LÒNG CHÚNG TA HÁ CHẲNG NÓNG NẢY SAO ?
Câu gốc : Ý cha được nên, ở đất như trời (Ma-thi-ơ 6: 10b)
Đọc Kinh Thánh : Lu-ca 24: 13- 35
Tôi xin tóm lược một câu chuyện trong Tập Truyện Ngắn TÔ CHÁO RẮN của Nguyễn Hữu Hiệu, với tựa là “Ý Trời” như sau:
Một ông già đang nấu ăn ở phía sau lều của ông trong trại Tỵ Nạm. Một cô gái bước lại gần ông. Mẩu đối thoại giữa hai người:
- Chào chú, chú cần cháu giúp không?
- Cám ơn cháu, chỉ nồi rau luộc thôi
- Chú đừng đậy nắp, rau sẽ mất màu xanh
- Chú không cần. Đậy lại mau chín, tiết kiệm than cuỉ. Bây giờ than củi đâu có rẻ. Rồi ông ngước nhìn cô gái
- – Trông cháu giống như ở Mỹ vậy
- Chú không nói đùa chứ. Chiều nay cháu có party nên họ mặc sao cháu mặc như vậy. Á ! chú có đổi cái money order của chú chưa?
- Thứ sáu trên văn phòng đông quá nên chú còn giữ ở đây.
- Cháu làm ở văn phòng. Nếu chú muốn, đưa cho cháu để cháu đổi giùm cho.
- Cám ơn cháu. Chú đã ký tên sẵn rồi đây.
Ông già móc tấm money order khỏi túi áo ngực đưa cho cô gái rồi tâm sự
- Thằng cháu của chú ở bên Anh còn đi học nhưng cũng có gởi cho chú ít tiền để mua trái cây tẩm bổ
- Ồ ! chỉ có 28 đồng Anh Kim. Chú cho cháu mượn số tiền này được không ?
Cô gái nhìn một cách khẩn cầu.
- Cháu cần có tiền. Cháu hứa sẽ trả lại cho chú khi cháu nhận được tiền của anh cháu ở Mỹ gởi qua.
- Không! Chú rất cảm kích lòng tốt của thằng cháu của chú. Nhưng nếu cháu cần, chú và cháu chia đôi số tiền này mỗi người một nửa. Cha cháu và chú là chỗ bạn thân. Cha cháu là một luật sư có tài chẳng làm gì để gọi là có tội nhưng tại sao chịu 13 năm trong trại học tập để rồi chết trong đó.
- Cám ơn chú nhưng cháu cần hết số tiền này để phá thai. Cháu hứa chắc chằn là sẽ trả lại cho chú tất cả số tiền này.
- Không, vấn đề không phải là tiền mà chú muốn biết tại sao cháu nghĩ đến chuyện phá thai?
- Cháu biết trước thế nào chú cũng hỏi. Lý do thật dễ hiểu. Cháu coi việc này giống như cắt tóc, cắt móng tay để làm đẹp. Cháu có thể cắt một lá phổi, một bên vú nếu có ung thư, cháu có quyền vứt bỏ một bộ phận trong cơ thể nếu nó làm phiền cuộc sống của cháu. Chú có đồng ý với cháu không ? Sống trong trại tỵ nạn này buồn chán, cháu cần vui vẻ, cần có tự do hưởng thụ cũng như có tự do vứt bỏ những gì cháu không muốn giữ trong người.
- Cháu có bao giờ nghĩ đến quyền sống của đứa bé chưa sinh ra không ? Nó không có tiếng nói để bào chữa quyền của nó. Làm sao cháu coi nó như sợi tóc, cái móng tay hay phần cơ thể bị ung thư,ung thúi được….
Bục … bục … khói bùng lên, nồi rau sội nước trồi lên
Mùi cháy tỏa ra. Ông già và cô gái vội vàng cố đem cái nồi đang cạn nước ra khỏi lò. Trong lúc vội vã, cô gái đánh rơi tấm money order vào cái lò đang cháy đỏ. Cô gái bật khóc :
- Cháu xin lỗi chú. Lỗi tại cháu. Đúng là lỗi tại cháu. Cháu sẽ viết thư xin anh của cháu gởi tiền để hoàn lại cho chú. Rồi bỏ chạy.
Còn lại ông già một mình lầm bầm
- – Đừng viết thư cho anh cháu, đừng bận tâm về số tiền này. Không lỗi của ai cả. Chẳng có gì sai cả . Chẳng qua đó là ý Trời !
Hôm nay tôi muốn nói đến một lời cầu xin thật ngắn , bốn chữ, nhưng thật khó trong bài cầu nguyện chung. Đó là “ý Cha được nên”
THÁI ĐỘ KHÁC NHAU KHI NÓI LỜI CẦU XIN NÀY
Thưa hội Thánh
Qua bốn chữ này, nó diễn tả được bốn tâm trạng của người Cơ đốc khi người đó mở miệng cầu xin:
- Tình thần chủ bại, tiêu cực : không thể nói cách khác vì mình quá bé nhỏ trước một Chúa Trời đầy quyền năng
- Tinh thần cay đắng: không thể nói lên điều tôi muốn khi tôi nghĩ rằng ý muốn đó của tôi không theo ý muốn của Chúa
- Tinh thần thiếu tin tưởng: không tin tưởng vào điều mình xin sẽ được Chúa chấp thuận nên thêm vào đó một câu thòng: ý cha được nên.
- Tinh thần đức tin vững mạnh: tin tưởng tuyệt đối vào tình yêu và quyền năng của Chúa. Tôi xin Chúa làm theo ý của Ngài vì Ngài lúc nào cũng biết điều gì tốt lành nhất cho con và Ngài có đủ quyền năng để làm điều tốt lành đó cho mình.
Quý vị có thấy cái khó của lời cầu xin này. Cũng bốn chữ này mà thái dộ cầu xin khác nhau và trái ngược nhau.
Tôi học kinh nghiệm 45 năm trước, khi cha tôi qua đời vào năm 1970. Khi ba tôi bảo tôi chở ông về nhà vì ông không muốn ở trong bệnh viện nữa, tôi biết cuộc đời ở dương thế của ông đã trọn. Trước đó nhiều tháng, tôi cố nài xin Chúa cho ba tôi sống khỏe mạnh thêm vài năm nữa để an hưởng tuổi già vì lúc đó tôi đã thành tài , ra trường vừa được hai năm chưa kịp làm điều gì để làm vui lòng ông. Điều cầu xin của tôi thiết nghĩ vừa lòng Chúa. Đó là lời cầu xin của người con hiếu thảo. Nhưng Chúa không nghe hay nghe nhưng không chiều theo ý tôi mà để ba tôi qua đời. Từ đó tôi không tha thiết với sự cầu nguyện. Lúc đó tôi không thích lời cầu nguyện : Ý CHA ĐƯỢC NÊN vì tôi không hiểu ý nghĩa của lời dạy dỗ của Chúa Jesus qua lời cầu nguyện này.
Đứng bên giường bệnh với người mình yêu thương nằm trên đó. làm sao chúng ta có thể cầu nguyện : “Ý Cha được nên” . Trong tình thế đó, tôi nghĩ rằng lời cầu xin này quá chủ bại, tiêu cực, thiếu đức tin. Vì cầu xin như vậy có nghĩa là xin Chúa cất cha tôi về thiên đàng vì mình biết rằng Chúa không thể nào vì lời cầu của mình mà Chúa thay đổi cơ trời, thay đổi vận người để cha tôi sống thêm vài năm hay sao? Đứng trước điều mà hình như không thay đổi được , chúng ta đành mở miệng nói một lời cầu xin: Ý CHA ĐƯỢC NÊN gần như vô nghĩa, nó chỉ là một bất lực của con người trước hoàn cảnh éo le.
Tâm trạng của chúng ta trước lời cầu xin này là:
- Ý của Chúa là quan trọng nhưng ý Chúa có quan tâm đến cuộc đời của tôi không hay là Ngài chỉ chú ý đến chuyện to lớn của vũ trụ, trái đất, cả nhân loại?
- Tôi có tự do để có những ý muốn riêng cho cuộc đời của mình và tôi muốn xin Chúa làm theo ý tôi. Như vậy có thể hai ý muốn này mâu thuẫn nhau. Nếu có mâu thuãn thì ý của ai sẽ thắng. Nếu tôi cầu: “Ý Chúa được nên” nghĩa là tôi muốn Chúa đắc thắng
- Nhưng trong lòng , tôi không muốn như vậy
- Do đó dù cầu nguyện nhưng trong lòng không thích và sự mâu thuẫn đó thực sự chưa giải quyết.
- Quan trọng hơn, đặt ngoài cái TÔI, nếu Chúa là toàn năng, ý Chúa chắc sẽ thành, tại sao lại cần xin Ý CHÚA ĐƯỢC NÊN ?
Do đó tôi nói đây là lời cầu nguyện khó nhất.
KHÓ KHĂN THỨ NHẤT: Nghi ngờ: Ý Chúa có liên quan hay có quan tâm đến đời sống của tôi không ?
CÂU CHUYỆN : Hai môn đồ lòng nặng nề lê lết trên đường về quê ở làng Em-ma-út. Vì đường xa, vì thất vọng đè nặng hai vai họ không biết hôm nay ngày Chúa nhật là ngày Chúa sống lại. Nhìn gương mặt đầy thất vọng của họ, chúng ta cũng có thể đoán được rằng Chúa Jesus của họ vẫn còn nằm trong nấm mồ. Thật vậy, hãy nghe một trong 2 người đó nói: “ Chúng tôi hy vọng Ngài sẽ cứu dân Y-sơ-ra-ên, nhưng Ngài đã ở trong mồ ba ngày rồi ( Lu-ca 24:21).
Lời phát biểu của người môn đồ này có làm chúng ta ngạc nhiên không?
Tại sao các môn đồ của Chúa ở rất gần với Chúa mà vẫn có thể không hiểu được Chúa của mình.
- Chúa xuống thế gian để cứu nhân loại; họ nghĩ Chúa sẽ giải cứu nước Do Thái ra khỏi sự đô hộ của La-mã .
- Chúa đến để đối phó với vấn đề tội lỗi và sự chết ; họ muốn Chúa phải trực diện chống lại Sê-sa và lính của Hoàng đế Sê-sa.
- Chúa xuống để giải phóng chúng ta khỏi địa ngục, khỏi sự kềm kẹp của Sa-tan; họ muốn được giải thoát khỏi sự bóc lột của chính quyền Hê rốt.
Chúa và các môn đồ cùng muốn làm một cuộc cách mạng. Chúa muốn một cuộc cách mạng tâm linh và cho toàn thể nhân loại. Họ muốn một cuộc cách mạng giải phóng đất nước Do Thái khỏi ách đô hộ của ngoại bang.
Chúng ta nhiều lúc cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự như vậy.
Hãy bắt chước ông Bob Pierce, người sáng lập World Vision, một cơ quan thiện nguyện Cơ đốc đang giúp hàng chục triệu người khắp thế giới. Nếu đọc tiểu sử của ông, quý vị sẽ ngạc nhiên khi biết một nhân vật vĩ đại như vậy mà không có học thức cao, có lúc ông là người phụ bếp của vua Anh quốc. Ông tự nhận mình là loại công dân hạng nhì. Nhưng bí mật thành công của ông , như ông tiết lộ, là từ lúc ông tin Chúa, ông luôn luôn cầu nguyện: “ Lạy Chúa, Con trao cho Chúa toàn quyền thay đổi cuộc đời của con bất cứ lúc nào và theo bất cứ ý muốn nào của Chúa. Và Chúa cũng không cần báo cho con biết trước. A-men”. Lời cầu nguyện của ông phản ảnh chân lý mà chúng ta thường chối bỏ: Chúa có toàn quyền trên đời sống của chúng ta và tuyệt đối có toàn quyền thay đổi nó theo ý muốn của Ngài.
Chúa quan tâm đến sự vận hành của vũ trụ nhưng Chúa vẫn có thể quan tâm đến từng cá nhân chúng ta. Cả ngọn tóc trên đầu Chúa cũng biết huống gì nhu cầu cần thiết hay ý muốn của chúng ta. Chính vì Chúa quan tâm nên có cái cầu xin Chúa đáp lại, và có cái Chúa từ chối hoặc trì hoãn vì Chúa muốn điều tốt nhất cho con dân Ngài.
Thưa quý vị
Đó là một kinh nghiệm có khi phải chờ 10 năm hay 20 năm mới thấy ra chân lý này.
KHÓ KHĂN THỨ HAI: Không tin rằng ý muốn của Chúa là sẽ mang điều tốt nhất cho mình.
Đây cũng là lý do thứ hai khiến chúng ta khó mở miệng cầu xin : “Ý CHÚA ĐƯỢC NÊN”.
Nếu lý do thứ nhất chạm đến ý muốn của mình thì lý do thứ hai này chạm vào lý trí của chúng ta. Chúng ta có thói quen là không dám để Chúa lèo lái cuộc đời của mình. Tuy không nói ra nhưng trong đầu óc, chúng ta có nghĩ như vậy.
Trở lại với hai môn đồ của Chúa trên đường đi đến Em-ma-út. Sự hiểu biết của hai ông thật thiếu sót. Vì thiếu xót, nên họ phân vân, hoang mang. Họ không hiểu ý nghĩa về cái chết của Chúa Jesus. Đáng lẽ đó là ngày vui mừng thì đối với họ, đó là ngày đầy thất vọng chán chường. Tại sao? Tại vì họ không hiểu được Ý CHÚA. Mà vì không hiểu hay không biết ý muốn của Chúa nên không dám mở miệng cầu xin Ý CHA ĐƯỢC NÊN
Không phải chỉ có hai ông môn đồ đó đâu ! Có biết bao nhiêu người đang sống trong sự hoang mang, lo lắng như vậy. Nhiều người đang sống mà đầu óc lang thang như đi trong sa mạc, không có một hướng đi rõ ràng vì đứng trước một khó khăn mà hình như Chúa không chuẩn bị để ban cho họ điều tốt nhất, mà còn ngược lại. Càng gặp nhiều khó khăn, họ càng có cảm giác Chúa của mình bất lực.
Hôm nay, tôi muốn nói về một sự thật:
Trước hết, trong chúng ta, ai ai cũng biết Chúa có một chương trình cho chúng ta. Một chương trình tốt đẹp !
“ Ta có chương trình tốt đẹp cho các ngươi, không phải để hại các người. Ta sẽ ban cho các người hy vọng và một tương lai tươi sáng” . Giê-rê-mi 29:11 ( bản dịch mới)
Chúa không che dấu chương trình đó. Ngài không bao giờ che giấu ý muốn tốt đẹp đó của Ngài. Ngài không muốn chúng ta hoang mang, phân vân hay nghi ngờ vì “Ngài là chẳng phải Đức Chúa Trời loạn lạc” God of confussion CV 14:33.
TẠI SAO CHÚNG TA KHÔNG NHẬN RA CHƯƠNG TRÌNH TỐT ĐẸP ĐÓ?
- Trở lại hai môn đồ , sai lầm đầu tiên là họ bỏ qua lời tường thuật của các môn đồ khác. Đức Chúa Trời tiết lộ ý muốn của Ngài qua những kẻ tin Ngài. Trong ngày phục sinh đầu tiên, Ngài tiết lộ cho những người đàn bà để những người đàn bà này kể lại cho môn đồ khác. Chính một trong hai môn đồ trên đường đến Em-ma-út kể lại trong Lu-ca 24:22-23 như sau
“Thật có mấy người đàn bà trong vòng chúng tôi đã làm cho chúng tôi lấy làm lạ lắm: khi mờ sáng, họ đến mồ, 23 không thấy xác Ngài, thì về báo rằng có thiên sứ hiện đến, nói Ngài đang sống”.
Không những vậy mà có những môn đồ khác, tức là những người bạn của họ chạy đến quan sát rồi trở về kể lại cho hai người này nghe:
“Có mấy người trong vòng chúng tôi cũng đi thăm mồ, thấy mọi điều y như lời họ nói; còn Ngài thì không thấy.( câu 24) Nhưng hai môn đồ này vẫn không hiểu và không tin rồi thất vọng vì chương trình của Chúa hay ý muốn của Chúa không giống với ý muốn của mình.
Ngay nay, cách thức hành động của Chúa vẫn không thay đổi. Ngài vẫn luôn nói chuyện với những con dân Ngài qua những kẻ tin Ngài.
“ Ngài muốn cho chúng ta lấy lòng yêu thương nói ra lẽ chân thật, để trong mọi việc chúng ta đều được thêm lên trong Đấng làm đầu, tức là Đấng Christ. 16 Ấy nhờ Ngài mà cả thân thể ràng buộc vững bền bởi những cái lắt léo, khiến các phần giao thông với nhau, tùy lượng sức mạnh của từng phần, làm cho thân thể lớn lên, và tự gây dựng trong sự yêu thương.” Ê-phê-sô 4: 15-16
Khi tôi lái xe đến đây, mắt tôi nhìn thấy đèn giao thông mầu đỏ. Hình ảnh đèn đỏ từ mắt được chuyển lên óc. Bộ óc làm việc rồi báo cho chân mặt của tôi là phải đạp thắng, dừng xe lại. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu cặp mắt của tôi không thích chuyển hình đèn đỏ lên bộ óc bởi vì hồi nảy, bàn tay phải làm đôi mắt bị đau ? Chuyện gì xảy ra nếu chân mặt của tôi không nghe lời của bộ óc thay vì đạp thắng lại đạp vào chân gas ? Hoặc chân mặt cạnh tranh với chân trái, đình công không chịu làm vì chân trái không làm việc gì cả ?
Chúa chỉ định cho mỗi bộ phận trong cơ thể một vai trò, một nhiệm vụ và cũng vậy, Ngài tiết lộ ý muốn của Ngài qua Hội thánh. Ngài tiết lộ qua một tín hữu nào đó, có thể là Mục sư, Truyền đạo, Thư Ký, giáo viên Trường Chúa nhật hay bất cứ một ai Ngài muốn. Ngài có thể tiết lộ ý muốn của Ngài trong lớp học Chúa nhật, buổi thông công thứ Bảy hay trong buổi tối hiệp nguyện. Ngài có nhiều cách cũng như Ngài có nhiều người theo Ngài vậy.
Vì vậy Sa-tan không muốn chúng ta đến nhà thờ, đến với Hội Thánh, không muốn quý vị tham gia vào một trong những sinh hoạt của Hội Thánh. Nó không muốn quý vị biết rõ ràng ý muốn của Đức Chúa Trời..
Quý vị có để ý không? khi nào quý vị có một tâm tình giống như hai môn đồ kia, quý vị sẽ quay đầu hướng về Em-ma-út, thay vì Jerusalem. Thay vì hướng về nhà thờ, Chúa nhật hướng về shopping, hướng việc business, hướng về phim bộ, hướng về tiệc tùng, nấu nướng cho con cháu. Quý vị không muốn tiếp xúc hay gần gủi với những con dân Chúa trong Hội Thánh. Việc đi thờ phượng sẽ trồi sụt bất thường, họp mặt thông công cũng lơ là, bỏ những buổi hiệp nguyện hay học Kinh Thánh. Sự thật là Sa-tan không muốn quý vị nghe hay biết được Ý Muốn của Đức Chúa Trời. Vì nó biết Chúa tiết lộ điều đó cho con dân của Ngài ,nên nó tạo mọi cách ngăn trở chúng ta gặp nhau bằng cách cản trở chúng ta đến Hội Thánh để chúng ta hiểu lầm hay không biết về ý muốn của Chúa.
- Sai lầm tiếp theo là không đọc hay nghiên cứu lời Chúa. Thay vì nghe những tiếng nói dọa hù của những kẻ đồng lõa với Sa-tan để làm quý vị lo lắng, sợ sệt, chúng ta hãy nghe tiếng Chúa qua quyển Kinh Thánh. Chúa Jesus đã sửa chữa hai môn đồ đó bằng giúp họ hiểu lời Chúa trong quyển Thánh Kinh.
Lu-ca 24: 25-27 “ Đức Chúa Jêsus bèn phán rằng: Hỡi những kẻ dại dột, có lòng chậm tin lời các đấng tiên tri nói! 26 Há chẳng phải Đấng Christ chịu thương khó thể ấy, mới được vào sự vinh hiển mình sao? 27 Đoạn, Ngài bắt đầu từ Môi-se rồi kế đến mọi đấng tiên tri mà cắt nghĩa cho hai người đó những lời chỉ về Ngài trong cả Kinh Thánh.”
Đó cũng là cách mà ngày nay Chúa áp dụng cho chúng ta
“Ý muốn của Đấng sai Ta đến là Ta không được làm mất một người nào mà Ngài đã giao cho Ta, Ta sẽ khiến họ sống lại trong ngày cuối cùng (Giăng 6:30 bản mới)
“ Đây là ý muốn của Cha ta, phàm ai nhìn Con và tin Con, thì được sự sống đời đời; còn ta, ta sẽ làm cho kẻ ấy sống lại nơi ngày sau rốt. ( Giăng 6:40 )
Ý muốn của Chúa là cả thế gian được cứu. Một khi biết được điều này, nếu tôi khôn ngoan, công việc của tôi phải có mục đích như vậy. Bất cứ hoàn cảnh nào,trong cuộc đời, khi đứng giữa hai con đường, giữa hai chọn lựa, tôi phải hỏi: “ Con đường nào, quyết định nào sẽ giúp tôi tới gần với vương quốc của Đức Chúa Trời hơn.”
Nếu biết dựa vào “ ý muốn của Chúa” mà quyết định hay chọn lựa thì có lẽ không ai quyết định ăn cắp một cây viết trong sở, hoặc cắt bớt tiền dâng hiến ít hơn 10%, hay nói dối một lần với người khác.
KHÓ KHĂN THỨ BA: Thật khó cầu xin Ý Cha được nên khi mà thế giới hiện nay là thế giới đầy tội lỗi, đầy đau khổ, bại hoại, đói kém, nghèo nàn, bệnh tật, giết người, tham nhũng sa đoạ, nhất là con dân Ngài đang sống trong thiệt thòi, chịu đựng cảnh trái ngang . Dường như Chúa đang ngủ yên và Sa tan đang tung hoành.
- Là Đấng toàn năng, tại sao “ Ý CHÚA chưa ĐƯỢC NÊN”,
- Tại sao cần sự cầu xin của những con dân bé nhỏ của Ngài?
Sự thật là Chúa không chấp nhận tình trạng của nhân loại đang sống. Ngài đã sai Con Ngài xuống thế gian để thay đổi cuộc diện này. Chúa Jesus đã hoàn tất nhiệm vụ xuống trần của Ngài. Các tiên tri cũng đã làm xong công việc của họ rồi. Tại Bết-lê-hem, Đức Chúa Trời đã gởi một thông điệp cho thế gian: Mọi việc phải được thay đổi.
Trong một thế giới mà ý muốn của Đức Chúa Trời chưa hoàn tất thực hiện, và khi Chúa Jesus bảo các môn đồ của Ngài, tức là chúng ta , cầu nguyện: Ý CHA ĐƯỢC NÊN có nghĩa là ý muốn của ĐỨC Chúa Trời sẽ được hoàn tất qua việc làm của các con dân Ngài. Ngày nay, ý Cha chưa được hoàn tất vì chúng ta chưa hành động hay hành động chưa đúng mức .
PHƯƠNG PHÁP BIẾT Ý CHÚA: PHẢI SỐNG VỚI CHÚA
“ Chúa dường như muốn đi xa hơn nữa, nhưng họ ép Ngài dừng lại mà thưa rằng: “Xin ở lại với chúng tôi vì trời đã xế chiều hầu tối rồi. Vậy Ngài vào, ở lại cùng họ” (câu 28-29)
Chúng ta biết ý của Chúa qua thời gian sống với Chúa. Sự hiện diện của Chúa là chìa khóa để chúng ta mở cửa mà tìm thấy ý muốn của Ngài. Đó là sự tương giao cá nhân. Cách Ngài nói chuyện với quý vị khác với cách Ngài nói với tôi. Ngài nói chuyện với Môi-se qua bụi gai cháy không có nghĩa là chúng ta phải ngồi gần bụi gai thì Ngài mới trò chuyện với chúng ta. Chúa dùng con cá để nói chuyện với Giô-na không có nghĩa là chúng ta phải vào Sea World ở Florida hay Disney World ở California để nghe tiếng Chúa. Vì vậy, đi với Chúa một đoạn đường như 2 môn đồ là việc thiết yếu. Vợ chồng biết ý muốn của nhau vì họ sống chung nhiều năm với nhau. Một khi chúng ta dùng thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu lời Chúa, cầu nguyện trò chuyện với Chúa qua một thời gian cần thiết, tự nhiên chúng ta biết được ý của Chúa và trong tình yêu thương gắn bó, tự nhiên chúng ta có lời nói, cử chỉ hay quyết định theo ý muốn của Ngài. Khi đó , lời cầu xin “Ý Cha được nên” sẽ không còn mâu thuẫn với ý của mình, không còn e ngại, dè dặt hay gọi là tiêu cực nữa.
Nên nhớ một điều quan trọng : Chúa sẵn lòng ở cùng chúng ta khi chúng ta mở miệng kêu cầu như hai môn đồ này. “Xin Ngài ở lại với chúng tôi và Ngài vào và ở lại” .
KẾT LUẬN
“ Mắt họ bèn mở ra, mà nhìn biết Ngài; song Ngài thoạt biến đi không thấy. 32 hai người nói cùng nhau rằng: Khi nãy đi đường, Ngài nói cùng chúng ta và cắt nghĩa Kinh Thánh, lòng chúng ta há chẳng nóng nảy sao? “ Lu-ca 24:31-32
Khi chúng ta phát hiện được ý muốn của Chúa, lòng chúng ta nóng nảy.
Chúa tiết lộ ý muốn của Ngài bằng cách đốt nóng tấm lòng chúng ta.
- Ngài đốt nóng tấm lòng nặng nề của Giê-rê-mi,
- hâm nóng lòng của Nê-hê-mi cho một thành phố hoang tàn,
- Đốt nóng lòng Áp-ra-ham cho một vùng đất chưa hề thấy,
- Ban cho Ê-sai một ngọn lửa về một khải thị không thể từ chối,
- Bốn mươi năm vô ích để thuyết phục dân chúng không làm tàn lụi ngọn lửa trong lòng Nô-ê.
- Một Giê-ri-cô. một Gô-li-át không làm cho Giô-suê hay Đavít sờn lòng vì họ có ngọn lửa của Thánh linh trong lòng.
Hai môn đồ qua lời giải thích của Chúa Jesus , qua chặng đường đi với Chúa, ở với Chúa họ được hâm nóng trở lại khi biết được ý muốn của Chúa là gì.
Tại sao lòng của chúng ta còn quá nguội lạnh dù chúng ta đã được Chúa cho biết ý muốn của Ngài?
“Ngài muốn mọi người được cứu và biết lẽ thật “ I Ti-mô-thê 2:4
“Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp tem cho họ” Ma-thi- ơ 28:19
Chắc chắn chúng ta biết ý muốn của Chúa là gì qua 2 câu kinh văn này. Chúng ta cũng biết là phải làm gì nên Hội Thánh để ra hai chương trình rao giảng Phúc âm vì không muốn một ai trong những người Việt đồng hương của chúng ta bị hư mất.
Nhưng cho đến nay Ý CHA chưa ĐƯỢC NÊN vì 90% trong chúng ta không có một hành động trực tiếp hay gián tiếp với 2 chương trình này cả. (90 % không nghe, không xem, không tham gia, không đóng góp, chớ đừng nói chi đến quảng bá 2 chương trình này cho người đồng hương. Hãy nhìn lại chương trình phát thanh CĐVP, mỗi tháng cần có $600.00 để thực hiện, ai đã góp phần tài chánh để thực hiện chương trình này trong 6 năm qua ?
Xin đừng ngụy biện lý luận rằng CDVP không cần tôi giúp, nó vẫn tiếp tục sống.
Nó sống vì Chúa muốn nó sống. Nó sống vì “Ý Chúa phải được nên”.
Còn chương trình truyền hình, nó mới khai sinh được 4 tháng với bao nỗ lực, bao khó khăn. Có cần phải chờ một thời gian để biết đây có phải là ý Chúa hay không ? Trong lúc thử thách này, quý vị có cùng với chúng tôi đương đầu hay không? Quý vị có sự nóng nảy hay không . Hay là để cho nó nguội lạnh như 2006 khi Con Đường Vĩnh phúc bắt đầu để rồi kéo dài sự nguội lạnh cho đến ngày nay.
Chúng ta phải nghĩ đến phần tích cực , hành động cụ thể khi cầu xin Ý CHA ĐƯỢC NÊN
Lòng chúng ta há chẳng nóng nảy sao ?
Nóng nảy rồi thì sao? Hãy suy tư về những điều lớn hơn: 10 năm nữa tôi muốn Hội Thánh này sẽ như thế nào? 10 năm nữa, Chúa muốn Hội Thánh này như thế nào?
- Tôi muốn Hội Thánh này có 500 người, có nhà thờ riêng, có một ban nhạc riêng, có nhà cho người già ở, có nhà giữ trẻ, có trường học tư bậc tiểu học, có chương trình truyền giáo trên đài phát thanh 24 giờ, có chương trình truyền hình mỗi ngày.
Những cái muốn này có mâu thuẫn với ý muốn của Chúa không ? Vậy thì “ Ý Chúa được nên”,
Từ nay, mỗi lần cầu nguyện bốn chữ này , hãy nhớ đến những điều mơ ước đó đi, và mỗi lần cầu nguyện đến 4 chữ này, hãy bắt đầu bằng một hành động cụ thể.
Lòng chúng ta há chẳng nóng nảy sao ?