7. Khi Ngài Can Thiệp

VƠ CHỒNG GIÔ-SÉP & MA-RY
Lu-ca 1:26-38

CẶP VỢ CHỒNG TRẺ VỚI NHIỀU DỰ TÍNH

Hôm nay tôi mời Hội Thánh đặt mình vào vị trí của Ma-ry và của cặp vợ chồng trẻ tuổi là Giô Sép và Ma ri.

Họ còn trẻ lắm. Theo tục hứa hôn thời đó, Ma-ri ở vào lứa tuổi từ 13 đến 16 mà thôi. Giô sép có thể lớn hơn. Khi họ hứa hôn, tôi tin họ có những giấc mơ thật đẹp.  Có lẽ họ đã định ngày cưới nhau. Họ chuẩn bị áo cưới cho cô dâu, thực đơn đải khách, danh sách khách mời. Rồi họ có chương trình sống chung như thế nào, nhà cửa bàn ghế ra sao  . . . Con cái nữa! bao nhiêu con, đứa lớn sẽ làm nghề gì . . .

Tuy họ có nhiều dự định nhưng chắc chắn trong đầu óc của Ma-ry và cả Giô-sép, không bao giờ nghĩ rằng họ sẽ có thai trước khi làm đám cưới.

Tôi lại càng chắc chắn Ma-ri không bao giờ nghĩ đến điều kỳ quặc là bà sẽ có thai bởi Thánh Linh và sanh ra Chúa Cứu Thế Jesus trước ngày cưới của họ.

MA-RY LÚNG TÚNG TRƯỚC DỰ ÁN CỦA CHÚA

Khi nghe thiên sứ báo tin về  quyết định của Đức Chúa Trời, chúng ta thấy phản ứng của bà Ma-ri rất lúng túng. Mary đáp rằng: “Tôi chẳng hề nhận biết người nam nào, thì làm sao có được sự đó? Lu-ca 1:34

GIÔ SÉP PHẢI QUYẾT ĐỊNH

Giô-sép phải có quyết định, ông phải chọn lựa. Hoặc ông tin Ma-ry và sự mang thai kỳ lạ này do chính Đức Chúa Trời làm ra. Hoặc ông quyết định huỷ bỏ hôn ước . Quý vị đã biết câu chuyện đã xảy ra. Giô sép lặng lẽ đem Ma-ri về ở với mình. Song không hề ăn ở với nhau cho đến khi Ma-ry sanh một trai .

Nghiên cứu hay quan sát câu chuyện Chúa Jesus Giáng sinh, tôi muốn trình bày  hai  kinh nghiệm mà cũng là hai bài học cá nhân.

1. CHÚA KHÔNG HỎI TRƯỚC Ý KIẾN CHÚNG TA.

Đọc kỹ câu chuyện Chúa Giáng sinh trong Kinh Thánh, tôi không thấy có câu nào ghi rằng Ma-ry hay Giô sép được hỏi ý kiến trước để xem họ có đồng ý với chương trình của Đức Chúa Trời hay không ? Hoàn toàn không !

Trong cuộc sống , chúng ta luôn luôn có nhiều chương trình hay kế hoạch : Kế hoạch học hành, kế hoạch làm ăn, kế hoạch tài chánh để mua nhà cửa, mua xe.   Dù cho có lúc chúng ta không thực hiện hay vài chương trình phải thay đổi vì nhiều thứ đã xảy ra do hoàn cảnh không kiểm soát được, nhưng khi Đức Chúa Trời can thiệp vào, khi Ngài nhúng tay vào, Ngài sẽ không bao giờ hỏi ý kiến quý vị

CÂU CHUYỆN CỦA NGUYỄN NGỌC TRÂN
Tôi có một người bạn thời Trung học. Sau khi đậu Tú tài, tôi vào trường QGHC còn anh vào trường Võ bị Đà lạt. Tôi biết sau đó, anh là một tiểu đoàn trưởng bộ binh trẻ tuổi nhất trong quân lực VNCH. Vào năm 1973 anh làm tham mưu trưởng  hay phó tại Quân trấn Saigòn. Cách nay khoảng hơn 13 năm, Mục sư Nguyễn Minh Thắng điện thoại cho biết anh ấy đang là Mục sư tại Dallas,Texas. Tôi rất mừng và vội điện thoại liên lạc với anh và mời vợ chồng có dịp lên đây với chúng tôi vài hôm. Vài tháng sau, vợ chồng anh lên đây chơi và ở lại vài hôm. Anh kể lại đời anh tại sao anh làm Mục sư.

Lúc anh còn học ở trung học, anh quen và yêu một cô gái Tin Lành tại Kiến phong là quê anh. Vì muốn cưới cô ta, anh phải vào đạo Tin Lành và cưới vợ rồi sau đó vì quân vụ nên anh di chuyển khắp nơi và quên mất anh đã từng là một tín đồ của Chúa, một loại tín đồ Giáng sinh … Khi Cộng sản chiếm Miền Nam, anh bị đi tù cải tạo . Sau 9, 10 năm tù cải tạo, anh được trả về quê Kiến phong. Sau những gian truân, thăng trầm, tại quê nhà lần này anh năng động phục vụ Chúa. Anh tiếp Mục sư chăm sóc tín đồ.  Vì anh là xuất thân từ Võ bị Đà Lạt và mang cấp bậc Trung Tá trước 1975, nên anh được Hội Thánh tín nhiệm và giao cho anh công tác trường Chúa Nhật. Trong vai trò đó, bắt buộc anh phải tìm tòi nghiên cứu Kinh Thánh và khi Mục sư qua đời vì bạo bịnh anh đảm nhận tạm thời vai trò của Mục sư, chia sẻ lời Chúa và chăm sóc tín đồ tại Hội Thánh này. Anh tâm sự với tôi rằng chia sẻ lời Chúa là chuyện bất đắc dĩ, vì không có ai nên anh phải đảm nhiệm. Anh không muốn làm Mục sư nên khi có chương trình ODP thì anh nghĩ rằng anh sẽ thoát nạn làm Mục sư khi đến Hoa kỳ.

Khi đến Dallas, anh hoàn toàn bỏ quá khứ và đến Hội Thánh Báp Tít Hoa kỳ như một tín đồ bình thường. Lúc đó vì có quá nhiều tù cải tạo đến vùng này nên các Hội Thánh Hoa kỳ tổ chức một cơ quan công tác xã hội để chăm sóc cho ho. Anh được Hội Thánh giới thiệu và nhận job mới là Phối trí viên Xã hội cho người tù cải tạoViệt nam. Anh lại có dịp tiếp xúc với một vài tín đồ cũ ở Kiến phong, và người ta bắt đầu gọi anh là Mục sư và anh tổ chức các nhóm học Kinh Thánh . Hội thánh Hoa kỳ sau khi tìm hiểu muốn phong chức Mục sư cho anh nên họ liên lạc với Mục sư Nguyễn minh Thắng và từ đó anh chính thức là Mục sư được Hội Thánh Hoa kỳ làm lễ thụ phong cho anh.

Anh cười và kết luận: “Moi” trốn làm mục sư tạm thời tại Việt Nam tưởng đâu đã thoát khỏi tay của Chúa không ngờ sang đây lại trở thành Mục sư chính thức tại Hoa kỳ”.

Anh đã về với Chúa cách nay 5 năm vì bị đứt mạch máu não. Tôi mất một người bạn tâm giao và bạn trong Chúa. Chính anh đã tặng tôi cuốn cẩm nang Mục sư do chính tay anh đóng gáy và chính tay dùng chỉ anh may các trang dù lúc đó tôi chưa là Mục sư. Tôi còn nhớ anh nóí quả quyết : “ Toa trước sau gì cũng làm Mục sư, nên Moi tặng toa quyển cẫm nang này”.

Thưa Hội Thánh
Chúa không hỏi ý kiến chúng ta khi kế hoạch của Ngài có liên hệ đến chúng ta. Chúng ta chỉ có hai con đường : Vâng lời hay không vâng lời. Nếu không vâng lời, thật sự tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra, và Chúa sẽ đối phó như thế nào nhưng tôi biết chương trình của Chúa sẽ không thay đổi và sẽ được thực hiện. Nhìn Giô-sép và nhìn Ma-ry, chúng ta thấy rõ điều này.

Hãy cẩn thận nghe tôi nói. Chúa có một kế hoạch cho đời quý vị. Kế hoạch đó đã được viết ra trước khi Ngài tạo ra trái đất này.

Trước khi sáng thế, Ngài đã chọn chúng ta trong Đấng Christ, đặng làm nên thánh không chỗ trách được trước mặt Đức Chúa Trời”  Ê-phê-sô 1:4

Tôi muốn nhắc lại: Đức Chúa Trời không có ý định sẽ hỏi chúng ta có đồng ý hay không trước khi kế hoạch đó được bắt đầu thực hiện.  Và chúng ta không thể thay đổi ý muốn của Đức Chúa Trời.

TRỞ LẠI CÂU CHUYỆN GIÁNG SINH
Tôi xin đọc lại một đoạn trong Lu-ca 1: 37- 38
37  Bởi vì không việc chi Đức Chúa Trời chẳng làm được”.  Ma-ri thưa rằng: “Tôi đây là tôi tớ Chúa; xin sự ấy xảy ra cho tôi như lời người truyền! “
CÂU TRẢ LỜI CỦA MA-RY
“Tôi đây là tôi tớ Chúa; xin sự ấy xảy ra cho tôi như lời người truyền!”
Quý vị cảm thấy như thế nào về câu nói này của cô Ma-ry trẻ tuổi này. Một cô gái 13, 14 tuổi chưa có chồng, mới hứa hôn, đầy hy vọng tương lai mà sẵn sàng chấp nhận mang thai. Ma-ry tuyên bố : “Nếu Chúa muốn, xin Chúa “go head”
MA-RY CÓ LÝ DO ĐỂ TRẢ LỜI KHÔNG
Nếu có ai đề nghị như vậy, Ma-ry phải trả lời: KHÔNG . Tôi tin quý anh chị đều đồng ý với tôi rằng Mary có lý do chính đáng để trả lời rằng :
–        “Không, đời tôi còn nhiều hứa hẹn tốt đẹp trong tương lai. Tại sao Chúa không chọn người khác.
–        “ Không tôi không thể như vậy được. Chuyện quá lớn đối với tôi, quá sớm đối với tôi, tôi nghĩ rằng sẽ có ai đó thích hợp hơn tôi.
–           Hay một cách ngắn gọn: “Tôi không phù hợp, tôi không thích hợp, tôi không đủ khả năng …. để từ chối điều mà thiên sứ báo cho biết.
Mary nên từ chối đề nghị của thiên sứ nếu đó là một đề nghị.
Một bé gái 14 hay 15 tuổi biết rõ rằng có thai phải xảy ra sau lễ cưới. Xảy ra trước ngày cưới thì vô cùng tai tiếng và có thể bị xử chết.  Just say No. Chỉ  cần trả lời Không.
Chắc chắn chúng ta cũng dạy con cái của chúng ta như vậy.
Nhưng điều ngạc nhiên cho loài người là Ma-ry đã trả lời : xin sự ấy xảy ra cho tôi như lời người truyền! “Đó là câu trả lời YES,  là trả lời  OK.
MARTIN LUTHER THẤY BA PHÉP LẠ
Martin Luther thấy ba phép lạ trong câu chuyện Chúa Jesus giáng sinh:
–        Đức Chúa Trời trở thành người,
–        Một nữ đồng trinh mang thai và
–        Mary tin nhận lời thiên sứ.
Và theo ông, phép lạ thứ ba là phép lạ lớn hơn hết vì nó không do Đức Chúa Trời mà do chính bà Ma-ry quyết định. Một phép lạ lớn nhất trong câu chuyện Giáng sinh khi bà Ma-ry mở miệng nói: xin sự ấy xảy ra cho tôi như lời người truyền!.
SO SÁNH MA-RY VỚI MÔI-SE, Ê-SAI, GIÊ-RÊ-MI
Chúng ta đọc Cựu Ước, Môi se là một người làm cho chúng ta kính phục nhưng ông đã nhiều lần từ chối làm điều đích thân Đức Chúa Trời phán bảo.
–        Lần thứ nhất ông từ chối vì cho rằng ông không thể làm được. Ông trả lời với Chúa nói: Tôi là ai mà làm được việc đó. Tôi là ai mà nói cho Pharaôn nghe, tôi là ai mà dắt dân  Ysơra ên ra khỏi xứ Êdíp tô.
–        Lần thứ hai, ông viện cớ Ông không thể lãnh đạo dân Ysơra ên vì nếu họ hỏi Chúa tên gì  thì tôi trả lời làm sao đây?
–        Lần thứ ba, ông nói rằng dân Ysơraên không tin và không nghe lời ông nói đâu.
–        Lần thứ tư, ông cho ông bất tài không nói giỏi, ăn nói ngập ngừng.
Đức Chúa Trời bốn lần giải thích, cắt nghĩa, làm phép lạ, và cho thêm người để thuyết phục Môi se vâng theo lời Ngài. Ma-ry không như Môi-se lần lựa từ chối. Nàng nói Vâng, tôi theo ý Chúa ngay khi thiên sứ báo tin.

  1. Mary không như Ghi-đê-ôn ba lần đòi thấy phép lạ rồi mới vâng lời.
  2. Mary không giống như Êsai e ngại cho rằng “tôi không xứng đáng”
  3. Mary không giống như Giê-rê-mi từ chối vì cho răng “tôi còn quá trẻ”.

Mary hơn tất cả các tiên tri, các thầy tế lễ thượng phẩm, các quan xét. Hơn cả Môi se về đức tin vững chắc và sự vâng phục của bà.
Nàng đã trả lời Yes ngay khi thiên sứ báo tin. : xin sự ấy xảy ra cho tôi như lời người truyền! và sự giáng sinh của Chúa Jesus bắt đầu ngay từ lúc đó, từ lúc lời nói được phát ra từ tấm lòng đầy đức tin của Ma-ry.
Bài học thứ hai là

2. THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH CỦA CHUA KHÔNG DỄ DÁNG

Thông thường người ta nghĩ rằng nếu chúng ta làm theo ý của Chúa, mọi sự sẽ rất dễ dàng như ăn cháo và đời sống của chúng ta sẽ hanh thông, trơn tru như dòng suối chảy. Nhưng hãy nhìn vào cuộc sống của Giô sép và Ma-ri.

  1. Tại sao Đức Chúa Trời không để cho Sê-sa Au-gut tơ chỉ thị lập sổ dân để đánh thuế trước khi Giô sép và Ma ry cướí nhau hoặc sau khi Jesus được sinh ra ? Chắc chắn Ngài có thể làm được điều này. Tại sao Ngài để cho một người đàn bà gần ngày sanh phải đi đến Bết le hem đúng lúc , đúng dịp để sanh con tại làng này. Nếu nàng đi bằng lừa hay lạc đà chắc đến sớm hơn và sau đó về nhà ở Nazarét để sanh nở có phải dễ dàng hơn không?  Chắc chắn nếu Chúa muốn, mọi sự sẽ dễ dàng nhưng ở đây chúng ta không thấy như vậy.

Mỗi khi làm công việc gì cho Chúa, chúng ta bao giờ cũng thấy biết bao khó khăn xảy ra. Khi gặp khó khăn, chúng ta đừng vội vàng phê phán rằng việc làm đó không theo ý Chúa. Hãy quan sát các khó khăn đó. Nếu nó nằm trong tầm tay của chúng ta, chúng ta phải dốc lực giải quyết. Nếu nó nằm ngoài tầm tay của chúng ta, chúng ta phải kêu cầu với Chúa và tìm hiểu ý Chúa.

  1. Hài nhi Jesus được sinh ra trong chuồng chiên, trong máng cỏ vì nhà quán không còn chỗ.  Lần nữa chúng ta thấy cặp vợ chồng trẻ này vô cùng thất vọng vì gặp toàn sự khó khăn khắc nghiệt khi đã đi xa nhà khoảng 5 ngày. Họ tuân theo lịnh của chính quyền để rồi gặp khó khăn. Ma-ry đã đuối sức và sẵn sàng sanh khi đến đây. Họ không tìm được một chỗ tương đối tươm tất để Ma-ry sanh nở.

Hãy nhớ Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hoá, Đấng tạo ra muôn vật muôn loài, Ngài có thể làm bất cứ điều gì Ngài muốn . Ở đây chính Ngài muốn không có chỗ trong nhà quán cho vợ chồng trẻ này. Ngài không muốn sự ra đời của hài nhi Jesus được công chúng hoá , được thể hiện nơi công cộng. Ngài không tạo sự dễ dàng, thoải mái cho vợ chồng này dù họ là hai người vâng lời Chúa một cách đáng khâm phục.

Tôi nhớ đến hoàn cảnh của tôi. Tôi lúc nào cũng nhận ân phước của Chúa dồi dào. Các bạn bè thường nói tôi có số may mắn.  Khi Chúa quyết định để tôi tiến thêm một bước trong cuộc sống tâm linh qua việc nhận công tác quản nhiệm Hội Thánh này, tôi cứ tưởng rằng, tôi sẽ tiếp tục thành công như trong quá khứ và mọi việc sẽ được Chúa an bày tốt hơn nhưng sự thật không phải vậy.

Suốt một năm, mỗi tuần, tôi phải đi từ MD sang VA ít nhất ba lần và mãi đến khuya lơ khuya lắc mới về đến nhà mà hôm sau lại phải đi làm việc như bình thường. Rồi đúng một năm kể từ ngày thụ phong, vất vả hầu việc Chúa, tôi lại vào bịnh viện để giai phẩu tim và thay valse tim. Và từ đó sức khỏe của tôi là một mối lo mới, nó làm cản trở công việc, làm tôi chao đảo, khiến người ta đặt ra nhiều câu hỏi về thuộc linh.

–        Tại sao Ngài không tạo sự dễ dàng cho một người đã quyết tâm hầu việc Ngài?  Câu hỏi đó cũng giống như hỏi:

Tại sao Chúa không tạo sự dễ dàng cho cặp vợ chồng vâng phục Chúa hết lòng hết sức là Giô sép và Ma-ry ?

Thưa Hội Thánh

Nếu đó là chương trình của Chúa, nếu tôi đã quyết tâm hầu việc Chúa, tôi phải bỏ tất cả mà theo Chúa. Tôi không thể vâng theo Chúa nửa chừng. Chúng ta phải theo gương cặp vợ chồng này mà vâng phục theo ý của Chúa trọn vẹn

  1. Tại sao họ bị ép buộc phải rời quê hương để lánh nạn ở Ai cập. Lần nữa chúng ta thấy Thiên sứ báo tin cho biết vua Hê rốt sẽ kiếm con trẻ này để giết nên phải mau lánh nạn. Chúng ta thấy Đức Chúa Trời quả thật có nhúng tay vào vụ này. Nhưng tại sao Đức Chúa Trời không thay đổi lòng dạ độc ác của vua Hê-rốt để cặp vợ chồng và con trẻ này lúc đó chỉ độ 2 tuổi khỏi phải long đong nơi xứ lạ quê người? Chúng ta, ai cũng hiểu ba chữ “đi tỵ nạn” đồng nghĩa với bỏ của chạy lấy người. Thật khó khăn, thật vất vả và nghèo đói khi vâng theo lời Chúa.

Thưa Hội Thánh
LÀM SAO TÍNH ĐƯỢC CHƯƠNG TRÌNH CỦA CHÚA
Hầu hết mọi sự đều có thể tính trước nhưng làm sao tính được chương trình của Đức Chúa Trời khi mà chương trình đó đã định từ buổi sáng thế!
Câu trả lời của bà Ma-ry thật sự đã cáo giác loài người.  Đối với điều mà chúng ta không thể dùng lý, dùng sự tính toán, dùng trí để đắn  đo, phân biệt thì chỉ có một sự chọn lựa: vâng lời hay không vâng lời.
Nếu biết đó là tiếng của thiên sứ, tiếng gọi từ thiên thượng thì chỉ có sự lựa chọn làVâng lời. Một khi Vâng Lời, phép lạ sẽ xảy ra và cuộc đời sẽ thay đổi.
CHÚNG TA ĐÃ NHIỀU LẦN TRẢ LỜI KHÔNG
Chiều hôm nay, tôi xin chúng ta nhớ lại những gì xảy ra trong cuộc đời tâm linh, nhiều lần chúng ta đã trả lời KHÔNG với Chúa vì chúng ta đã dựa vào lý trí, dựa vào tiêu chuẩn thế gian.
“Just say NO”. Tôi không thể tặng Chúa món quà mà Chúa đang mong ở tôi vì tôi không thể nào vâng theo ý Chúa trong hoàn cảnh này, trong lúc này hay với con người như tôi . .
CÂU CHUYỆN HAI HÀI NHI JESUS
Năm 1994, hai người Hoa kỳ sang Nga do lời mời của bộ Giáo dục Nga để dạy về đạo đức trong Kinh Thánh tại các trại tù, và trường mồ côi. Tại một trường mồ côi, có khoảng 100 học sinh trai gái do chính phủ quản trị, một câu chuyện đã xảy ra và một trong hai người Hoa kỳ đó đã kể lại.
Đó là năm 1994. Mùa Giáng sinh sắp đến. Chúng tôi kể cho các em mồ côi câu chuyện Mary và Giô sép đến Bếtlehem. Họ không tìm ra chỗ ở nên họ phải ngủ trong chuồng chiên. Tại đó Chúa Jesus được sinh ra và đặt nằm trong máng cỏ.
Bọn trẻ và các nhân viên của trường nghe say mê câu chuyện Chúa Jesus giáng sinh. Khi câu chuyện chấm dứt, tôi trao cho các em những miếng giấy carton cứng để các em làm máng cỏ. Tôi cho mỗi em một miếng khăn giấy vàng để các em cắt ra làm rơm để trong máng cỏ. Thành phố này không có bán giấy màu nên tôi tạm dùng khăn giấylau tay. Tôi đưa cho các em chiếc áo đầm củ của một bà bạn để lại khi bà rời thành phố về Hoa kỳ. Các em dùng các mảnh giấy carton để cắt hình em bé hài nhi Jesus.
Các em bận rộn, lăng xăng thực hiện , tôi đi đến từng bàn để quan sát việc làm của các em và giúp các em nếu cần.
Khi tôi đến bàn của em Misha. Nó độ 6 tuổi và đã làm xong dự án của em.  Tôi nhìn thấy trong máng cỏ, có đến hai hài nhi. Tôi đi tìm người thông dịch để nhờ hỏi xem tại sao em Misha đặt trong máng cỏ đến hai hài nhi. Nó khoanh tay trước ngực và nhìn vào món đồ do nó thực hiện một cách cẩn thận và hãnh diện. Nó bắt đầu giải thích một cách chẩm rải.  Là một em bé, lần đầu tiên nghe câu chuyện Chúa Jesus giáng sinh. Nó rất thích thú và hiểu rất rõ ràng chi tiết câu chuyện xảy ra. Đến lúc Ma-ry đặt hài nhi Jesus vào trong máng cỏ thì nó bắt đầu thêm chi tiết vào câu chuyện do nó tưởng tượng ra.. Nó kể: “ Khi bà Ma-ry đặt ba-bi vào máng cỏ, Jesus nhìn con và hỏi con có chỗ nào để nằm nghỉ đêm nay không. Con nói với Jesus rằng con không có mẹ, không có cha vì vậy con không có chỗ nào cho con cả. Jesus liền nói với con rằng con có thể nằm chung với Jesus. Nhưng con trả lời rằng con không thể  làm như thế vì con không có món quà nào cho Jesus như các người khác. Lòng con rất muốn được ở chung với Jesus nên nghĩ rằng con có một món quà có thể dùng để tặng cho Jesus. Con nghỉ rằng nếu con có thể làm cho Jesus được ấm thì đó sẽ làm món quà tốt. Vì vậy con hỏi Jesus: Nếu con làm cho Jesus ấm thì điều này có phải là món quà không? Jesus đáp lại:  Nếu con làm cho ta ấm áp thì đó là món quà tốt nhất. Vì vậy con leo vào máng cỏ và nằm bên cạnh Jesus để chuyền hơi ấm của con cho Ngài. Jesus nhìn con mỉm cười và nói: Con có thể ở với ta đời đời.
Khi Misha chấm dứt câu chuyện, tôi thấy giọt nước mắt sung sướng còn đọng trên má nó. Tôi nghiệp em bé mồ côi đã tìm thấy một người để nương tựa, Người đó sẽ không bao giờ bỏ nó, không bao giờ đánh đập nó và luôn luôn quan tâm đến nó. Tôi học được một điều là đừng đặt niềm tin vào những gì mình đang có mà đặt niềm tin vào Đấng đời đời đang ở trong chúng ta. Đó là món quà đời đời.
KẾT LUẬN : HỌ ĐÃ GIẾT CHÚA GIÁNG SINH
Còn một tuần nữa chúng ta có lễ Giáng sinh. Các bãi đậu xe tại các shopping Mall đã đầy nhóc các xe. Các quày hàng tính tiền đã dài, các tiệm đông đảo người ra kẻ vào. Giá các món có khi tăng, có ngày giảm. Tại một tiệm bán quà, một khách hàng đứng chờ trả tiền quá lâu nên có lời gắt gỏng: “ Người ta nên giết chết người bày ra Giáng sinh” Một tiếng nói của một bà trong hàng chờ đợi đáp lại : “ Họ đã giết người đó rồi. Họ còn treo người đó trên cây thập tự nữa.”

Nhiều người đã góp phần giết Chúa giáng sinh khi họ không biết tại sao Jesus đến thế gian và tại sao Ngài phải chết  mà chỉ biết mua quà và nhận quà.  Họ không biết Chúa Jesus xuống thế  gian để chịu chết vì  tội lỗi của nhân loại. “ Họ đã giết người đó rồi. Họ còn treo người đó trên cây thập tự nữa.”
–        Thái độ của chúng ta trong ngày Giáng sinh  như thế nào ?
–        Đời sống tâm linh của chúng ta vẫn giậm chân tại chỗ và để mặc thời gian trôi qua hay sao?
Chúng ta có nên trong buổi chiều hôm nay hứa thêm một lần nữa với Chúa rằng, sang năm xin Chúa giúp con tăng trưởng đức tin, hầu vâng phục Chúa hơn để chấp nhận những công việc Chúa giao cho.
Tôi không biết trong lòng quý ông bà anh chị đang có dự tính gì nhưng tôi muốn nhắc rằng thời gian mà người làm vườn hứa với ông chủ vườn cho cây vả có trái là một năm mà thôi.

Lễ Giáng sinh là ngày lễ lớn nhất trong năm. Các lễ khác chỉ kéo dài một ngày nhưng Giáng sinh kéo dài cả tháng, 1/12 của năm.  Trong mùa giáng sinh, cả tỷ người không còn sống thường lệ vì phải trang trí trong nhà, ngoài sân , tính toán hay tham dự tiệc tùng, rồi mua quà sắm quà,tính chuyện trở về thăm nhà, thăm cha mẹ, mua thiệp Giáng sinh, dự các thánh lễ trong các Hội thánh, tập hát các bản nhạc Giáng sinh.  Không khí Giáng sinh, tiếng nhạc Giáng sinh vang dội khắp mọi nơi.

Không ai không biết là mùa Giáng sinh đang đến.  Chúng ta không thể quên, không thể không biết là thế giới đang bước vào mùa Giáng sinh.

Thật lạ lùng! Ngày sinh của một cậu bé dân giả cách nay hơn 2000 năm tại một làng quê vùng Trung Đông lại có thể gây ra nạn kẹt xe ở thành phố Nữu Ước, Đông Kinh, Bá-lê hay Rio de Jenerio.

Chúng ta có thể không để ý rằng mỗi lần quý vị nhìn vào tấm lịch hay ghi chép một ngày nào đó chúng ta dùng ngày Jesus chào đời làm dấu mốc thời gian. Bởi Jesus , lịch sử nhân loại chia ra làm hai thời kỳ BC trước Công nguyên và AD, sau công nguyên. Bất cứ biến cố nào xảy ra trong lịch sử nhân loại hay bất cứ biến cố nào của hôm nay đều được tính là cách bao nhiêu ngày, bao nhiêu năm kể từ ngày Jesus chào đời.

Ngày sinh nhật của chúng ta cũng tính từ ngày sinh nhật của Chúa Jesus.
Ngày Jesus sinh ra tại Bết-lê-hem, có một nhóm chăn chiên ngoài đồng được thiên sứ đến báo tin cho họ biết rằng : “Đừng sợ chi; vì nầy, ta báo cho các ngươi một Tin Lành, sẽ là  một sự vui mừng lớn cho muôn dân; ấy là hôm nay tại thành Đa-vít đã sanh cho các ngươi một Đấng Cứu thế, là Christ, là Chúa” Lu-ca 2:9-10.
Jesus Giáng sinh “ sẽ là một sự vui mừng lớn cho muôn dân” ?

  1. Đối với một số người Giáng sinh là sự khó khăn hơn là vui sướng.
  2. Nó tạo ra nhiều áp lực hơn là bình an.
  3. Nó đến tạo thêm phiền phức hơn là phước hạnh. Nhiều người chiụ đựng với Giáng sinh hơn là thưởng thức Giáng sinh..

Có nhiều lý do tạo cho quý vị những áp lực, khó chịu, cô độc hay nản chí trong mùa Giáng sinh. Áp lực từ việc mua quà cho con cháu, bạn bẻ trong sở làm. Có khi nó còn tạo không khí ngột ngat trong gia đình. Có khi nó tạo ra sự bất hòa trong gia đình thân nhân bạn hữu. Giáng sinh còn có khi gợi lại sự mất mát, đau buồn hay những thay đổi trong cuộc đờì.
Quý vị cần phải tự hỏi: nếu Chúa Jesus giáng sinh “ sẽ là một sự vui mừng lớn cho muôn dân”  thì tại sao tôi chưa có sự bình an? Tại tôi hay tại Chúa ?

Bài sau6. Êm-ma-nu-ên
Bài trước8. Chặng Đường Sáu Dặm