5. Sống Mà Như Chết

Khải Huyền  3:1-6

Ngươi cũng hãy viết cho thiên sứ của Hội thánh Sạt-đe rằng: Nầy là lời phán của Đấng có bảy vì thần Đức Chúa Trời và bảy ngôi sao: Ta biết công việc ngươi; ngươi có tiếng là sống, nhưng mà là chết. 2 Hãy tỉnh thức, và làm cho vững sự còn lại, là sự hầu chết; vì ta không thấy công việc của ngươi là trọn vẹn trước mặt Đức Chúa Trời ta. 3 Vậy hãy nhớ lại mình đã nhận và nghe đạo thể nào, thì giữ lấy, và ăn năn đi. Nếu ngươi chẳng tỉnh thức, ta sẽ đến như kẻ trộm, và ngươi không biết giờ nào ta đến bắt ngươi thình lình. 4 Nhưng, ở Sạt-đe, ngươi còn có mấy người chưa làm ô uế áo xống mình: những kẻ đó sẽ mặc áo trắng mà đi cùng ta, vì họ xứng đáng như vậy. 5 Kẻ nào thắng, sẽ được mặc áo trắng như vậy. Ta sẽ không xóa tên người khỏi sách sự sống và sẽ nhận danh người trước mặt Cha ta, cùng trước mặt các thiên sứ Ngài. 6 Ai có tai, hãy nghe lời Đức Thánh Linh phán cùng các Hội thánh!

DẤU HIỆU CỦA MỘT HỘI THÁNH CHẾT
Một phụ nữ điện thoại cho tôi để hỏi tôi trong Website của Hội Thánh Phục Hưng có bài nào viết về dấu hiệu của một Hội Thánh đang chết. Tôi hỏi tại sao Bà muốn biết điều này thì bà cho biết Hội thánh của bà càng ngày càng thưa vắng nên bà đến thờ phượng trong tâm trạng không vui.  Bà cho biết đã vào Website này rồi mà không thấy. Sau cả ngày tìm tòi, tôi cũng không thấy có bài nào viết rõ ràng về những dấu hiệu để cho chúng ta biết Hội Thánh của Chúa sắp chết.
Tuy nhiên trong lúc tìm tòi, những ý nghĩa về đề tài này cứ xuất hiện trong đầu tôi. .
Dấu hiệu nào? Nói chính xác hơn, làm sao biết Hội Thánh sắp chết? Có phải Hội thánh mà số tín đồ giảm dần? Có thể đó là câu trả lời đơn giản nhất.  Một Hội thánh trước đây có cả trăm người rồi giảm dần chỉ còn 50 người thì rõ ràng đó là dấu hiệu sắp chết rồi còn gì!
Tuy nhiên, Hội Thánh Phục Hưng của chúng ta cũng có lần từ 70, 80 tín hữu giảm dần còn 5 người mà 15 năm nay nó vẫn sống cho đến ngày nay. Vậy dấu hiệu số tín đồ giảm không chắc là dấu hiệu của Hội Thánh đang hấp hối.
Chúng ta phải đi xa hơn. Có nhiều vùng trên đất Hoa kỳ, dân số giảm dần vì công ăn việc làm. Có thành phố phồn thịnh bằng kỹ nghệ xe hơi.  Rồi vì một lý do nào đó công ty xe hơi quyết định đóng cửa chi nhánh tại thành phố đó. Hơn 50% dân số tại thị tấn đó bỏ đi vì công ăn việc làm và hậu quả là Hội Thánh tại đó số tín hữu cũng giảm đi 50%.  Hội Thánh Phục Hưng lúc đó giảm còn 5 người vì vắng mặt Mục sư. Khi Mục sư trở lại, số tín hữu tăng trở lại. Vì vậy nguyên nhân của dấu hiệu mới chính xác cho chúng ta biết Hội Thánh đó có hấp hối hay không.
Sâu xa hơn, chúng ta bước vào lãnh vực tâm linh để trả lời những thắc mắc như:

  • Một Hội Thánh tranh cải mãnh liệt rồi bị xẻ ra thì Hội Thánh đó có phải là một Hội Thánh sắp chết không?
  • Một nhà thờ rất thoải mái với hiện tại mà không có chỗ cho tín hữu mới gia nhập thì Hội Thánh đó được coi là một Hội Thánh sống không?
  • Còn Hội Thánh dường như bí mật, không ai biết sinh hoạt của họ và không tiếp xúc với cộng đồng tín hữu thì Hội Thánh đó còn sống hay không?
  • Nếu một nhà thờ không quan tâm kẻ đến người đi thì thật sự Hội Thánh đó có được gọi là Hội Thánh sống trong của Jesus không?
  • Còn Hội Thánh chỉ quan tâm làm sao có nhiều kẻ đến mà it người đi mà không coi trọng việc thờ phượng hay học hỏi lời Chúa thì với con số tín hữu gia tăng, chúng ta có thể kết luận Hội thánh đó đang sống tốt hay không?

CÂU HỎI CỦA RAY STEMAN

Khi MS Ron Ritchie giảng về đề tài này, ông kể là ông thường đi xa và giảng chung với MS Ray Stedman, mục sư nổi tiếng ở vùng Palo Alto, California. Bất cứ khi nào họ lái xe đi qua một ngôi nhà thờ, Ray Stedman đều nói lớn cho mọi người trong xe nghe  thắc mắc của mình  “Tôi tự hỏi, không biết nhà thờ này còn sống hay đang chết?”
Với tôi, về vấn nạn này, hỏi dễ dàng hơn trả lời 
Nếu nhà thờ mở cửa sinh hoạt thì luôn luôn có những chương trình và sẽ xảy ra những phiền phức. Chương trình thờ phượng,  trường Chúa Nhật, các ca đoàn tôn vinh, sinh hoạt Thiếu niên, sinh hoạt gia đình trẻ, chương trình thông công, chương trình hiệp nguyện, chương trình cho những người cao niên. Làm sao không có tranh luận, làm sao mọi người vừa lòng, lời qua tiếng lại, cộng thêm tin đồn, có sứt mẻ, có bất bình, có mâu thuẩn có tranh cải, có người bỏ đi, có người mới đến.
Hội Thánh đó đang sống hay đang hấp hối?
Sau khi cân nhắc vấn đề này, tôi điện thoại cho bà đó và cho bà biết tôi đã có câu trả lời rằng chỉ có Chúa biết một nhà thờ thật sự đã chết hay còn sống. Một nhà thờ có vẻ chết nhưng có thể có dấu hiệu của sự sống bên trong nó, hay một nhà thờ dường như dư thừa sự sống nhưng thực sự là đang ở tại điểm buớc vào tình trạng chết tinh thần.
Bà ta lặng thinh. Có lẽ không đồng ý hay không hiểu câu trả lời rườm ra tôi. Do đó tôi phải trở lại lá thư của Chúa Jesus gởi cho Hội Thánh Sạt-đe (Khải Huyền 3: 1-6
MỘT BẢN CÁO TRẠNG NẶNG NỀ
Khi Chúa Giêsu đến nhà thờ này, Ngài đã chẩn đoán nhanh chóng và phán:
 ngươi có tiếng là sống, nhưng mà là chết. (v. 1).
Đây là cáo trạng nặng nề nhất mà chỉ có Chúa chúng ta mới có thể ban cho một nhà thờ . Trước mắt dân địa phương, Hội Thánh Sạt-đe được xem là:

  • Hội thánh sống và sống tốt là đàng khác.
  • Nó có tiếng tốt trong cộng đồng.
  • Các Cơ đốc nhân trong vùng đều cho điểm tốt cho nhà thờ Sạt-đe .
  • Rõ ràng, nó không có dấu hiệu gì là sắp đóng cửa.

Không ai biết thêm về Hội Thánh này, trong sách Công vụ không nói đến Hội Thánh này. Phao lô cũng không nhắc đến Hội thánh Sạt-đe trong các lá thư của ông.
Đáng chú ý là trong lá thư, Chúa Giêsu không đề cập đến họ đã làm gì sai.
Nhà thờ dường như không bị bách hại.
Nó không theo hay bị ô nhiễm với giáo lý sai lầm.
Chúng tôi không thấy vai trò của đảng Nicôla hay đạo Ba-anh.
Không có dấu hiệu của sự dâm dục trong nhà thờ.
Cũng không bị cảnh báo là đã đánh mất tình yêu đầu tiên như Hội Thành Ephêsô.

Chúng ta gặp khó khăn khi mổ xẻ phân tích Hội Thánh Sạt-đe vì thực sự chúng ta không biết Hội Thánh này sai chỗ nào. Khi Chúa Jesus nói đến các Hội thánh khác, Chúa nêu lên từng khuyến điểm của Hội Thánh và chúng ta không thể lầm lẫn được. 
Ở đây, chúng ta chỉ có thể nói ngắn gọn rằng tại Hội Thánh Sạt-đe có điều gì thấy sống bên ngoài nhưng đã chết ở bên trong. Thuộc loại “trong héo ngoài tươi”.
Thật lạ, dường như Hội ThánhSạt-đe có cái gì còn tồi tệ hơn so với giáo lý sai hoặc thỏa hiệp với tà giáo hay ngủ với kẻ thù hoặc vô đạo đức tình dục  trong nhà thờ:
Đó là một điều đáng sợ.
Nếu bạn đang hấp hối, bạn càng cần phải biết nguyên do may ra còn tìm cách sống còn. Thà sớm biết mình bị ung thư để chữa trị dù có thể bị đau đớn, khó chịu còn hơn là sống mà không biết mình bị ung thư đến khi nó phát thời kỳ thứ ba thì quá muộn để làm bất cứ điều gì chữa trị.
LỊCH SỬ HUY HOÀNG CỦA SẠT- ĐE 
Có lẽ tìm hiểu lich sử của thị trấn Sardis may ra chúng ta tìm ra manh mối.
Bảy trăm năm trước khi sách Khải Huyền được viết ra, Sạt-đe là một trong những thành phố quan trọng nhất vùng Tiểu Á. Vua Ly-di cai trị toàn khu vực này, Sạt-đe là thủ đô với tất cả huy hoàng của Đông Phương.
Sạt đe nằm trên một ngọn đồi cao 500 mét sừng sững. Rõ ràng với địa thế này Sạt đe trở thành một căn cứ bất khả thất thủ.
Sự giàu có của Sạt đe trở thành một truyền thuyết. Dòng sông Pactolus chảy ngang qua phía dưới có dòng nước chứa vàng đem sự giàu có cho Sạt đe.
Vị vua vĩ đại nhất của Sạt đe là Croesus mà danh tiếng còn truyền tụng qua một tục nhữ “ giàu như Croesus”. Chính với vị vua này, Sạt đe đạt tuyệt đĩnh của huy hoàng và cũng với vị vua này Sạt đe đã chìm và suy tàn
Croesus gây chiến với Si-ru, vua Ba-tư và bị thua trận. Ông chẳng lo lắng chút nào, chỉ việc rút quân vào Sạt đe, bất khả thất thủ, chỉnh đốn quân đội rồi tái chiến.  Si-ru bao vây Sạt đe suốt 14 ngày rồi treo giải thưởng cho ai tìm được lối vào. Một người lính Ba tư tên là Hyeroeades đang canh thấy một tên lính trên thành đánh rơi chiếc mũ  xuống chân vách thành. Anh ta thấy nó tìm đường xuống hố để nhặt lại cái mủ. Anh lính Ba tư biết tại đó có con đường nứt mà một người nhanh nhẹn có thể lên xuống được. Đêm đó anh ta dẫn một toán lính Ba tư theo đường nứt trèo lên thành. Khi leo đến trên thành, họ nhận ra không có lính canh. Quân Sạt đe quá tin tưởng đến độ chẳng canh gác gì cả dù quân thù đang bao vây. Sạt đe thất thủ (549 BC). Thành phố có một lịch sử như vậy nên Chúa Jesus đã phán trong lá thư gởi cho Hội Thánh này  :” Hãy tỉnh thức”.
Dưới thời cai trị của Ba tư, Sạt đe biến mất trong suốt 200 năm. Sau đó dưới A lịch sơn đại đế nó được tái lập và trở thành một thành phố của Hy lạp. Rồi lịch sử tái diễn. Khi A lịch sơn băng hà, Antiochus được chia cai tri khu vực này phải đánh nhau với địch thủ là Achaeus. Achaeus lui về cố thủ tại thành Sạt-đe. Antiochus vây suốt một năm rồi một tên lính Lagoras lập chiến công của người Ba tư trước kia . Vào một đêm, cùng với toán cảm tử, anh ta leo lên vách đá mà vào thành. Người Sạt đe quên bài học trước đây, chẳng có người lính canh nào cả và một lần nữa Sạt đe thất thủ chỉ vì họ không chịu thức canh (195 BC).
Ở đây chúng ta có môt thành phố có những ngày huy hoàng nhất đã đến rồi suy tàn, một thành phố sống bằng quá khứ lẫy lừng . Sardis đã bị lu mờ trước các thành phố như Ephesus và Pergamum. Hội Thánh Sardis chắc cũng mang đặc tánh của thành phố mà họ mang tên.
Một nhà văn gọi là hội thánh tại Sardis ” là mô hình hoàn hảo của một Cơ đốc giáo không làm mất lòng ai hết .” Rõ ràng người Do Thái và người La Mã đã không quan tâm đến Hội Thánh này bởi vì Hội Thánh này không làm phiền họ . Họ không đá động đến Hội Thánh này vì sinh hoạt của Hội Thánh lặng yên như mặt nước hồ thu không có một chút gợn sóng “.
Hội thánh Sạt đe im lìm như một nghĩa địa thiêng liêng.
John Stott sử dụng ngôn ngữ đầy màu sắc để mô tả các nhà thờ tại Sardis:
Sản phẩm của họ là những mãnh vải liệm đẹp chỉ để che đậy hay ngụy trang cho cái xác chết Hội thánh.  Đôi mắt của Chúa Jesus đã nhìn thấu qua những mãnh vải đến tận bộ xương. Nó đã chết. Thậm chí nó đã có mùi hôi.”
Qua những dữ kiện lịch sử của thành phố Sạt-đe, chúng ta hiểu tại sao Chúa Jesus phán Hội Thánh tại đây sống nhưng đã chết.  Hội thánh này có những người :

  • Nghĩ đến quá khứ, bỏ mặc hiện tại.
  • Chỉ lo giữ danh tiếng tốt của mình hơn là làm công tác chứng đạo.
  • Nghi lễ tôn giáo là mục tiêu của các buổi thờ phượng.
  • Có nói về Chúa nhưng thực ra không biết Chúa.
  • Chỉ biết tiện lợi cho mình mà không hề hy sinh cho người khác.
  • Chú trọng bề ngoài hơn tìm hiểu bên trong của con người.
  • Dùng truyền thống để dập tắt mọi ý kiến, hay nỗ lực mới.
  • An toàn cá nhân hơn chấp nhận đổi mới với lòng tin .

Hoặc theo W. Barclay, Hội Thánh Sạt-đe có những dấu hiệu mà chúng ta có thể áp dụng để biết đó là một hội thánh đang hấp hối:

  • Hội thánh Sạt-đe không bị tà giáo nào gây rắc rối. Không có dấu hiệu nào cho thấy Hội Thánh này bị tà giáo tấn công, hay bị giáo sư giả sách động, không có Giê sabên quyến rũ phạm tà dâm. Một  Hội thánh vì muốn tìm hay khám phá cái mới nên tạo cơ hội cho tà giáo, tiên tri giả xâm nhập. Nhưng thà bị tấn công, mà cố thủ được để phát triển hơn là nằm im để chết
  • Hội Thánh Sạt-đe không hề bị tấn công từ bên ngoài, không bị người Do Thái gièm pha, tố cáo, nói xấu, tấn công. Hội thánh này không còn sức sống nên không ai chú ý. Một Hội Thánh sống động luôn luôn bị tấn cống. Một người hăng hái hoạt động luôn luôn gặp chống đối. Một Hội Thánh quá tiêu cực đến độ không gây một sự chống đối nào cả là một Hội Thánh chết .

Bây giờ thì tôi có thể trả lời cho bà tín hữu gọi hỏi tôi về dấu hiệu của một Hội Thánh sắp chết.
PHƯƠNG PHÁP GIẢI CỨU 
Có hy vọng nào để cứu sống Hội Thánh này không? Chúa đưa ra những biện pháp chữa trị qua hai câu kinh văn kế tiếp
2 Hãy tỉnh thức, và làm cho vững sự còn lại, là sự hầu chết; vì ta không thấy công việc của ngươi là trọn vẹn trước mặt Đức Chúa Trời ta. 3 Vậy hãy nhớ lại mình đã nhận và nghe đạo thể nào, thì giữ lấy, và ăn năn đi. Nếu ngươi chẳng tỉnh thức, ta sẽ đến như kẻ trộm, và ngươi không biết giờ nào ta đến bắt ngươi thình lình

  • HÃY TỈNH THỨC

Bởi vì nó đã nằm trên một cao nguyên, Sardis có vẻ an toàn, kẻ thù bất khả xâm nhập. Nhưng hai lần trong lịch sử, đội quân xâm lược đã trèo lên đỉnh cao vào ban đêm và chiếm đoạt thành phố. Vì vậy, lời khuyên dạy của Chúa trước nhất là  ” Hãy Tỉnh Thức!” Không nghi ngờ gì nữa Hội Thánh này đã trở nên lười biếng tâm linh 
Nếu mọi việc đều tốt đẹp, tại sao bận tâm để bảo vệ trên thành lũy? Không ai thấy kẻ thù nào lảng vảng như sư tử rống tìm kiếm một ai đó để ăn tươi nuốt sống (1 Phierơ 5: 8).

  • Satan thường tấn công chúng ta không phải ở những chỗ yếu của chúng ta, nhưng tại thời điểm chúng ta thờ ơ nhất.
  • Nếu ma quỷ không thể thực hiện một cuộc tấn công trực diện, nó sẽ giả làm chó sói trong lốt chiên. Hoặc là nó sẽ làm cho các con chiên cắn nhau.
  • Hoặc là nó sẽ chỉ đơn giản là ru cho cả bầy chiên ngủ và sau đó hắn sẽ nhảy xổ vào để tiêu diệt cả bầy.

Muốn cứu vãn tình trạng hấp hối này, điều trước tiên là các Cơ đốc nhân tại đó phải tỉnh thức.  Đây là một mạng lệnh dường như xuất hiện thường xuyên nhất trong Tân ước.

  • Tỉnh thức là thái độ thường xuyên phải có của một Cơ đốc nhân. Phao lô noí:     ” Giờ anh em từ ngủ thức dậy đã đến” – Roma 13:11. Ông cũng khuyên “ Anh em hãy tỉnhthức, hãy vững vàng trong đức tin” –  I Côrinhtô 16:13. Nếu Cảnh giác ià giá của tự do thì cũng vậy, Tỉnh thức là giá của sự cứu rỗi.
  • Phải tỉnh thức để đối phó với mưu chước của ma quỷ – I Phierơ 5:8 . Ma quỷ luôn luôn tìm cách tấn công chúng ta. Những sự tấn công của chúng rất tinh tế và kín đáo.
  • Phải thức tỉnh để cảnh giác trước những cám dỗ. Chúa Jesus dạy “ Hãy thức canh và cầu nguyện kẻo các người sa vaò chước càm dỗ” – Mathiơ 26:41
  • Tân ước luôn luôn kêu gọi chúng ta tỉnh thức chờ Chúa tái lâm. Chúa phán” Vậy hãy tỉnh thức vì các ngươi không biết giờ nào Chúa mình sẽ đến” – Mathiơ 24:42-43 . Augustine có nói:” Ngày cuối cùng là bí mật, cho nên mỗi ngày phải tỉnh thức”
  • Phải tỉnh thức để tỉnh táo nhận ra tà giáo và giáo sư giả. Trong lúc nói chuyện với các truởng lão tại Êphêsô, Phao lô cảnh cáo ho rằng muông sói dữ tợn từ bên ngoài xâm nhập, và từ bên trong nhiều người dấy lên để nói nhiều điều sai lạc, Ông dạy : Hãy tỉnh thức: –  Công 20:29-31

“Con hãy tỉnh thức và củng cố những gì còn lại, tức là những gì sắp chết, vì Ta thấy công việc con bất toàn trước mặt Đức Chúa Trời Ta” BDM
Tỉnh thức để biết mình sắp chết, để thấy những cái bất toàn, để củng cố những tín hữu nào còn đức tin.
Họ phải đồng lòng thay đổi cách thờ phượng, tinh thần học lời Chúa, tích cực trong các buổi hiệp nguyện.
Mọi người phải nhìn ra sự bất toàn, thiếu xót, lười biếng của mình trước kia trước những công việc của Hội Thánh.
Đừng giống như những lính canh ngủ gục hay bỏ phiên canh về nhà với vợ con. Đừng như những Pha-ra-si rất trọn vẹn trước mặt người ta nhưng chẳng xứng đáng trước mặt Đức Chúa Trời.
Tỉnh thức để nhớ lại

  • HÃY NHỚ LẠI VÀ ĂN NĂN

“Vậy, con hãy nhớ lại mình đã nhận và nghe thế nào, rồi giữ vững và ăn năn đi.” (v. 3a). 
Ăn năn theo nghĩa đen thay đổi tâm trí. Trong trường hợp này Hội Thánh phải quay về với Chúa với tất cả tấm lòng.
Tôi dám khẳng định rằng không có gì là khó khăn hơn cho một nhà thờ đang sinh hoạt thoải mái để ăn năn .

  • Thật khó thay đổi trừ khi gặp mang trong lòng một nỗi đau thực sự.
  • Chúng ta thấy không cần cầu nguyện cho đến khi chúng ta tuyệt vọng.
  • Chúng ta không tìm kiếm Chúa cho đến khi chúng ta đang gặp rắc rối, và
  • Chúng ta không ăn năn, trừ khi chúng ta nghĩ rằng không có hy vọng khác.

Khi Martin Luther đóng đinh bài viết 95 Luận cương trên cánh cửa của nhà thời Castle ở Wittenberg, Đức, ông chỉ có ý định châm ngòi cho một tranh luận thần học.  Ông không hề biết rằng ông sẽ đốt lên một ngọn lữa cách mạng thần học gọi là Cải Cách Tin Lành.
Luận cương đầu tiên đã viết ra từ năm 1517 vẫn còn đúng đến ngày hôm nay: 
Khi Chúa Jesus Christ phán  ” phải ăn năn”, Ngài muốn nói rằng suốt cuộc đời của một Cơ đốc nhân là phải ăn năn.
Đôi khi chúng ta nghĩ sai rằng sự ăn năn chỉ xảy một lần khi chúng ta đầu tiên đến với Đấng Christ, và sau đó chúng ta không bao giờ phải suy nghĩ về nó nữa.
Chúng ta cần phải ăn năn mỗi ngày vì chúng ta tồi tệ hơn chúng ta nghĩ rằng chúng ta đang có.  Chúng ta cần phải nói, “Lạy Chúa, con có tội và thậm chí có tội nhiều hơn con nghĩ . Vì vậy, lạy Chúa, con cầu xin lòng thương xót của Chúa. ”
Trên một thang đánh giá cái xấu từ 1-10, chúng ta nghĩ rằng mình chỉ 2 hoặc 3 điểm tội lỗi không xấu như nhiều người khác. Vào một ngày tệ, mình có thể  5 hoặc 6.
Chúng ta không bao giờ nghĩ có thể là 9 hoặc 10 trên bậc thang xấu này. Nhưng thực tế nghiêm túc mà nói, ngay cả lúc chúng ta làm việc tốt, lòng hãnh diện, khoe khoang, tự hào đang ở trong mình khiến chúng ta là “giẻ rách bẩn thỉu” trong cái nhìn của Chúa (Ê-sai 64: 6).
Chúng ta sẽ không bao giờ tốt hơn, trừ khi chúng ta biết ăn năn.
Nhà thờ của chúng ta sẽ không bao giờ có được tốt hơn, trừ khi chúng ta biết sám hối.
Chúng ta không thể ăn năn dùm cho bất cứ ai khác.
Nếu chúng ta không tỉnh thức và củng cố lại, nếu chúng ta không nhớ lại mà ăn năn thì giải pháp thứ ba là:
CHÍNH CHÚA JESUS SẼ ĐẾN
”nếu con không tỉnh thức, Ta sẽ đến như kẻ trộm ” v.3b
Một tên trộm đến khi bạn không mong đợi. Chúa Giêsu cảnh báo Hội Thánh phải thức dậy hoặc Ngài sẽ đến và lúc đó hậu quả sẽ không tốt chút nào cho Hội Thánh.” Ta sẽ bắt ngươi thình lình”
Không tỉnh thức thì không sao nhớ lại và làm sao sẵn sàng khi Chúa đến!
Hội Thánh tại Sardis, dù có lúc thịnh vượng và nổi tiếng nhưng chưa sẵn sàng khi Chúa đến. Nhà thờ này giống dân chúng trong thành phố, thích được sống thoải mái, lười biếng và thờ ơ. Nó tưởng như còn sống, nhưng nó đã thực sự chết.
KẾT LUẬN
Đừng nãn lòng.
Chúa Jesus hứa bốn điều nếu chúng ta vượt thắng tình trạng sống mà như chết.
Đầu tiên, được mặc chiếc áo choàng trắng của chiến thắng . 
Thứ hai, đồng hành với Chúa
Thứ ba, có tên trong sách sự sống 
Thứ tư, được Chúa đích thân công nhận trước mặt Đức Chúa Trời và các thiên sứ

Tôi sắp chấm dứt bài chia sẻ này. Chúng ta nên hỏi lại lần nữa: Hội Thánh Sạt-đe đã làm điều gì sai để Chúa Jesus phán Hội Thánh này sống mà như chết?
Hội Thánh này đang ở trong tình trạng nguy hiểm hơn nhiều so với nhà thờ bị bắt bớ của Si miệc nơ hoặc nhà thờ bê bối về mặt đạo đức, thỏa hiệp của Bec găm và Thiatirơ. Nó thậm chí còn tồi tệ hơn so với nhà thờ không tình yêu ở Ephesus.
Nhà thờ này bất động, im lìm như chết vì tín hữu thờ ơ, lười biếng, bê trễ trách vụ như người lính canh bỏ gác để hưởng thụ, để về nhà với vợ con.
Đặc biệt: Chúa vẫn yêu thương Hội thánh tại Sardis. Nếu Chúa Giêsu không quan tâm, Chúa sẽ không viết lá thư này . Vì vậy, bất cứ lúc nào , chúng ta cũng có thể cầu xin, “Lạy Chúa, hãy bắt đầu từ con. Đánh thức con! Khuấy động con, dức dấy con để con yêu và phục vụ Chúa để thế giới này biết rằng con thuộc về Ngài. “Xin Chúa đánh thức chúng con, cất khỏi chúng con sự lười biếng, bê trễ, uễ oải và cứu Hội Thánh chúng con nếu nó quả thật sống mà như chết. Amen.

Bài sau4. Ngủ Với Kẻ Thù
Bài trước9. Đức Tin Trong An Toàn