Khải huyền 2:12-17
“ Cũng hãy viết cho thiên sứ của Hội thánh Bẹt-găm rằng: Nầy là lời phán của Đấng có thanh gươm nhọn hai lưỡi: 13 Ta biết nơi ngươi ở; đó là ngôi của quỉ Sa-tan; ngươi đã vững lòng tôn danh ta, không chối đạo ta; dầu trong những ngày đó, An-ti-ba, kẻ làm chứng trung thành của ta đã bị giết nơi các ngươi, là nơi Sa-tan ở. 14 Nhưng ta có điều quở trách ngươi; vì tại đó, ngươi có kẻ theo đạo Ba-la-am, người ấy dạy Ba-lác đặt hòn đá ngăn trở trước mặt con cái Y-sơ-ra-ên, đặng dỗ chúng nó ăn thịt cúng thần tượng và rủ ren làm điều dâm loạn. 15 Ngươi lại cũng có những kẻ theo đạo Ni-cô-la. 16 Vậy, hãy ăn năn đi, bằng chẳng, ta sẽ đến mau kíp cùng ngươi, lấy thanh gươm ở miệng ta mà giao chiến cùng chúng nó. 17 Ai có tai, hãy nghe lời Đức Thánh Linh phán cùng các Hội thánh: Kẻ nào thắng, ta sẽ ban cho ma-na đang giấu kín; và ta sẽ cho nó hòn sỏi trắng, trên đó có viết một tên mới, ngoài kẻ nhận lấy không ai biết đến.”
ANH THỢ SĂN VÀ CON GẤU
Mùa đông sắp đến, một anh thợ săn vào rừng định tìm một con gấu để lấy da may một cái áo ấm cho mình. Sau vài giờ rình rập, anh thấy một con gấu to đang đi tới hướng về anh. Anh dơ súng lên nhắm vào con gấu sẵn sàng bắn.
“ Khoan bắn! Hãy chờ một chút!” con gấu la lớn lên và hỏi nhanh:
“ Tại sao anh muốn bắn tôi?
“ Bởi vì tôi lạnh, tôi cần cái áo da”
“Nhưng tôi đang đói, vậy chúng ta nên thảo luận tìm cách thỏa mãn cả hai bên”
Cuối cùng, người thợ săn không còn sợ lạnh nữa vì được bao bọc bởi da gấu và con gấu được bữa ăn no nê!
***
Chúng ta luôn luôn bất lợi và mất mát khi thỏa hiệp với kẻ ác, kẻ gian vì cuối cùng chúng ta sẽ bị nó nuốt trọn.
Con dân Chúa thường mang lỗi lầm lớn nhất là thỏa hiệp với thế gian.
Chúng ta thường cho rằng những nguyên tắc hay dạy dỗ của kinh thánh quá khô khan cứng ngắt khó thuyết phục người khác bỏ đạo củ mà theo đạo Chúa nên có khuynh hướng uyển chuyển, mềm dẽo, dễ dãi khi đối diện với kẻ xấu, với tội lỗi và những lần như vậy, chúng ta là kẻ thất bại vì lệch lạc, ngã nghiêng.
Nhiều người cho rằng Cơ đốc nhân là những kẻ có đầu óc hẹp hòi, không chấp nhận các tôn giáo khác trong khi đó các tôn giáo khác cũng dạy con người sống tốt, giúp đỡ người khác.
Vì thế, nhiều Cơ đốc nhân không muốn mang tiếng hẹp hòi, tỏ ra mình là người phóng khoáng, thỏa hiệp với thế gian và trở thành một Cơ đốc nhân nửa chừng và sau đó trở thành một Cơ đốc nhân không chính thống.
Khác biệt giữa “hẹp hòi” và “cởi mở”
Trước hết chúng ta cần phải biết rằng, tấm lòng hẹp lượng và cố chấp khác với tấm lòng yêu sự thật.
Nếu chiếc xe của tôi đang bị hư thắng mà hai vợ chồng kế bên nhà qua hỏi mượn để chở vợ vào nhà thương sanh. Nếu tôi từ chối, nói rằng tôi không thể cho anh mượn chiếc xe của tôi vì anh sẽ gặp tai nạn, tôi có ích kỷ hay hẹp lượng không? hay là tôi nói sự thật.
Theo quan niệm thông thường thì một người cởi mở là người sẵn sàng chấp nhận ý kiến của người khác, bao dung, không quan tâm đến lỗi lầm của người khác và có sự hiểu biết rộng rãi. Nhưng nếu bạn là người hẹp hòi, bạn đang mù quáng, bảo thủ, ngoan cố hay cố chấp.
Vì vậy, ai ai cũng nghĩ rằng người cởi mở, là người tốt còn người khư khư bảo thủ là người không tốt, người hẹp hòi.
Tuy nhiên, điều đó có luôn luôn đúng không?
Herschel Hobbs có đưa ra một nhận xét:
“Không có người bình thường nào muốn một nhân viên ngân hàng nói rằng hai cộng hai bằng ba. Chúng ta cũng không muốn một dược sĩ trao cho mình một loại thuốc tùy theo ý thích của ông ta. Chúng ta muốn anh dược sĩ phải theo toa của bác sĩ. Đây là sự thật và không thể cho tôi là người hẹp hòi. Điều này không chỉ áp dụng trong kế toán hay sức khỏe mà còn áp dụng trong vấn đề tín ngưỡng.”
Như vậy, giữa hẹp hòi, bảo thủ hay cởi mở phóng khoáng, lằn ranh tốt xấu không rõ ràng.
- Lời Đức Chúa Trời phán, chân lý đó không có gì phải tranh luận.
- Chúng ta không phải thắc mắc về những điều răn như” Không được giết người” hay “ không có sự cứu rỗi trong Đấng nào khác”
- Chúng ta tin rằng Đức Chúa Jesus khi Ngài phán “Ta là đường, lẽ thật và sự sống . Chẳng bởi Ta thì không ai đến được cùng Cha “ (Giăng 14: 6).
Như vậy, Cơ đốc nhân là phải hẹp hòi, bảo thủ về chân lý của Đức Chúa Trời.
Qua lá thư gởi cho Hội thánh Bẹt-găm trong Khải Huyền 2: 12-17, Chúa Jesus đối diện với một Hội thánh mà hội chúng luôn luôn thỏa hiệp, cởi mở theo ý riêng của mình. Chúng ta cần nghe những lời của Chúa Jesus về Hội thánh này mà tôi tin rằng ngày nay, rất nhiều Hội thánh đang rơi vào tình trạng y hệt như vậy.
Chúng ta học được gì khi chúng ta đọc lá thư này từ Chúa Giêsu?
MỘT BỨC TRANH VỀ THÀNH PHỐ BẸT-GĂM (vs.12)
Bẹt- găm là là một thành phố rất nổi tiếng vì những lý do sau đây:
1. Theo học giả John Stott, nếu Ê-phê-sô là New York thì Bẹt-găm là Washington DC.
Nơi đây, quyền hành của đế quốc La-mã được dựng lên. Nơi đây, đền thờ sớm nhất được xây dựng để thờ phượng Hoàng đế La mã. Thật vậy, Bẹt-găm là thủ đô của xứ Asia thuộc La mã và trung tâm chính quyền của toàn vùng.
2. Bẹt-găm là một trung tâm văn hóa với một thư viện lớn đứng nhì, sau Alexander, với hơn 200,000 cuốn sách bằng da thuộc.
Chữ Bẹt-găm (Pergamum) từ chữ parchment (cuộn giấy làm bằng da thuộc ) mà ra. Da thuộc dùng thay thế cho giấy là sáng chế của thành phố này.Vào thời kỳ sách Khải huyền được viết ra, giấy chỉ thảo làm bằng một thứ cây giống như cỏ tranh mọc bờ sông Nile thuộc Ai cập. Ai cập thời đó độc quyền sản xuất loại giấy này và họ có một thư viện lớn nhất thời đó tại thành phố Alexandria. Vào thế kỷ thứ 3 TC, vua vùng Pergamene là Eumeres, muốn có một thư viện lớn nên tìm cách thuê viên quản thủ thư viện Alexandria và cũng là một học giả nổi tiếng bấy giờ là Aristophanes. Vua Ai cập nổi giận về việc này, bắt giam vị này và cấm xuất cảng giấy chỉ thảo sang Bẹt-găm. Để đối phó với sự cấm này, dân Bẹt-găm sáng chế ra loại giấy bằng da, mềm, bền và tốt hơn.
3. Bẹt-găm xây đền thờ cho Hoàng đế La mã Augustus rất sớm vào năm 29. Ngoài ra, giống như các thành phố thời đó, Bẹt-găm còn có bốn đền thờ rất vĩ đại. Lớn nhất là đền thờ thần Zeus , cầm đầu các Thần. Thần Dionysus là thần của Hoàng gia và vua được xem là con cháu của thần này. Thần Athena là thần của sự khôn ngoan và thần chiến tranh. Thần thứ tư là thần Asklepois, thần chữa trị bệnh.
Đền thờ của thần Asklepios thu hút rất nhiều người từ khắp nới đến. Bệnh nhân đến ở qua đêm trong đền thờ.Trong bóng đêm của đền thờ, họ chờ một con rắn không có nọc độc, bò chạm vào người của bệnh nhân và bệnh nhân được chữa lành. Biểu tượng của thần Asklepios là con rắn và ngày nay chúng ta thấy hình con rắn trên phù hiệu của ngành Y khoa.
TA BIẾT NƠI NGƯƠI Ở
Bắt đầu lá thư gởi cho Hội Thánh Bẹt-găm, Chúa Jesus xác nhận: “Ta biết nơi ngươi ở”
- Trong thư gởi cho Hội thánh Ê-phê-sô, Chúa xác nhận “ Ta biết công việc ngươi làm” ,
- Trong lá thư gởi cho Hội thánh Si-miệc–mơ, Chúa Jesus cho biết “Ta biết sự khốn khổ, nghèo khó của ngươi”
- Rồi trong lá thư thứ ba này Chúa tiết lộ “Ta biết nơi ngươi ở”.
Như vậy, Chúa Jesus biết thật rõ chúng ta. Chúa biết chúng ta đang làm gì, biết hoàn cảnh của chúng ta đang sống và bây giờ chúng ta phát giác rằng Chúa biết chúng ta đang ở đâu.
Như vậy, phải thật cẩn thận, Chúa biết chúng ta đang phạm tội, hay đang bị cám dỗ hay đang chống cự với Satan.
***
Có một người lấy chiếc nhẫn của người khác bỏ quên trong phòng rữa mặt. Mặc dù thông cáo phổ biến để ai cầm nhầm xin trả lại cho chủ nhân nhưng người này vì lòng tham, nghĩ rằng không ai biết, nên im lặng giấu chiếc nhẫn này trong ví của mình. Khi cảnh sát đến, họ nhìn vào (camera) máy thu hình, họ khám phá ra người lấy và kết quả là bị đuổi việc. Nếu người đó biết rằng, trong phòng rửa mặt có máy thu hình thì chắc chắn không tham mà bị mất việc làm.
***
Nếu chúng ta biết rằng, mắt của Chúa luôn luôn chăm chú vào chúng ta thì xin mọi người cẩn thận, giữ gìn từng hành động, từng lời ăn tiếng nói, từng nơi ở, từng chỗ làm, lúc ăn, lúc ngủ, lúc chơi giải trí.
Một nhận xét rất quan trọng khác và giúp cho chúng ta thấy được cái ưu việt của sách Khải huyền. Đó là chữ “ở” trong “Ta biết nơi ngươi ở”.
Chữ này dịch từ chữ “katoikein”. Chữ này có nghĩa là nơi ở thường trú.
Đây là một chữ bất thường vì nó ít khi được dùng cho các Cơ đốc nhân trong thế gian. Chữ thường được dùng cho các Cơ đốc nhân là chữ “paroikein” có nghĩa là tạm trú, khách trọ. Phi-e-rơ đã dùng khi ông viết thư cho các kiều ngụ khắp các tỉnh Tiểu Á. Như vậy, ở đây, trong lá thư này, Chúa Jesus đã nhìn các Cơ đốc nhân tại Bẹt-găm theo một nhãn quan khác. Chúa thấy các Cơ đốc nhân tại Bẹt-găm đã xem chỗ mình đang ở là thường trú mà nơi thường trú đó có ngôi của Satan, nơi mà quyền cai trị của Satan mạnh mẽ nhất.
Quý vị xem chỗ mình ở là thường trù hay tạm trú? Chúa sẽ dùng chữ katoikein hay paroikein khi nói về chỗ ở của quý vị?
Bây giờ chúng ta phân tích lời Chúa về Hội Thánh này để rút ra những bài học vô cùng quý báu.
I. HỘI THÁNH BẸt- GĂM ĐƯỢC KHEN.
Chúng ta không thể bỏ qua lời khen của Chúa Jesus về Hội thánh này.
“ Ta biết nơi ngươi ở; đó là ngôi của quỉ Sa-tan; ngươi đã vững lòng tôn danh ta, không chối đạo ta; “ (c.13a).
Tất cả các nghi thức tà giáo của thời cổ đại được thực hành ở đó. Bẹt-găm kết hợp sự pha trộn các độc tố của quyền lực chính trị, nghi thức tà giáo và triết học Hy Lạp trộn với việc thờ phượng Hoàng đế La mã. Mọi công dân đều phải một lần trong năm đến đền thờ của Caesar dâng hương cúng tế và tuyên bố công khai “Caesar là Chúa”.
Một Cơ đốc nhân chân chính không thể làm điều này. Cơ đốc nhân phải sống với áp lực đó quanh năm, suốt tháng.
Khi Chúa Jesus nói rằng Sa-tan có ngôi ở đây nghĩa là Sa-tan đã tìm thấy Bẹt- găm là địa điểm thuận lợi cho nó để nó gây ảnh hưởng cho toàn vùng. Bằng sự kết hợp của thờ các thần và ăn chơi khoái lạc, Sa-tan thống trị thành phố đó . Đó là một khu vực được bao phủ bởi một đám mây đen của cái tội lỗi và gian ác.
Tôi tin Sa-tan ngày nay cũng có ngôi của nó.
Có những chỗ Satan đã thống trị từ lâu, qua nhiều thế hệ . Xin hỏi những nhà truyền giáo. Họ sẽ chỉ cho quý vị những thành phố đang mặc chiếc áo tinh thần đen đặc đến dổi ánh sánh của Phúc âm không thể rọi vào.
Chúng ta không cần phải lặn lội đến các bô lạc xa xôi.
Hãy bước vào những Đại học lớn ở Hoa kỳ, ở những trung tâm quyền lực chính trị, ở những trung tâm tài chánh thương mại và lắm khi tại những trung tâm tôn giáo nơi mà cầu nguyện được tổ chức nhiều lần trong ngày nhưng không tìm thấy đấng Cứu thế.
Satan có nhiều bạn bè trong quốc hội
Satan có nhiều bạn bè trên Wall Street
Satan có nhiều bạn trên Internet
Satan có nhiều bạn bè trong Cộng đồng
Satan cũng có bạn bè trong các Hội đoàn
Satan cũng có bạn bè trong các Hội thánh của Chúa.
Trong hoàn cảnh của thành phố Bẹt – găm, Satan rõ ràng đang thắng thế, tà giáo bành trướng chiếm thượng phong, chính quyền sẵn sàng đàn áp, vậy mà các Cơ đốc nhân đầu tiên tại thành phố Bẹt – găm đã tạo một thế đứng trong bóng đen của ngôi Satan.
Thật không dễ để là một Cơ đốc nhân tại Bẹt – găm. Cũng như ngày hôm nay, thật không dễ dàng làm một Cơ đốc nhân trong các trường đại học lớn tại Mỹ , trong các nước Hồi giáo hay Cộng sản.
Một trận chiến hoành hành giữa Thần của thế gian và Chúa Trời của Kinh thánh. Trong trận chiến đó, tín hữu của Hội thánh Bẹt-găm chưa chiếm được lợi thế. Họ thật sự đang ở trong tình trạng bất lợi, yếu thế. Hội thánh Bẹt-găm đã tự tìm phương cách tự giải thoát. Phương cách đó không làm Chúa Jesus bằng lòng.
Hãy đọc tiếp lá thư của Chúa để tìm câu trả lời.
II. HỘI THÁNH KHÔNG THỂ SỐNG BẰNG QUÁ KHỨ.
- HỘI THÁNH NÀO CŨNG CÓ NHỮNG ANH HÙNG ĐỨC TIN
Chúa Jesus cho biết Hội thánh tại Pergamum có một báu vật tuyệt vời. Trong thời kỳ mà những đàn áp dữ dội xảy ra, một nhân vật của Hội thánh tên là Antipas đã trả giá cuối cùng cho đức tin của mình.
“dầu trong những ngày đó, An-ti-ba, kẻ làm chứng trung thành của ta đã bị giết nơi các ngươi, là nơi Sa-tan ở” (c. 13).
Antipas nghĩa là “chống lại tất cả”. Câu chuyện về ông được kể như sau: Antipas được dẫn đến đền thờ của Caesar và họ ra lệnh ông phải nói lớn tiếng công khai “ Caesar là Chúa”. Antipas la lớn rằng “ Chỉ có Jesus là Chúa mà thôi” Viên sĩ quan hỏi: “ ông có biết cả thế giới đang chống lại ông không? Antipas trả lời:” Vậy thì tôi chống cả thế giới này đó”. Lập tức, Antipas bị đẫy vào bụng một con bò bằng đồng và đem nung con bò bằng đồng đó. Antipas bị nướng sống trong bụng con bò đồng đến chết và xác cháy thành than.
Ngoài câu chuyện truyền khẩu nói trên, chúng tôi không biết gì thêm về Antipas
Điều quan trọng là Chúa Giêsu biết tên của ông và biết ông sẽ không nhượng bộ trước áp lực xung quanh mình.
Mặc dù bị lãng quên trên trái đất, ông được nhớ đến ở trên trời .
Chúa biết đến tên của ông Antipas, Chúa biết tất cả hành vị dũng cảm, kiên trì của những người tử đạo dù thế gian hay các Hội thánh không ghi nhận, không biết đến.
Máu của họ, mồ hôi của họ, công khó của họ đã trở thành những hạt giống nảy mầm mang sức sống cho các Hội thánh Chúa trên toàn thế giới.
- QUÁ KHỨ TUYỆT VỜI KHÔNG GIÚP HỘI THÁNH
Nhưng nơi nào có những anh hùng đức tin thường là những nơi có sự nguy hiểm rình rập.
Ai cũng tưởng rằng một Hội thánh với một quá khứ tuyệt vời như vậy có đủ sức để đối phó với các thách thức của hiện tại.
Thực tế không phải vậy. Tại Hội thánh Bẹt-găm, họ không dám tôn vinh Antipas, họ bỏ quên tấm gương anh hùng để được bình an, được sống yên thân.
Họ đã không dám đề cao những anh hùng đức tin. Họ bắt đầu tư tưởng sống thỏa hiệp để được yên thân
III. HỘI THÁNH KHÔNG THỂ SỐNG BẰNG THỎA HIỆP .
Chúa Giêsu chỉ vào điểm yếu lớn của nhà thờ này ở các câu 14-15:
” Nhưng ta có điều quở trách ngươi; vì tại đó, ngươi có kẻ theo đạo Ba-la-am, người ấy dạy Ba-lác đặt hòn đá ngăn trở trước mặt con cái Y-sơ-ra-ên, đặng dỗ chúng nó ăn thịt cúng thần tượng và rủ ren làm điều dâm loạn. 15 Ngươi lại cũng có những kẻ theo đạo Ni-cô-la“
Vấn đề của Hội thánh này nằm trong câu”ngươi có kẻ theo đạo Ba-la-am” và “cũng có những kẻ theo đạo Ni-cô-la” .
Không cần phải nghiên cứu sâu xa, cụm từ này nói lên sự yếu đuối, đáng chê trách của một Hội thánh gồm tín hữu can đảm như Antipas.
Hội thánh Bẹt-găm sản xuất những tín hữu trung tín đến chết mà chứa chấp những kẻ theo đạo Ba-la-am và đạo Ni-cô-la.
Họ không ứng dụng lời Đức Chúa Trời dạy dỗ. Một Hội thánh không kỷ luật.
Họ áp dụng sai về khái niệm tình yêu để dung túng, chứa chấp những kẻ theo đạo Ba-la-am hay theo đạo Ni-cô-la.
Hãy nhớ thật kỷ. Khi Satan biết nó không thể phá hủy Hội thánh bằng kế sách của con sư tử, nó sẽ áp dụng chiến thuật của con rắn. Khi nó không thể đè bẹp chúng ta, thì nó dùng chiến thuật thỏa hiệp.
Chúng ta quen với từ Ba-la-am. Nó nằm trong sách Dân số ký 22-25:
Ba-la-am là một tiên tri của Đức Chúa Trời. Trong thời đó, nhà tiên trí có quyền chúc phước cũng như có quyền rủa sả.
Ba-lac là vua của Mô-áp. Ba-lac có một mục đích: tiêu diệt dân Y-sơ-ra-ên. Ba-lac sai người đến tìm tiên tri Ba-la-am và cố gắng mua chuộc ông ta rủa sả Y-sơ-ra-ên. Ba-la-am từ chối vì ông trực tiếp biết Đức Chúa Trời không cho phép việc này xảy ra.
Điều ngạc nhiên là tiên tri Ba-la-am bị ảnh hưởng với số vàng bạc mua chuộc nên ông đã nói với vua Ba-lác rằng: Vua phải kết thân với dân Y-sơ-ra-ên (nếu không diệt được thì phải làm bạn, nếu không vào bằng cửa trước thì vào bằng cửa sau). Sau khi làm bạn rồi, giới thiệu cho dân
Y-sơ-ra-ên những đàn bà đẹp quyến rũ của họ để có những hôn nhân tạp chủng, pha giống, mời chúng tham gia những buổi lễ tôn giáo, mời họ ăn các vật cúng, nói cách khác để chúng tự bị tiêu diệt nhau.
Nghĩa là nếu không rủa sả được thì phải thỏa hiệp với chúng.
Dân Y-sơ-ra-ên rơi vào bẩy và 24,000 người bị Đức Chúa Trời hủy diệt
Ba-la-am chủ trương thỏa hiệp. Tín hữu trong Hội thánh Bẹt-găm đã làm bạn với thế gian. Satan không vào được bằng cửa trước thì Satan vào bằng cửa sau. Nó bị các anh hùng đức tin chống cự, nó bèn thỏa hiệp.
Thế gian day con người khôn ngoan theo kiểu “ Đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma thì mặc áo giấy”. Còn Chúa dạy:
Rom. 12: 2 “Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình.
II Cor. 6 14-17 “Chớ mang ách chung với kẻ chẳng tin. Bởi vì công bình với gian ác có hội hiệp nhau được chăng? Sự sáng với sự tối có thông đồng nhau được chăng? 15 Đấng Christ và Bê-li-an nào có hòa hiệp chi, hay là kẻ tin có phần gì với kẻ chẳng tin? 16 Có thể nào hiệp đền thờ Đức Chúa Trời lại với hình tượng tà thần? … 17 Bởi vậy Chúa phán rằng: Hãy ra khỏi giữa chúng nó, hãy phân rẽ ra khỏi chúng nó, đừng đá động đến đồ ô uế, thì ta sẽ tiếp nhận các ngươi.
Ê-phê-sô 4: 17 “ chớ nên ăn ở như người ngoại đạo nữa, họ theo sự hư không của ý tưởng mình“
Ê-phê-sô 4: 22 “ anh em phải bỏ cách ăn nết ở ngày trước, thoát lốt người cũ là người bị hư hỏng bởi tư dục dỗ dành, 23 mà phải làm nên mới trong tâm chí mình, 24 và mặc lấy người mới, tức là người đã được dựng nên giống như Đức Chúa Trời, trong sự công bình và sự thánh sạch của lẽ thật.
“ theo đạo Ba-la-am” và “theo đạo Ni-cô-la” là khung hướng phổ thông của nhiều Hội thánh ngày nay. Những Hội thánh này biện hộ cho chủ trương nới lỏng các giáo điều và tiêu chuẩn đạo đức trong Kinh thánh. Họ nhân danh “ cởi mở” để chấp nhận thỏa hiệp với các tà thuyết.
Một thế kỷ trước, G. Campbell Morgan nói rằng các nhà thờ tại Pergamum, trong khi bản thân không phạm đến dị giáo, đã “phạm lỗi lầm về chủ trương cởi mở. Họ cố gắng tạo Hội thánh thành một chỗ pha trộn nhợt nhạt tất cả điều kiện và hoàn cảnh sống với đức tin của mình .
Tại Hội thánh Bẹt-găm, họ nói đại khái như, “Chúng tôi rao giảng giáo lý của đức tin, giáo lý truyền lại cho chúng ta từ các môn đồ của Chúa Jesus. Nhưng nếu bạn không đồng ý, chúng tôi vẫn dành chỗ cho bạn trong mối tương giao của chúng tôi. Nếu bạn không muốn bỏ thờ cúng các thần tượng, bạn có thể tiếp tục và vẫn được xem trong nhóm chúng tôi. Nếu bạn thường xuyên đến với các gái mại dâm trong các ngôi đền, chúng tôi vẫn vui vẻ chào đón. Nếu bạn không thích những lời rao giảng về thiên đàng và địa ngục, bạn vẫn có thể là một phần của cộng đoàn của chúng tôi”
Nó là rất quyến rũ, hấp dẫn.
Chúng ta đều thích ý tưởng về một ” Hội Thánh với các cửa luôn mở ”
Hãy đến với chúng tôi, bạn không cần phải thay đổi gì cả.
Hiện nay, các nhà thờ Thiên chúa giáo đều lên án mọi hình thức của hành vi đồng tính luyến ái. Giáo hội Báp-tít Nam phương cũng nhất quán về vấn đề này dựa trên những gì Kinh thánh dạy rõ ràng.
Nhưng bây giờ chúng tôi cũng không chắc chắn tương lai sẽ như thế nào.
Có thể một sự thay đổi rất tinh vi được tiến hành như thế này:
Giai đoạn 1:. Hội thánh lên tiếng ủng hộ hôn nhân truyền thống và chống lại đồng tính luyến ái
Giai đoạn 2: Các Hội thánh bị chế giễu là quá bảo thủ, không theo trào lưu xã hội.
Giai đoạn 3: Một số thành viên trong Hội thánh cảm thấy khó chịu với phản ứng tiêu cực của cộng đồng.
Giai đoạn 4: Hội thánh không còn lên án đồng tính luyến ái công khai vì không muốn làm mất lòng những người mà họ đang cố gắng để tiếp cận để truyền bá phúc âm.
Giai đoạn 5: Một số người bắt đầu tự hỏi đồng tính luyến ái có thực sự là sai không.
Giai đoạn 6: Họ tìm thấy một số bài viết của Cơ đốc nhân khguyến cáo nên đứng trung lập về vấn đề đồng tính luyến ái.
Stage 7: Hội thánh thay đổi thái độ: im lặng về vấn đề này.
Giai đoạn 8: Hội thánh chào đón những người có lập trường khác về đồng tính luyến ái.
Đó là cách mà một Hội thánh Bẹt-găm ngày nay sẽ trải qua nếu Hội thánh đó chủ trương thỏa hiệp với thời đại.
Hội chúng không biết gì hết.
Họ tiếp tục tham dự buổi thờ phượng.
Họ tiếp tục dâng hiến.
Họ tiếp tục ủng hộ các sinh hoạt của nhà thờ.
Họ còn thấy Hội thánh của họ tiến bộ, cởi mở, dễ dãi với các tiêu chuẩn của Kinh thánh
Trong khi đó Hội thánh bắt đầu thay đổi.
Ở một mức độ Hội thánh vẫn trung thành với kinh thánh.
Trên một mức độ khác, Hội thánh chấp nhận những giảng dạy không có trong Kinh thánh.
Kết quả cuối cùng là một nhà thờ nhận lời cảnh báo gay gắt từ Chúa.
Điều quan trọng hơn là không có Hội thánh nào có thể giữ mãi tình trạng thỏa hiệp như Hội thánh Bẹt-găm mãi mãi được. Chúng ta không thể giữ Hội thánh của Chúa mà chứa chấp những tín hữu đề cao những điều mà Chúa lên án hay kết tội. Cuối cùng các Hội thánh phải đi theo một con đường: theo Chúa hay theo Satan.
***
Trước 1974, một phần đất phía bắc của Úc châu thuộc gia tộc Aborigines rất mê tín dị đoan. Vùng đất này có rất nhiều con kiến màu xanh lá cây. Họ tin rằng những con kiến xanh này là loải thú thiêng liêng thuộc những Thần của dòng họ.
Một công ty chuyên về mỏ khám phá vùng đất đó có rất nhiều mỏ quặng Uranium rất quý. Công ty tiếp xúc với Aborigines để mua vùng đất này để khai thác nhưng họ không bán vì như họ nói: ” Nếu các ông khai thác mãnh đất này, các con kiến xanh linh thiêng, là thần của chúng tôi sẽ rủa sả chúng tôi, chúng tôi sẽ bị hạn hán thất mùa.
Và năm 1974, họ bán miếng đất đó cho công ty mỏ. Quý vị có biết cái gì khiến họ thay đổi ý kiến không? 8.3 triệu dollars! “Các con kiến đó có thể là thần của chúng tôi nhưng với 8.3 triệu đô la, chúng tôi có thể tìm chỗ khác để sống mà! ”
Tôi biết có rất nhiều Cơ đốc nhân sẵn sàng bán Chúa của mình với giá rẽ hơn 8.3 triệu đô la.
***
“ Hãy ăn năn đi, bằng chẳng, ta sẽ đến mau kíp cùng ngươi, lấy thanh gươm ở miệng ta mà giao chiến cùng chúng nó.”
Câu Kinh văn này đưa ra một câu hỏi quan trọng: Ai là người phải ăn năn ? Dĩ nhiên, những giáo sư giả, dạy những gì không có trong Kinh Thánh phải ăn năn nếu không muốn bị hình phạt đời đời. Nhưng ở đây, lời của Chúa Jesus ám chỉ cả Hội thánh chứa chấp tinh thần thỏa hiệp, cởi mở, phớt lờ những tội lỗi.
Nếu Hội thánh của chúng ta được tiếng là bất cứ ai cũng được mời làm hội viên, chào mừng tất cả mọi ý kiến thì phải coi chừng. Chúa Jesus đã nói:” Ta sẽ đến lấy thanh gươm ở miệng mà chống lại”
Hội thánh không phải là một tổ chức cộng đồng hay Hội đoàn. Lời của Chúa Jesus phải được nghiêm chỉnh thi hành. Phải có đủ can đảm để đương đầu với những chống đối của cộng đồng, của truyền thống, của văn hoá. Chúng ta phải bước xa hơn để tuyên bố rằng Hội thánh sẽ không tha thứ cho những ai đe dọa tính chất thuần nhất, thánh hóa của Hội Thánh. Đừng dùng giải pháp chính trị được gọi là khôn ngoan như thỏa hiệp để làm vui lòng mọi người. Hội thánh chỉ có mục đích duy nhất là làm vui lòng Chúa mà thôi
Chúng ta không thể giúp những người có tội bằng cách nói tội của họ không phải là tội. Chúa Jesus đến thế gian để cứu người có tội mà bây giờ Hội thánh không thấy không tin là thế gian còn có người có tội nữa thì Hội thánh không còn có gì để cung cấp cho thế gian .
Ở đâu tội lỗi không được quan tâm tới hoặc được đổi tên hoặc được Hội thánh Chúa quay mặt làm ngơ thỏa hiệp, tôi sẽ nói Hội thánh đó đang tự hủy diệt
Xin Chúa giúp chúng ta đứng vững với Phúc âm trong thời đại mà đâu đâu cũng coi sự thỏa hiệp là khôn ngoan.
Nếu mọi người gọi Cơ đốc nhân là hẹp hòi, chúng ta hãy coi đó là một lời khen và tiếp tục cuộc hành trình.
Chân lý của Đức Chúa Trời luôn luôn hẹp còn ân sủng của Thiên Chúa luôn luôn rộng.
Amen.
|