8. Chặng Đường Sáu Dặm

Ma-thi-ơ 2:1-6 
Với chặng đường 6 dặm, chúng ta đi bộ phải tốn bao lâu?
Nếu quý vị còn trai tráng khỏe mạnh, có thể tốn vài giờ. Nếu sức khẻo trung bình thì có thể tốn nửa ngày. Sáng đi, chiều sẽ đến.  Sáu dặm dài bằng chặng đường từ Seven Corners đến ranh Washington DC, hoặc tính theo Việt nam khoảng 10 cây số –  từ Cần thơ đến Cái Tắc. Từ chợ Sài gòn đến Gia định.
Đó là chặng đường từ Jerusalem đến Bết-lê-hem. Sáng sớm thức dậy uống cà phê ở Jerusalem rồi đi bộ về Bết-lê hem ăn cơm chiều.
Nếu chúng ta đến viếng xứ Thánh, quý vị sẽ thấy sự nhỏ bé của quốc gia này. Nước Do Thái rất nhỏ so với Hoa kỳ. Cả nước chỉ có khoảng 8500 square miles. Bằng với tiểu bang New Jersey và nhỏ hơn tiểu bang Vermont.
Từ Dan, phiá bắc đến Beersheba phía nam chỉ có 150 miles . Nếu có dịp du lịch nước Do Thái, những địa danh mà chúng ta nghe quen thuộc như Biển Ga-li-lê, Ca-pê-na-um, ngọn núi Chúa dạy các phước, Giê-ri-cô chỉ cách không quá 100 miles từ Jerusalem.
Một trong những chặng đường có biến cố trọng đại chỉ cách Jerusalem 6 dặm mà thôi.
2000 năm trước, ở đây không có nhiều phố xá như bây giờ. Bết-lê-hem là một làng nhỏ bé . Mặc dù địa danh này được nhiều người biết vì nơi đó Kinh thánh nhắc đến rất nhiều.
Bết-lê-hem là nơi Gia cốp chôn cất Ra-chên vợ ông và dựng một mộ bia tưởng niệm bên cạnh mộ  (Sáng 35:19-20). Đó là nơi Na-ô-mi và Ru-tơ trở về từ xứ Mô-áp , sống và Ru-tơ gặp Bô-ô (Ru-tơ 1:22). Từ Bết-lê-hem Ru-tơ có thể thấy vùng đất Mô-áp, quê hương của bà , ở bên kia sông Giô-đanh. Đặc biệt hơn hết Bết-lê-hem là nhà và thành của Đa-vít ( I Sa-mu-ên 16:1) chính Đavít thèm được uống nước tại giếng của Bết-lê-hem khi ông bị lưu lạc trốn tránh trên núi ( I I Sa-mu-ên 23:14). Trong tâm trí người Do Thái, Bết-lê-hem là thành của Đa-vit. 
Nhưng Bết-lê-hem lúc này chỉ có dộ 200 nóc gia. Bởi vì nó gần Jerusalem nên tại đó có vài  quán trọ dành cho những người đi đến Jerusalem nhưng chậm bước hay không đủ tiền trả chỗ ngủ tại Jerusalem. Lúc đó một số người tề tựu về đây vì lệnh của Augustus  (Lu-ca  2:1-3). 
Hãy nhớ: Jerusalem và Bết-lê-hem là hai vùng lân cận. Jerusalem là thành phố rộng lớn và Bết-lê-hem chỉ là một làng nhỏ nhưng thuận tiện cho một số người ngủ đêm tại đây để sáng hôm sau đi thêm 6 dặm là đến Jerusalem.
Sáu dặm đường – Thât không xa lắm.
Bây giờ chúng ta cùng nhau đọc 6 câu Kinh văn trong sách  Ma-thi-ơ đoạn 2:1-6  :
Khi Đức Chúa Jêsus đã sanh tại thành Bết-lê-hem, xứ Giu-đê, đang đời vua Hê-rốt, có mấy thầy bác sĩ ở đông phương đến thành Giê-ru-sa-lem,2 mà hỏi rằng: Vua dân Giu-đa mới sanh tại đâu? Vì chúng ta đã thấy ngôi sao Ngài bên đông phương, nên đến đặng thờ lạy Ngài. 3 Nghe tin ấy, vua Hê-rốt cùng cả thành Giê-ru-sa-lem đều bối rối. 4 Vua bèn nhóm các thầy tế lễ cả và các thầy thông giáo trong dân lại mà tra hỏi rằng Đấng Christ phải sanh tại đâu. 5 Tâu rằng: Tại Bết-lê-hem, xứ Giu-đê; vì có lời của đấng tiên tri chép như vầy: 6 Hỡi Bết-lê-hem, đất Giu-đa! Thật ngươi chẳng phải kém gì các thành lớn của xứ Giu-đa đâu, Vì từ ngươi sẽ ra một tướng, Là Đấng chăn dân Y-sơ-ra-ên, tức dân ta.   (Ma-thi-ơ 2:1-6).
Chắc chắn quý vị sẽ có những thắc mắc:  

  • Mấy ông thông thái (Bác sĩ)  Đông Phương từ đâu đến?
  • Họ là ai ?
  • Họ đi bao xa ?
  • Họ có bao nhiêu người ?
  • Ngôi sao họ thấy là sao gì? Nó có nghĩa là gì?
  • Tại sao họ muốn đến để thờ phượng vua dân Giu-đa?
  • Tại sao cả thành phố bối rối ?

Nhưng tôi thấy có một câu hỏi dành cho những người nào có sự chú tâm đến câu chuyện Chúa Jesus Giáng sinh. Đó là :
Tại sao các lãnh đạo Giu-đa và dân chúng là những người đang chờ Đấng Mê-si-a không đi đến Bết-lê-hem khi nghe tin này ?
Bết-lê-hem không xa. Chỉ cách 6 dặm đường
Nếu họ biết Đấng Cứu Thế sanh ra tại Bết-lê-hem, tại sao họ không đến đó để quan sát, xem xét, dọ hỏi thực hư như thế nào chứ !
Các ông thông thái Đông phương biết rất ít về sự ra đời của Đấng Cứu Thế,  họ ở xa mấy trăm lần nhưng họ tìm đến và dâng nhiều của lễ quý báu.
Các đạo sĩ, thông giáo, các ông dạy luật biết quá nhiều về Đấng Cứu Thế , ở quá gần nhưng chẳng hành động gì cả.
Nếu quý vị đang ở vùng Eden, nghe tin Chúa Jesus giáng sinh tại Washington DC hay lúc chúng ta đang ở tại Falls Church này, nghe tin Chúa Jesus giáng sinh ra tại Fairfax Circles. Chúng ta có nên đến xem không ?
Tôi nghĩ rằng tất cả các ông đạo sĩ, giáo luật đều biết về Đấng Cứu Thế sẽ đến vì họ rất giỏi về Kinh Thánh. Họ đang bị La-mã đô hộ, họ mong chờ Mê-si-a đến. Họ biết nhiều chi tiết về Đấng Mê-si-a :
Ngài được sanh ra bởi người nữ.   Sáng  3:15.
Ngài thuộc dòng dõi của Sem Sáng 9:26.
Ngài thuộc dòng dõi Ap-ra-ham. Sáng 12:1-3.
Ngài thuộc dòng dõi Y-sác . Sáng  22:18.
Ngài thuộc dòng dõi Gia-cốp. Sáng 28:14.
Ngài thuộc chi phái Giu-đa. Sáng  49:10.
Ngài con của Đa- vít . 2 Sa-mu-ên 7:11,12,16.
Ngài được sanh bời một nữ đồng trinh . Ê-sai  7:14.
Ngài sẽ sanh tại Bết-lê-hem . Mi-chê 5:2.
Chúng ta có thể tóm tắt 5 điều mà các học giả Do Thái lúc bấy giờ đều biết là Đấng Mê-si-a :
1. Đấng Mê-si-a là người Do Thái.
2. 
Ngài đến từ chi phái Giu-đa 
3. Ngài thuộc dòng dõi của Đa-vít .
4. Ngài sẽ sanh tại Bết-lê-hem.
5. Ngài sẽ được sanh bởi một nữ đồng trinh .

Các thầy thông giáo và các thầy tế lễ là ai mà được vua Hê-rốt mời đến mà tra hỏi ?

  • Họ là những đầu óc khôn ngoan thông sáng nhất thời đó.
  • Họ là những người đọc và nghiên cứu Thánh Kinh Cựu Ước ngày và đêm.
  • Họ thuộc nằm lòng bộ ngũ Kinh, cả sách Cựu ước và Kinh Torah.
  • Họ hiểu lời Chúa, họ yêu lời Chúa, họ thuộc lòng lời Chúa, họ nghiên cứu tranh luận về lời Chúa.   .

Vì vậy, khi vua Hê-rốt hỏi Chúa Cứu Thế sinh tại đâu , thì lập tức họ trả lời ngay là tại Bết-lêhem.
Họ biết và nhớ trong lòng nơi Đấng Cứu Thế sẽ sinh ra. Họ không cần tra cứu Kinh Thánh.
Tôi hình dung khi nghe vua hỏi. chắc họ nói thầm: Tôi hy vọng lần sau Vua hỏi câu hỏi khó hơn.
Nếu họ biết sự thật, tại sao họ không tới Bết-le-hem ?.
Có 3 câu giải đáp.

  • KIẾN THỨC SÂU RỘNG LÀM CHO HỌ LƯỜI BIẾNG TÂM LINH

Quý vị có thể là người hiểu biết quá nhiều. Quý vị có thể nghiên cứu quá lâu, so sánh nhiều ý kiến, đọc nhiều sách vỡ, tranh luận nhiều lần. Để rồi cuối cùng quý vị không đi đến một kết luận nào cả cũng như không cam kết hứa hẹn với Chúa điều gì hết. Quý vị có thể sẽ là người “ vẫn học luôn mà không hề thông biết lẽ thật được “ (2 Timothy 3:7).
Kiến thức cao là một điều quý báu nhưng tới một điểm nào đó, chúng ta phải quyết định niềm tin cho chính bản thân mình. Không cần phải nói rằng” Tôi là người nghiên cứu đạo giáo, Tôi biết rõ về đạo Hồi giáo, tín lý của Ấn độ giáo. Tôi nghiên cứu về Phật giáo, tôi đọc rất nhiều sách về tôn giáo này, đaọ lý kia. Nhưng sự thông mình, kiến thức rộng mà chẳng hữu ích nếu tôi không đi đến một niềm tin, một quyết tâm cá nhân.
Lắm người nghiên cứu nhiều quá, thấy mình hơn người nên quên mục tiêu là dùng sự khôn ngoan để tìm Lẽ Thật và tin theo Lẽ Thật đó. Người đó thành một học giả. Các thầy Tế Lễ, thông giáo, đạo sĩ , Giáo Luật tại Jerusalem là những người thuộc loại này. Kiến thức về Kinh Thánh thật uyên bác nhưng chỉ để thỏa mãn sự hiểu biết, để tự đề cao, để được tôn trọng chớ không để tìm Chân Lý hay áp dụng sự hiểu biết đó mà tìm con đường đúng để đi. Họ biết Đấng Mê-si-a sanh ra tại Bết-lê-hem nhưng họ không đến dù chỉ có 6 dặm đường.
Có một người từ Virginia, lái xe mấy trăm dặm đến xem thác Niagara. Khi đến gần khoảng 6 miles, anh dừng xe ở rest area. Anh hỏi một người dân địa phương về tiếng ầm ầm ồn ào hình như của một trận bão sắp đến nhưng người dân địa phương cho biết họ không nghe tiếng ồn nào cả.  Họ sống cả đời tại đây nên không phân biệt đó tiếng từ thác nước Niagara.
Cả đời dành cho việc nghiên cứu Kinh Thánh không chắc gì có một đức tin và lòng vâng phục như cô Ma-ry. Các thầy tế lễ, thông giáo, đạo sĩ dành cả đời nghiên cứu Kinh Thánh nhưng không nhận ra Đấng Mê-si-a ra đời như lời Chúa trong Kinh Thánh.

2. TÔN GIÁO CỦA HỌ CHỈ LÀ SỰ KHÁC NHAU VỀ TÂM LINH.

Trả lời câu hỏi của vua Hê-rốt giống như một trò chơi đố Kinh Thánh và không có gì hữu ích khi bạn biết trước câu trả lời. Nhưng một tôn giáo , dù là một tôn giáo tốt, một tôn giáo căn cứ vào Kinh Thánh cũng có thể không làm quý vị có đức tin tốt hay đầu óc con người sáng suốt để thấy lẽ thật.  Thật dễ dàng khi chúng ta rơi vào cái bẫy khi tuyên xưng “ Tôi là Báp tít, tôi là CMA hay tôi là Giám lý, hay tôi là Công giáo”. Những người này tưởng rằng mình lên Thiên đàng nhờ vào Hội Thánh của mình. Thật dễ dàng khi “ tuân theo luật” của nhà thờ mà chúng ta tham dự và giữ khoảng cách với Chúa. Rất nhiều người chỉ làm theo ý của Mục sư, linh mục hơn là tìm hiểu sự dạy dỗ của Chúa. Nhưng sự thật là Nếu Chúa Jesus đối với quý vị chỉ là một giáo lý, mà hệ phái hay Hội thánh của quý vị mới là quan trọng thì Chúa Jesus sẽ không bổ ích gì cho cá nhân quý vị đâu.   Nếu Chúa Jesus chỉ là một giáo lý mà quý vị học sâu hiểu rộng thì điều đó chẳng giúp gì cho cá nhận của quý vị nếu quý vị không có một hành động : “ đi 6 dặm đường đến gặp hài nhi Jesus” .  Kiến thức loại này chỉ giúp quý vị thành một con mọt sách mà thôi.
Nếu chúng ta chỉ chú trọng đến sinh hoạt của Hội Thánh, những thành quả của Hội Thánh, lời giảng luận của Mục sư hay những tài năng tôn vinh của Hội Thánh rồi nghĩ rằng Hội Thánh làm vừa lòng Chúa và do đó mình cũng được Chúa vui lòng thì thật tội nghiệp cho chúng ta. Chúng ta nghĩ rằng Hội Thánh đến với Chúa đồng nghĩa chúng ta đã đi một chặng đường 6 dặm trong khi chúng ta chẳng bước thêm một bước nào cả để đến gần với Chúa hơn.
Họ có tôn giáo rồi – Do Thái giáo. Họ không cần biết tôn giáo của họ có sự cứu chuộc hay không. Họ không cần biết Đức Chúa Trời, Đấng Tạo Hoá vì họ có tôn giáo của họ rồi. Nhiều người bây giờ cũng vậy. Họ có tôn giáo của họ rồi. Họ chẳng cần biết tôn giáo này có cứu họ được không. Một tôn giáo chỉ cách sống cho tốt, chỉ cách nào giảm tội lỗi nhưng không hề tẩy sạch tội lỗi được vì chỉ cần suy nghĩ lệch lạc cũng đã phạm tội rồi. Chỉ cần không làm điều tốt cũng là phạm tội rồi. Tôi có nhà thờ của tôi rồi. Tôi có tôn giáo của tôi rồi và tôi không cần Kinh Thánh nói gì nữa. Việc đó có Mục sư hay Chấp sự lo. Đó là quan điểm của dân chúng Jerusalem. Và cũng là đa số chúng ta ngày hôm nay.
3. MỘT QUA KHỨ VÀNG SON CHỈ GIÚP QUÝ VỊ KIÊU HÃNH NGẠO MẠN
Tôi nghĩ rằng đây là một lý do chánh.
Một ngày kia có mấy người đến làng của quý vị. Họ nói rằng họ thấy một ngôi sao từ hướng đông dẫn họ đến đây để tìm một hài nhi vừa mới sinh ra và hài nhi này sẽ là vua của dân Giu-đa. Quý vị có cho đó là chuyện kỳ quặc không? Và mấy ngươì này là ai vậy? Ai gởi họ đến đây? Họ đến từ đâu ? Đó là ngôi sao gì? Tại sao chúng ta không thấy ?
Hơn nữa, họ là khách lạ. Họ nói tiếng lạ, Ăn mặc không giống chúng ta , “Chúng tôi không ở vùng này” Vì vậy làm dân trong thành Jerusalem bối rối.
Thật dễ dàng không chấp nhận với những người không giống chúng ta nhất là khi chúng ta cho mình là tuyển dân của Đức Chúa Trời.
Năm 1975, tôi về định cư tại Kansas City. Hình như dân chúng hồi đó ít ai biết Việt nam ở đâu. Tôi làm lao động trong một hãng sản xuất nhựa tráng đường. Trong giờ ăn trưa, trò chuyện với các bạn đồng nghiệp lao động với nhau, tôi mới biết tuy họ là người Hoa kỳ da trắng nhưng trình độ hiểu biết của họ thật kém vì đa số không có bằng trung học.  Cũng như Việt nam, họ thích nói chuyện chính trị, tình hình thế giới … Vì tôi là dân tỵ nạn, nói tiếng Anh không trôi chảy nên họ không thể nào cho ý kiến hay kiến thức của tôi là đúng hết. Nếu tôi nói với họ về Kinh Thánh thì chắc là không ai tin cả.
Giống như các người đông phương này, không ai biết họ là những nhà thông thái, nên khi nói rằng họ theo một ngôi sao để tìm “ vua dân Giu-đa”  làm họ ngạc nhiên, bối rối nhưng không ai nghe theo.
Đó là một điều đáng chú ý, vua Hê-rốt là ngươì rất nhậy cảm. Khi các nhà thông thái hỏi vua Giu-đa sanh ở đâu thì vị vua này biết ngay là họ muốn nói  đến Đấng Cứu Thế vì đó là nỗi lo lắng trong tim của vị vua hung ác và đa nghi này.
Khi giảng luận về đoạn kinh văn này,  John Calvin nhận định:
Đây là sự thật về một chặng đường của những người uể oải, không một ai lên tiếng giúp những người ngoại quốc này, họ đến đây để thấy và tôn thờ một vị Vua mà Đức Chúa Trời hứa ban cho quốc gia này.
Uể oải, thờ ơ.
Có lẽ họ sợ vua Hê-rốt tức giận nếu họ đi theo các nhà Thông Thái Đông phương này. Nhưng rồi sao? Xem ra thì người dân Do Thái, kể cả các lãnh đạo tôn giáo Do Thái lúc này đang chìm trong sự lo sợ và bịao vây bởi những vòng vây tâm linh.
Chỉ cách hài nhi Jesus 6 dặm!
Sáu dặm!
Đi bộ 3 giờ. Có thể nói hơn ½ Hội Thánh này có thể làm được . Đi bộ 6 dặm.
Nhưng vì sợ, vì tự thỏa mãn với kiến thức uyên thâm về Kinh Thánh, hay hãnh diện vì là dân tuyển chọn của Đức Chúa Trời tại sao phải đi theo những người ngoại bang này hay vì lười biếng, uể oải với những vật lộn hằng ngày – Họ từ chối đi sáu dăm để gặp Chúa Jesus.
Khi đọc đoạn Kinh văn Ma-thi-ơ 2, chúng ta thấy tất cả những người liên quan đến biến cố này có cùng những tin tức giống nhau. Họ đều biết một hài nhi sanh ra tại Bết-lê-hem, Họ cũng biết hài nhi đó là ai. Vua Hê-rốt biết và dự tính sẽ giết hài nhi này khi được xác nhận. Các thầy thông giáo biết nhưng phớt lờ, mặc kệ. Các nhà thông thái Đông phương biết và thờ phượng hài nhi Jesus.

  • Sự hiểu biết của chúng ta cũng có khi ngăn trở chúng ta đến gần với Lẽ Thật.
  • Hiểu biết nhiều có thể giúp chúng ta thấy Lẽ Thật nhưng rồi không hành động gì cả nên vẫn đánh mất Lẽ Thật.

Đối với những người thấy mình quá bận rộn để gia nhập vào nhóm đi tìm Chúa Jesus, C. S. Lewis viết:
Hãy nhìn vào chính bản thân mình. Nếu quý vị thấy trong hành trình dài , quý vị chỉ gặp cay đắng, cô độc, thất vọng, nóng giận, mục nát, suy tàn thì quý vị biết ngay là trong cuộc hành trình đó, quý vị không tìm kiếm Chúa Jesus mà tìm kiếm chính mình. Quý vị đánh mất mục tiêu: thay vì đến Bết-lê-hem với Chúa, cũng như dân Do Thái thời đó, họ dậm chân tại chỗ vì họ chỉ thấy mình hoặc họ cũng đi nhưng đi đến nơi mà nghĩ rằng hữu ích cho cuộc sống hiện tai, vật chất hơn là gặp Đấng Cứu Thế. Họ thấy mình quan trọng hơn Chúa,  mình hiểu biết quá nhiều, mình sợ mất địa vị tốt đẹp, và mình có một thời oanh liệt.
Chúa Jesus đang đứng cuối chặng đường của cuộc hành trình.

  • Nếu không bước đi, chúng ta sẽ không gặp Chúa.
  • Chúng ta không thể gặp Chúa nếu chúng ta chỉ bước nửa chặng đường.
  • Chúng ta cũng sẽ không gặp Chúa nếu chúng ta bước theo con đường của chính mình vạch ra.

Nhưng điều quan trọng phải nhớ: Không ai có thể không ra mắt Chúa . Sớm hay muộn , chúng ta đều có hẹn để phải gặp Chúa một lần.

“LÒNG TÔI THÀNH MỘT MÁNG CỎ”

Trong quyển sách của Jess Moody thuật lại lần gặp gỡ với bà Rose Kennedy (mẹ của Tổng thống John F. Kennedy) trong một học Kinh Thánh do ông hướng dẫn. Dĩ nhiên câu chuyện này lâu lắm rồi. ( Bà Rose Kennedy mất 2005) .
Hôm đó, Moody thách thức mọi người có mặt trong lớp học Kinh Thánh rằng phải tự hứa trong lòng mình rằng tôi sẵn sàng gặp Chúa vì cuộc sống ngắn ngủi và không ai biết được tương lai mình.
Khi buổi học chấm dứt, Bà Rose đến gặp riêng MS Moody và nói:
“ Tôi có kinh nghiệm về những gì mà Mục sư đã dạy tối nay. Bà kể lai cuộc đời của bà. Bà lấy chồng lúc còn trẻ. Gia đình bà giàu có và quyền lực. Bà trở nên con người ích kỷ, sống cho những tham vọng của mình. Rồi bà có thai và sanh một bé gái thật xinh đẹp.  Nhưng sau đó điều bất hạnh xảy ra cho con gái bà. Nó bị bịnh tâm thần  và nó không thể sống tự nhiên bình thường suốt đời nó.  Bà và chồng rất thất vọng trước biến cố này. Bà xây qua trách cứ và nổi giận với Chúa. Bà hỏi Chúa : “ Tại sao Chúa làm như vậy với con? ”   Sự giận dữ này trở nên cay đắng và huỷ hoại những phước hạnh của cuộc đời bà.
Một đêm nọ, bà và chồng bà chuẩn bị dự một buổi họp mặt thân hữu. Nhưng cuối cùng họ quyết định không đi vì bà biết rằng bà không thể đè nén sự nóng giận trong bà. Bà lo ngại bà sẽ nói những điều khó nghe nếu có bạn hữu hỏi về đứa con của bà. Điều này đã xảy ra trong một kỳ họp mặt trước đó.
Một người cô gái giúp việc trong nhà hỏi bà: “ Tôi thấy trong mấy tuần lễ nay, tôi thấy bà thường nóng giận. Nếu bà không thay đổi, cuộc sống phước hạnh của bà sẽ bị huỷ hoại. Tôi nghĩ rằng bà phải cầu nguyện với Chúa : Xin Chúa biến lòng tôi thành một máng cỏ để Chúa Jesus có thể sanh ra”.
Rose Kennedy kể tiếp rằng bà nổi giận với người tớ hổn láo này và bà lập tức đuổi cô ta . Nhưng tối hôm đó bà không ngủ được. Trăn trở cả đêm, bà muốn cầu nguyện nhưng không được. Cuối cùng , bà ngồi dậy, quỳ gối và lập lại lời cầu nguyện mà người giúp việc đã gợi ý cho bà : Chúa ơi! Xin Chúa biến lòng con thành một máng cỏ ngèo nàn để Chúa Jesus sanh ra”  
Ngay trong lúc đó bà khóc không dừng được. Đức Chúa Trời nghe và trả lời lời cầu nguyện của bà.
Bà nói: “ Tôi là một con chiên tốt. Tôi là một người theo Thiên Chúa giáo và tôi luôn luôn tin vào Chúa Jesus’ Nhưng bây giờ thì khác hẳn. Trong đêm đó, tôi mở lòng tôi ra . Lòng tôi bây giờ thích hợp cho một máng cỏ nghèo nàn chớ không phải là một nệm giường của giai cấp thượng lưu. Một máng cỏ đơn sơ hơn là một căn phòng đầy sách vở, đủ mọi tiện nghi của thế giới văn mình. Lòng tôi biến thành một nơi đúng theo ý muốn của Đức Chúa Trời. Do đó Ngài đã ngự vào. Một tấm lòng được vẽ ra và kiến trúc theo ý của chúng ta chắc không thể nào có Chúa vì lòng chúng ta chứa đầy tội lỗi.
Bà kể tiếp : Tình yêu trở lại tôi , nó đánh bại sự nóng giận cay đắng trong tôi.
Cuối câu chuyện bà cho biết bà tìm lại người giúp việc, xin lỗi và mướn cô ta lại cho đến ngày bà qua đời nhiều năm sau.
KẾT LUẬN
Nhiều người trong chúng ta cần lời cầu nguyện đó trong ngày hôm nay. Có thể quý vị là người sùng kính đạo và không bao giờ nghi ngờ Chúa Jesus. Nhưng đức tin này không dẫn quý vị đến sự  cam kết cá nhân. Đức tin này chưa hướng dẫn chúng ta đến một quyết tâm. Có thể vì vậy mà trong những ngày của mùa Giáng sinh năm nay, lòng chúng ta không được vui trọn vẹn, có một ít cay đắng, buồn phiền còn chứa chất trong lòng. Có lúc nóng giận, nghi ngờ. lo lắng hoang mang và những cản trở trong lòng hủy hoại soi mòn sự vui mừng của một Cơ đốc nhân. e
Vì thế, quý vị cần một lời mời từ Đức Chúa Trời .
Hãy mở lòng, hãy để những nghi ngờ, lo lắng bay đi.  Đừng níu kéo giữ lại sự nóng giận, cay đắng. Hãy từ giã chúng nó Hãy để những cay đắng của quá khứ đi qua.
Hãy cầu nguyện:
“ Xin Chúa biến lòng con thành máng cỏ để Chúa Jesus được sanh ra
Lời cầu xin này sẽ biến đổi cuộc đời của quý vị. Đấng Cứu Thế không bao giờ quay lưng với những người thật tâm.
Tôi tin rằng Giáng sinh năm nay sẽ là một Giáng sinh đặc biệt vì Chúa không giáng sinh ở Bết-lê-hem mà Ngài đang ngự trị ngay trong lòng chúng ta. Không cần phải đi 6 dặm để tìm Chúa nữa.

Bài sau7. Khi Ngài Can Thiệp
Bài trước9.MỘT CON TRẺ BỌC BẰNG KHĂN