủ mọi hình thức sai quấy. Nó giống như người đánh xe không còn điều khiển con ngựa được nữa, xe cứ chạy đâu mặc ý.
–        Đây cũng là thời đại xa hoa có một không hai: Các vòi nước công cộng ở La mã đều làm bằng bạc. Caligula rắc bột bằng vàng chung quanh nhà thay vì rắc bằng mạt cưa. Tiền bạc nuôi dưỡng sự trụy lạc, dâm đãng. Những hành động phạm pháp là thuốc giải sầu. Tacitus viết : “Hành động càng bẩn thỉu chừng nào thì càng thích thú hơn”
–        Đây là một thời đại vô đạo đức có một không hai. Phụ nữ lấy chồng để ly dị và ly dị để lấy chồng khác. Các mệnh phụ phu nhân tính con số chồng để khoe khoang thành tích. Hoàng hậu Agrippana vợ của Claudius đêm đêm thường rời hoàng cung đến các nhà chứa để tìm thú vui nhục thể. 14 trong 15 Hoàng đế đầu tiên của La mã là đồng tính luyến aí.

Hậu quả được thấy rõ trong ba câu 24, 26 và 28  khi Phao lô lập lại  “Đức Chúa Trời đã phó họ cho ”. Đây là một điều vô cùng khủng khiếp đối với loài người.

Nếu con người dứt khoát chọn đứng quay lưng lại với Đức Chúa Trời sau khi Con Ngài là Chúa Jesus  xuống thế gian thì Đức Chúa Trời không thể làm gì khác hơn vì Ngài tôn trọng sự tự do chọn lựa của loài người.

Khi Phao lô viết Đức Chúa Trời bỏ mặc con người cho sự ô uế, chữ “bỏ mặc” ở đây không có nghĩa là phẫn nộ, lên án hay xét đoán mà tiềm ẩn sự buồn bã hối tiếc như một người đã làm hết mọi cách mà vẫn không thuyết phục người mình yêu quay trở lại.

Điều Phao lô muốn nhấn mạnh nằm trong câu 20 : Loài người đang sống dưới cơn giận của Đức Chúa Trời , đáng bị những hình phạt và không thể nào biện hộ hay xin tha tội.
Và như tôi nói khi bắt đầu bài chia sẻ này, đây không phải là một bức tranh tốt đẹp gì . Nội dung là sự phản bội của loài người và ước muốn của Phao lô là làm sao Tin Lành của Chúa Jesus mau chóng được truyền ra để thay đổi lòng dạ con người mang loài người quay về hoà thuận với Đức Chúa Trời.
NGHIÊN CỨU CÂU 1: 21 
Có một câu mà tôi dùng làm câu gốc cho bài chia sẻ hôm nay. Câu này là chìa khóa giải thích tại sao loài người rời khỏi Đức Chúa Trời mà quay sang thờ lạy hình tượng.

Chúng ta hãy đọc lại một lần nữa:
“ vì họ dẫu biết Đức Chúa Trời, mà không làm sáng danh Ngài là Đức Chúa Trời, và không tạ ơn Ngài nữa; song cứ lầm lạc trong lý tưởng hư không, và lòng ngu dốt đầy những sự tối tăm.”
Dù có nhiều cách dịch khác nhau nhưng tất cả bản dịch đều diễn tả những  ý chính như sau
–        Chúng nó biết có Đức Chúa Trời.
–        Chúng nó không tôn trọng Ngài
–        Chúng nó không tạ ơn Ngài
–        Tư tưởng của chúng nó lầm lạc.
–        Lòng dạ chúng nó đen tối.
Như vậy, vấn đề của nhân loại không phải là không biết có Đức Chúa Trời. Sâu xa của vấn đề là họ coi thường sự hiểu biết này, coi thường chân lý . Họ không đáp ứng chính xác điều họ biết. Chân lý đòi hỏi sự đáp ứng thích hợp. Không ai có thể giữ trung lập khi biết chân lý.
Phao lô tiếp tục vạch trần những điều sẽ xảy ra khi chúng ta làm ngược lại sự hiểu biết của mình:
–        Chúng ta từ chối làm vinh danh Đức Chúa Trời.
–        Chúng ta từ chối tạ ơn Đức Chúa Trời.
Chúng ta cũng nên nhớ thật rõ rằng : Mục tiêu khi Đức Chúa Trời tạo ra loài người  là để loài người vinh danh Ngài. Khi Adam và Eva từ chối vinh danh Ngài qua thái độ không vâng lời , mầm móng tội lỗi này di truyền cho cả loài người .
Nhưng từ chối tạ ơn Đức Chúa Trời là bắt đầu từ chính chúng ta, từ sự ngu muội của chúng ta. .
SPURGEON MÔ TẢ CON NGƯỜI VÔ ƠN 
Charles Spurgeon nhận định rằng :

“Tôi không thể nói có cái gì làm một người xấu tệ hơn khi người đó là kẻ vô ơn và khi quý vị nói người đó là người không tạ ơn Trời thì đó là điều tệ hại nhất mà quý vị đổ trên người đó.”

Tại sao ông ta nói như vậy ?
Khi ngồi trên bàn ăn với thức ăn, khi ngủ một đêm trên giường, nhớ lại những điều mình mong muốn lúc còn trẻ hình như chúng ta không thiếu xót điều gì. Chúa đã đối xử chúng ta như vậy. Chúng ta có người mẹ tảo tần, người cha khôn ngoan, có một mái gia đình với những mối tương giao tốt với bạn bè lối xóm. Cũng có lúc gặp khó khăn, cũng có lúc bận rộn vất vả , cũng có khi thất bại nhưng Chúa vẫn làm cho con đường đi của chúng ta dù chông gai vẫn được an lành. Có lúc mất mát điều thân yêu nhưng rồi cũng được an ủi .

Chẳng lẽ không có lúc nào trong đời đáng được tạ ơn Chúa Trời hay sao? 
HAI DẤU HIỆU CỦA MỘT NGƯỜI VÔ ƠN 
Spurgeon trong một bài giảng nói rằng “ Tôi biết có cả ngàn người, tự xưng mình là Cơ đốc nhân, nhưng không có thái độ biết ơn Chúa và tệ hơn là họ nghĩ rằng mình vô tội khi phạm lỗi lầm này.”.

Rồi ông giải thích tại sao họ không biết ơn Chúa.
1) Trước hết, họ nhận từ tay Chúa những phước hạnh hàng ngày nhưng họ không hề nghĩ nó đến từ đâu và do ai ban cho.
Lòng nhân từ của Đức Chúa Trời thể hiện mỗi buổi sáng – sự sống, hơi thở, sức khỏe, thức ăn, áo quần, việc làm , tiền bạc đủ cho nhu cầu của chúng ta – Chúng ta nhận những thứ đó mỗi ngày nhưng không biết nó từ Chúa ban cho
2) Thứ hai, chúng ta phàn nàn về những điều chưa có.
Nếu nhận bánh mana thì họ đòi ăn chim cút. Nếu họ có cá thì họ đòi có thịt heo. Nếu họ có bộ áo quần màu đen thì họ đòi bộ com lê màu xám. Nếu họ có $500.00 họ muốn có $1,000.00.  Nếu họ không bị cancer thì họ than phiền chứng nhức chân. Nếu có một chiếc xe, họ lại muốn chiếc khác. Có việc làm thì lại muốn có việc khác tốt hơn.
Phàn nàn hay lằm bằm là bản chất của con người. Nếu quay lui về thời Adam , thì có lẽ chúng ta sẽ nghe lời phàn nàn của Ađam với E-va rằng những chiếc lá của cây vả làm cho anh ta ngứa ngáy khó chịu.

LÒNG BỘI ƠN CỦA TÔI
Một câu chuyện do Muc sư Ray Richards kể lại :
Trong hai năm nay, Chúa nhân từ đã dẫn tôi đi vào một con đường khác hẳn với quá khứ.
Trong 27 năm, tôi hầu việc Chúa trong ba Hội Thánh: một ở Los Angeles, một ở Dallas, và một ở Chicago. Trong cả ba Hội Thánh này, tôi muốn nhấn mạnh rằng hội chúng đều  là những người tốt, lịch sự và chăm chú nghe bài chia sẻ của tôi tuần qua tuần. Cả ba Hội thánh đều rất rời rộng cung lương cho gia đình tôi. Sau 16 năm hầu việc tại Chicago, đến lúc Chúa gọi , vợ chồng tôi báo cho Hội Thánh biết chúng tôi sẽ dọn về Tupelo, Mississippi, để sống và chờ sự kêu gọi mới của Chúa. Giống như Abraham,  lúc về già, chúng tôi đi mà chưa biết đi đâu. Và tôi không nghĩ rằng thật dễ dàng cho ông Abraham để thay vì làm những điều mình biết để phải làm những điều mình không biết.
Trong thời gian này, tôi học được cách thức mà Chúa hoạch định cho chúng ta và chắc rằng không ai giống ai trong chương trình của Ngài.
Có một điều tôi chưa tiết lộ với quý vị là trong suốt một năm chờ đợi lời Chúa phán, chúng tôi sống không có lợi tức cố định nào cả. Nghĩa là trong suốt 12 tháng, chúng tôi không nhận bất cứ đồng lương nào. Có thể nói chúng tôi sống ngoài lề thế gian. Trong suốt năm có hai điều xảy đến:
– Trước hết, Sống ngoài lề xã hội không nằm trong dự tính của chúng tôi. Tôi không bao giờ nghĩ rằng sẽ có một giai đoạn tắc nghẽn, sống không có một đồng lương cố định. Đó là một điều bất thường khi quý vị  vẫn còn là con người đầy nhiệt quyết. Tôi cũng không muốn như vậy và cũng không dự tính như thế. Nhưng đó là chương trình của Chúa và rất lạ, hiếm có xảy ra trong cuộc đời của chúng tôi . Chúng tôi sống như vậy trong 12 tháng, ngày qua ngày, tháng qua tháng.
– Thứ hai, Đức Chúa Trời không bao giờ bỏ quên chúng ta, dù một giây. Chúng tôi thấy những việc xảy ra và đó là sự trả lời mầu nhiệm qua sự cầu xin của chúng tôi. Sự quan phòng của Chúa đến với chúng tôi từ thiên đàng. Nó không bao giờ quá nhiều nhưng lúc nào cũng đầy đủ và luôn luôn đúng hạn kỳ. Chúng tôi không nhìn thấy rõ điều này cho đến cuối năm. Cuối năm, ngồi lại kết toán, số tiền mà chúng tôi nhận được qua những lần đi giảng luận tại các Hội Thánh khắp nơi nuôi sống chúng tôi đầy đủ như trước đây. Hai vợ chồng tôi sững sờ và hết sức tạ ơn Chúa.
Nhưng rồi, sau những giây phút tạ ơn đó, tôi thức tỉnh. Chúa đã nói thật rõ cho tôi và chỉ cho tôi thấy điều mà lòng tôi chưa bao giờ nghĩ đến trước đây. Quý vị có biết không ! trong 27 năm tôi nhận rất đều đặn những check lương hàng tháng của Hội Thánh trả cho người Mục sư quản nhiệm, tôi chưa bao giờ tạ ơn Chúa về sự quan phòng này của Chúa. Lần nào nhận được check lương, tôi vội vàng deposit vào bank account của tôi nhưng không bao giờ mở lời nói “ Con cảm tạ Chúa “ .

Tôi tin chắc rằng tôi sẽ không bao giờ thấy sự bội ơn của mình nếu không có 12 tháng không lương này. Trong 27 năm làm MS quản nhiệm, nếu có ai hỏi tôi rằng “ Mục sư có cảm tạ Chúa khi nhận check lương của MS không ? Tôi tin chắc rằng tôi sẽ trả lời “ Có chứ !” nhưng miệng thì nói có vì có vị MS nào có thể mở miệng nói không đâu. Nhưng trong lòng, tôi nghĩ rằng “ Tiền này là của tôi, do công sức của tôi và tôi được trả vì công sức đó. Đồng lương là công lao của mình. Làm sao lại nghĩ rằng nó là món quà của Chúa ban cho ?
Bây giờ, tôi không còn nghĩ như vậy nữa. Bây giờ tôi thật cảm thấy xấu hổ vì đã không nhận ra sự rời rộng của các con cái của Chúa trong Hội Thánh. Đức Chúa Trời có cách riêng của Ngài để làm cho tôi tớ của Ngài biết khiêm nhường. Trong suốt một năm không lương, mỗi khi tôi đến giảng tại một Hội Thánh, họ mang tặng cho tôi một món quà nhỏ , lòng tôi thật cảm động và chân thành cảm tạ Chúa.  Tôi học bài học cảm tạ Chúa vì những gì tôi có đều đến từ lòng quan phòng của Đức Chúa Trời.
KẾT LUẬN
Thưa Hội Thánh
Tôi thuật lại câu chuyện của MS Ray Richard thật ra cũng chính là câu chuyện của tôi. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng check lương mà Hội Thánh gởi cho tôi hàng tháng là món qua của Đức Chúa Trời và không bao giờ nghĩrằng đó là sự rời rộng của Chúa và của quý con cái Chúa. Hơn nữa đôi lúc so sánh với Hội Thánh chung quanh, rồi nghe lời nói phê phán hành tỏi, tôi còn kiêu ngạo cho rằng mình xứng đáng được nhiều hơn, cao hơn.
Trước đây, khi tôi làm một công việc gì cho Hội Thánh, tôi thường nghĩ rằng : “ Chúa nợ tôi lần này” nhưng thật ra chúng ta nợ Chúa quá nhiều. Mỗi sáng thức dậy:  sự sống, hơi thở, sức khoẻ, chiếc xe, quần áo, thức ăn, tiền bạc ,  con cái, vợ chồng bình an … tất cả là hư vô, mất hay còn thật không biết được và Chúa vẫn ban cho chúng ta , chúng ta vẫn hưởng mà lòng không hề nghĩ nó đến từ Chúa.
Tôi phạm tội với Chúa vì không cảm tạ Chúa qua sự quan phòng của Ngài.
Tất cả những gì chúng ta có đều là quà đến từ Cha Thiên thượng của chúng ta.
Đức Chúa Trời chỉ cho tôi thấy rằng : tôi là người có tội, tội bội ơn và dối lòng. Không tạ ơn Chúa khi chúng ta nhận là chúng ta mở cửa cho tội lỗi bước vào.
Ngày hôm nay,  chúng ta phải thay đổi.
Đừng dối lòng mình nữa. Những gì Chúa ban cho dù chúng ta bội ơn Ngài vẫn để cho chúng ta giữ như người Cha thương con, lo lắng cho nó để rồi cuối cùng không nhận được một lời cám ơn. Người Cha sẽ buồn, buồn lắm nhưng kiên nhẫn chờ đợi ngày nào đó con mình nghĩ lại mà cám ơn Cha mình. Xin đừng làm Cha của chúng ta ở trên trời phải thất vọng quá lâu.
Xin mời quý vị đứng lên mà nói lên lời tạ ơn Cha.

Bài sau8. Cảm Tạ Trong Mọi Hoàn Cảnh
Bài trước11. Cầu Nguyện-Chấp Nhận- Vững Tin