“Chịu thương khó dưới tay Bôn xơ Phí Lát”
MỘT BIẾN CỐ VĂN HÓA
Tháng 2, 2004 , cuốn phim “ The Passion of the Christ” của Mel Gibson tung ra thị trường. Các đài truyền hình, truyền thanh Hoa kỳ và thế giới đua nhau nói ,viết về Chúa Jesus. Đài CBS , đài NBC, ABC, Fox News Channel CNN tất cả đều nói về Chúa Jesus. Tôi coi phim này trên CNBC. Hôm đó đài không nói về stocks & bonds, không chiếu những shows thường lệ, cả buổi chiều họ nói về Chúa Jesus và trọng tâm là tại sao Chúa Jesus chết trên cây thập tự.
Mel Gibson đã chi $45 triệu để thực hiện và quảng cáo cuốn phim này. Trong tuần lễ đầu tiên trình chiếu, số thu đã lên đến $83,848,082. Tổng số thu tại Hoa lỳ là $370,782,930 và khắp thế giới là $611,899,420.
Tôi xem cuốn phim này hai lần và không lần nào tôi coi trọn cuốn. Phim quá dã man, tàn bạo. Chúa Jesus đầy máu. Phim này rất thành công về nhiều khía cạnh: tài chánh, kỹ thuật, nghệ thuật và cốt chuyện . Phim này thành công trong việc trình bày cho nhân loại thấy sự xấu xa của con người khi mang chúa Jesus lên cây thập tự để Ngài gánh chịu tội lỗi của thế gian. Cuốn phim cho người xem thấy sự đắc thắng sau cùng. Không phải Phi lát đắc thắng, không phải các lãnh đạo Do Thái đắc thắng . Không ai cất lấy sự sống của Ngài. Chính Ngài tự nguyện từ bỏ nó, từ giã cõi đời để trở về thiên đàng ngồi bên hữu Chúa Cha. Chính Chúa Jesus đã đắc thắng.
Một số người cho rằng đạo diễn cố tình cho khán thính giả thấy người Do Thái đã giết Chúa Jesus. Do Thái không cấm chiếu nhưng không có hãng nào nhận làm đại diện để phân phối. Trước khi cuốn phim này ra đời, nhiều người sau khi đọc câu chuyện Chúa Jesus bị đóng đinh trong các sách Phúc âm cho chúng ta có một cảm nghĩ rằng người Do Thái đã giết Chúa Jesus. Toà Công luận, dân chúng Jerusalem đã tìm cách giết Chúa Jesus.
Một quyển sách “ Christ-Killers Past and Present’ tác giả là Jacob Gartenhaus, chứng minh người Do Thái không góp phần đóng đinh Chúa Jesus.
Nếu không phải họ thì ai đã giết Jesus?
Bài “Tín điều các sứ đồ” trả lời câu hỏi này.
BÀI TÍN ĐỀU CÁC SỨ ĐỒ
Trước khi đi vào nội dung của bài chia sẻ này, tôi xin nói sơ lược về bài “ Tín điều các sứ đồ”
Nguồn gốc của bà “ Tín điều Các Sứ Đồ” không rõ ràng. Đa số học giả cho rằng, bài tín điều này xuất hiện từ thể kỷ thứ nhất và nó ảnh hưởng đến Hội nghị tại Nicaea và bài tín điều Nicene.
Năm 325 SC, Hội đồng Giáo hội Thiên Chúa giáo họp tại Nicaea -hiện nay là Iznik, Thổ nhĩ kỳ quyết định công nhận chính thức bản tín điều – gọi là Tín điều Nicene để tóm lược niềm tin cho tất cả con dân Chúa.
Bản nguyên thuỷ của bài tín điều Nicene chấm dứt ở “Tôi tin Đức Thánh Linh” và mãi đến 391 người ta mới thêm phần sau.
Trước thế kỷ thứ 15, người ta tin rằng mười hai sứ đồ là tác giả của “Bài Tín Điều Các Sứ Đồ.” Huyền thoại cho rằng mỗi sứ đồ đóng góp một câu để làm ra bài Tín Điều gồm có 12 câu như sau:
1. Tôi tin Đức Chúa Trời Toàn Năng là Cha, là Đấng dựng nên trời đất.
2. Tôi tin Giê-su Christ là Con độc sinh của Đức Chúa Trời, và Chúa chúng ta.
3. Ngài xuống thế làm người bởi Thánh Linh.
4. Sanh bởi nữ đồng trinh Ma-ri.
5. Chịu thương khó dưới tay Bôn-xơ Phi-lát.
6. Bị đóng đinh trên thập tự giá.
7. Chịu chết và chôn.
8. Ngài xuống âm phủ.
9. Đến ngày thứ ba, Ngài từ kẻ chết sống lại.
10. Ngài thăng thiên, ngồi bên hữu Đức Chúa Trời toàn năng là Cha.
11. Từ đó, Ngài sẽ trở lại để xét đoán kẻ sống và kẻ chết.
12. Tôi tin Đức Thánh Linh. Tôi tin Hội Thánh phổ thông, sự cảm thông của thánh đồ, sự tha tội, sống lại của thân thể và sự sống đời đời.
Sau thế kỷ thứ 15, người ta cho rằng các Giáo Phụ (The Church Fathers) ở vào thế kỷ thứ hai đã viết ra “Bài Tín Điều Các Sứ Đồ” nhằm tóm lược các giáo lý căn bản của sứ đồ dạy dỗ.
Các Hội thánh đầu tiên dùng “Bài Tín Điều Các Sứ Đồ” để dạy đạo cho những tín hữu sắp sửa nhận báp-têm.
Giáo Hội Báp-tít không dùng “Bài Tín Điều Các Sứ Đồ” hay bất cứ bài tín điều nào khác. L ý do: Trước đây, khi ngành ấn loát chưa có, Kinh Thánh viết bằng tay, không phổ biến rộng rãi nên người ta dùng bảng tóm lược các tín lý thành bài Tín điều. Bây giờ thì khác hẵn. Các Giáo hội này cho rằng Kinh Thánh đã bày tỏ đầy đủ các giáo lý cần thiết để giáo hữu tin theo. Không có cá nhân tín hữu nào bị ràng buộc phải tin theo các bài tín điều của các Giáo hội đặt ra.
Chúng ta không dùng những tín điều do loài người lập ra như một loại Kinh. Nếu là tóm lược những gì Kinh Thánh viết để dễ nhớ thì tốt nhưng nó cũng chỉ là một tài liệu học tập hơn là tín điều của Cơ đốc nhân.
Dĩ nhiên Bài tín điều này có vài chỗ cũng có tranh cải như câu: “Ngài xuống âm phủ”.(he descended to the dead).
Nghiên cứu Bài tín điều của các sứ đồ ẽ giúp trả lời ai giết Chúa Jesus về mặt lịch sử. Sau đó tôi sẽ trình bày thêm hai phương diện khác là : thần học và tối thượng.
I. VỀ MẶT LỊCH SỬ
Tôi tin Giê-su Christ là Con độc sinh của Đức Chúa Trời, và Chúa chúng ta.
Sanh bởi nữ đồng trinh Ma-ri.
Chịu thương khó dưới tay Bôn-xơ Phi-lát.
Bị đóng đinh trên thập tự giá.
Điều làm tôi rất ngạc nhiên là trong bài Tín Điều này, tác giả đã ghi rằng Chúa Jesus “sanh bởi nữ đồng trinh Mari” rồi thẳng đến sự chết của Ngài, không đề cập đến gì cả giữa hai biến cố đó.
Họ không nói đến những phép lạ, những bài giảng đầy giá trị của Chúa Jesus, Không có một lời về hiện tượng Chúa đi trên biển, Chúa trị lành bệnh hay những lần đối thoại với người Pharasi. Mục tiêu của tác giả bài Tín Điều là để dạy chúng ta rằng Chúa sanh ra để chết.
Chữ “ chịu thương khó” (suffered ) tóm tắt tất cả những sự xảy ra trong thời gian từ ngày sanh đến ngày chết. Cuộc đời của Chúa Jesus là “chịu thương khó” . Vì vậy chúng ta cũng không nên ngạc nhiên rằng cả quyển kinh thánh không bao giờ ghi lại có lần Chúa Jesus cười. Tôi tin rằng Chúa Jesus có cười đùa vui vẻ nhưng các sách Phúc âm không có câu nào mô tả Chúa Jesus như vậy.
Ê-sai 53:3 gọi Chúa là “ Người đã bị người ta khinh dể và chán bỏ, từng trải sự buồn bực, biết sự đau ốm, bị khinh như kẻ mà người ta che mặt chẳng thèm xem; chúng ta cũng chẳng coi người ra gì. 4 Thật người đã mang sự đau ốm của chúng ta, đã gánh sự buồn bực của chúng ta; mà chúng ta lại tưởng rằng người đã bị Đức Chúa Trời đánh và đập, và làm cho khốn khổ.
- Khi sanh ra, Chúa bị vua Hê rốt tìm giết phải ty nạn sang Ai cập.
- Khi bắt đầu mục vụ, Chúa bị dân trong làng tấn công.
- Khi đến giờ phải chết, Ngài vị môn đồ phản bội, môn đồ từ chối, môn đồ bỏ chạy.
Sự đau đớn không bắt đầu từ cây thập tự nhưng sự đau đớn dẫnNgài đến cây thập tự.
- Tại sao trong tín điều các sứ đồ chỉ nhắc đến một mình Phi lát “ bị thương khó trong tay Bôn xơ Phi lát”?
- Tại sao không nói đến Cai -phe, vua Hê rốt hay môn đồ phản Chúa Giu đa hoặc lính La mã hoặc đám đông?
- Chỉ Phi lát có thẩm quyền về sống hay chết
Trong màn ảnh, Mel Gibson trình bày Chúa Jesus vừa bị đánh roi đau đớn, đứng trước Phi lát, đầu máu, da thịt rách nát, hai mắt bị sưng vù. Bộ mặt của Ngài không còn là mặt của con người nữa. Phi lát nhìn ngại ngùng, thương hại. Ông muốn nói với Chúa Jesus rằng “ Người biết không, ta có quyền ban sự chết hay sự sống cho n gười” .
Điều này không quá đáng. Đó là sự thật. Y là Tổng đốc La mã của xứ Giu đa này. Chỉ một mình hắn ta có quyền ban án tử hình.
Dù các lãnh tụ Do Thái muốn Chúa Jesus chết nhưng Chúa Jesus sẽ không chết nếu Phi lát không chấp nhận.
Vì vậy, cuối cùng Phi lát là người chịu trách nhiệm về sự sống chết của Chúa Jesus. Nếu các vị trong tòa Công luận là kẻ nạp đạn vào nòng súng thì Phi lát là người bóp cò.
Cuối cùng Phi lát “ … giao Ngài cho chúng đặng đóng đinh trên thập tự giá. Vậy, chúng bắt Ngài và dẫn đi ”Giăng 19:16
- Phi lát biết Chúa Jesus vô tội
Trong sách Phúc âm, Phi lát hiện ra như một người biết Chúa Jesus vô tội nhưng hèn nhát không dám thả tự do . Ba lần Phi lát nói: “Người này vô tội” Phi lát biết Chúa Jesus không phạm tội để phải bị xử chết . Nhưng như những chính trị gia thường gặp phải, ông ta bị kẹt giữa hai áp lực: chân lý và thế lực.
Ông đang gặp áp lực từ La mã và dân Giu đa. Ông vấp những lỗi lầm mà dân Giu đa có thể trình tâu lên Hoàng đế La mã và ông có thể bị mất chức nên ông phải thỏa mãn dân Giu đa lần này. Dân chúng Giu đa dưới sự lãnh đạo của thầy tế lễ cả muốn Jesus phải chết.
Ông biết được vấn đề. Ba lần kết luận” Người này không có tội gì cả” nhưng ông không dám quyết định. Ông chần chờ , trước khi ông có quyết định cuối cùng ông đã hỏi ý kiến của vợ ông, Claudia. Chắc chắn vợ ông biết được chân lý trong vụ này là gì nên bà ấy khuyên chồng: “Đừng làm gì đến người công bình đó”.
- Vai trò nhân chứng lịch sử
Trong nhãn quang chính trị, Pontius Pilate chỉ là một nhân vật tầm thường trong đế quốc La-mã. Tổng đốcGiu đa không thể được xem như Thống đốc Texas hay California. Thống đốc Giu đa tương đương với tổng đốc tiểu bang N Dakota. Ông Phi lát chỉ có hai nhiệm vụ: thu thuế và giữ mọi việc suông sẻ. Phi lát đang gặp khó khăn với các lãnh đạo Do Thái và ông đang muốn lấy lòng họ. Đối với Hoàng đế La-mã, Phi Lát hay xứ Giu đa này không quan trọng. Nó chỉ là một phần nhỏ trong đế quốc rộng lớn ở vùng Địa Trung Hải. Thếnhưng tại sao bài Tín điều nhắc đến tên ông?
Tác giả muốn đánh dấu biến cố này vào một thời điểm trong lịch sự loài người. Phi lát, một viên chức của chính quyền La mã nhúng tay vào bản án này. Điều này chứng tỏ câu chuyện xảy ra thật sự không phải chỉ có người Do Thái chứng kiến mà người La mã, binh sĩ La mã, Tổng đốc La mã chứng kiến.
II. VỀ MẶT TÂM LINH
Việc Phi lát là người có trách nhiệm nhiều nhất về cái chết của Chúa vẫn còn tranh cãi. Các sách Phúc âm đều cho biết có nhiều người liên quan đến cái chết này.
Có một điều ít ai biết về cuốn phim”The Passion of Christ”.
Mặc dù Mel Gibson bỏ tiền, đạo diễn và trực tiếp sản xuất cuốn phim này, ông ta chỉ xuất hiện trong cuốn phim dài 126 phút này chỉ một lần mà thôi. Khi Chúa Jesus bị đóng đinh trên cây thập tự, có một bàn tay đàn ông xuất hiện, nắm giữ cây đinh để trên cuờm tay của Chúa để các binh sĩ đóng xuống. Bàn tay cầm cây đinh đó là bàn tay của Mel Gilson. Ông chỉ xuất hiện một lần và nắm tay đó là của ông ta. Ông ta muốn làm công việc đó để thế giới biết rằng chính tội lỗi của ông đã đóng đinh Chúa trên cây thập tự. Ông đã tiết lộđiều này trong cuộc phỏng vấn của bà Diane Sawyer, khi bà hỏi”” Ai đã giết Chúa Jesus” và ông trả lời:” Chúng ta đã làm việc đó.”
Hãy đọc lại lời cổ xưa của tiên tri Ê-sai 53:4-5 :.
Thật người đã mang sự đau ốm của chúng ta, đã gánh sự buồn bực của chúng ta; mà chúng ta lại tưởng rằng người đã bị Đức Chúa Trời đánh và đập, và làm cho khốn khổ. 5 Nhưng người đã vì tội lỗi chúng ta mà bị vết, vì sự gian ác chúng ta mà bị thương. Bởi sự sửa phạt người chịu chúng ta được bình an, bởi lằn roi người chúng ta được lành bịnh.
Bảy lần, tác giả dùng chữ “chúng ta” . Trong đó Ê-sai nói đến “ sự đau ốm, sự buồn bực, tội lỗi, gian ác “ của chúng ta , Chúa đã mang trên người để bước lên đồi Gô gô tha và bị treo trên cây thập tự.
Bản thánh ca “ THÁNH THỦ CHÚA” #95 nguyên là một bài thư tiếng Latin của giám mục Bernard of Clairvaux (1091-1153), nhưng sau này có người cho là của Arnulf of Louvain (chết 1250) mô tả 7 nơi trên cơ thể của Chúa bị tả tơi : chân, đầu gối, bàn tay, sườn, ngục, tim, mặt
Bài thơ này được chuyển sang Đức ngữ bởi ông Paul Gerhardt (1607-1676). Mặc dù ông dịch toàn bộ bài thơ nhưng khi phổ nhạc , ông chỉ dùng những câu thơ được nhiều người ưa thích và chúng ta có bản thánh ca hiện nay là từ nhạc sĩ người Đức này.
Trong lời 2 của bản nhạc này, ông liên kết tội lỗi của chúng ta với cái chết của Đấng Christ.
Rất tiếc bản dịch tiếng Việt hoàn toàn không diễn tả được lời thơ này.
Hầu hết chúng ta nghĩ rằng mình là người tốt, hay ít ra cũng tốt hơn nhiều người. Đó là sự thật! Chúng ta không làm những việc tầy trời như một số người khác. Nhưng bàn tay mình, đầu óc mình, miệng lưởi mình không sạch như mình tưởng. Chúng ta vẫn còn phạm tội.
Chúng ta vẫn còn giận anh em mình, bực tức anh em , chê trách người khác Chúng ta đối xử nhau không đồng đều.
Chúng ta đều cầm đinh đóng trên tay Ngài như Mel Gibson.
Trên đồi Sọ, tất cả những việc làm tốt của chúng ta đều vô nghĩa , chỉ là những tấm vải dơ bẩn.
Do đó chúng ta thấy những Cơ đốc nhân vĩ đại nhất thường xưng tội mình hơn người bình thương. Càng gần Chúa, càng thấy tôi lỗi của mình.
Ê-sai 53 gồm những tin tức mà chúng ta cần biết.
- Ngài bị bầm dập vì chúng ta,
- Ngài bị thương tích vì chúng ta,
- Ngài bị đánh, chưởi rủa, phản bội, nhiếc móc, mang gai trên đầu tất cả cũng vì chúng ta.
Chính vì tôi và vì quý vị mà Ngài phải đến đồi Gôgôtha. Ngài tình nguyện làm như vậy. vì tình thương mà Ngài tự nguyện đến đó.
Hãy nhớ đến câu kinh văn Ê-sai 53:6 : “Chúng ta thảy đều như chiên đi lạc, ai theo đường nấy; CHÚA đã chất trên Người tội lỗi của tất cả chúng ta” .
Chú ý câu này bắt đầu từ” chúng ta” và chấm dứt bằng”chúng ta”.
“ Chúng ta” thứ nhất là chúng ta là tất cả tội nhân
“ Chúng ta” sau cùng là Chúa đã trả giá cho tất cả chúng ta.
III. THỦ PHẠM CHÍNH
Chúng ta vừa phân tách, theo phương diện lịch sử, Phi Lát là trách nhiệm về cái chết của Chúa Jesus. Nhưng về phương diện tâm linh, thần học, chính tội lỗi của chúng ta là thủ phạm của các chết này. Vậy, câu hỏi, thật ra, trách nhiệm tối hậu của án mạng này thuộc về ai? Câu trả lời có thể làm chúng ta ngạc nhiên.
Theo Kinh Thánh, Đức Chúa Trời chịu trách nhiệm vể cái chết của Con mình. Điều này được ghi trong Ê sai 53:10 :
Dầu vậy CHÚA đã vui lòng để cho Người chịu tan da nát thịt;
Ngài đã để cho Người mang lấy đau đớn sầu khổ,
Hầu sau khi Người đã dâng mạng sống mình làm của lễ chuộc tội,
Người sẽ thấy được dòng dõi của mình, và đời Người sẽ dài ra.
Nhờ tay Người, thánh ý của Ðức Chúa Trời sẽ thành tựu.
Một sự thật không thể chối cãi: Chúa Jesus chết vì Đức Chúa Cha muốn như vậy. Dự thống khổ mà Chúa Jesus trải qua không xảy ra tình cờ hay nó xảy ra vì cac lãnh tụ Do Thái muốn hay vì sự nhu nhược của Phi Lát. Đàng sau những hành động ác độc của những con người xấu xa đó là bàn tay của Đức Chúa Trời. Chính Đức Chúa Trời mang Chúa Jesus trên cây thập tự.
Có người hỏi tôi rằng tôi hiểu cái chết của Chúa Jesus theo quan niệm của trường phái “Arminian” hay “Calvinist.”
- Đức Chúa Trời có ý định gởi Con Trai của Ngài là Chúa Jesus làm Cứu Chúa của chúng ta nhưng rồi con người vì có tự do mà Chúa Jesus phải chấm dứt trên cây thập tự ?
- Đức Chúa Trời đã có trước một chương trình kể cả việc chịu thương khó, bị từ chối, bị ghen ghét, đánh đập dã man và đổ huyết chết trên cây thạp tự ?
Tôi trả lời ngay rằng tôi tin vào giả thuyết thứ hai – Không có điều gì xảy ra cho Chúa Jesus mà không do Đức Chúa Trời chủ trương. Những gì xảy ra như chịu đau đớn đã xảy ra tình cờ. Cái chết của Chúa Jesus là ý kiến của Đức Chúa Trời.
NGƯỜI TÒNG PHẠM
Tại sao Chúa Jesus nhận cái chết này? Chúa đã trả lời trong Giăng 10:17-18
Cha đã yêu thương Ta chính vì Ta chịu hy sinh tính mạng, rồi sau được lấy lại. Không ai cướp nổi mạng sống Ta, nhưng chính Ta tự hiến. Ta có quyền hy sinh tánh mạng và có quyền lấy lại. Đây là mạng lệnh Ta nhận từ Cha Ta.
Nếu Đức Chúa Trời không muốn con mình chết,
nếu Chúa Jesus không chịu hy sinh mạng sống của mình ,
tất cả quân sĩ La mã cũng không thể giết Chúa Jesus được.
Như vậy chúng ta thấy những chân lý như sau:
- Đức Chúa Trời đặt chương trình cứu chuộc
- Chúa Jesus tự nguyện thực hiện
- Hê rốt, Phi Lát, Caiphe… là những diễn viên trong bi kịch
Có những hành động xấu xa như vậy mà chương trình cứu chuộc nhân loại được thực hiện. Tội lớn nhất sinh ra ân điển lớn nhất ban cho loài người.
TỘI LỚN NHẤT
Tội lớn nhất trên thế gian là tội đóng đinh Chúa Jesus trên cây thập tự. Nhưng nhờ đó mà huyết của Chúa được đổ ra để mở cửa thiên đàng cho bất cứ ai muốn vào
Tôi muốn hỏi một câu hỏi cá nhân. Tội lớn nhất của chúng ta, mỗi vị là gì?
Không ai trong chúng ta dính dáng vào việc đóng đính Chúa Jesus. Nó đã xảy ra hơn 2,000 năm rồi . Chúng ta không thể tái tạo cảnh trên đồi Go gô tha được. Chúa Jesus cũng cần chết một lần cho cả nhân loại.
Mặc dù bản nhạc “xin đừng đóng đinh Chúa thêm một lần “ rất cảm động vì nó đánh vào tâm trạng yếu kém đức tin của mình ,tiếp tục vấp phạm của mình nhưng nói theo nghĩa đen thì chúng ta không thể vấp vào tội này được.
Vậy thì tội lớn nhất của chúng ta là khi chúng ta có tư tưởng: “ Tôi biết những điều Chúa đã làm cho loài người nhưng không liên hệ gì đến tôi cả” Điều này có nghĩa là Chúa chết mặc Chúa, không can hệ gì đến tôi.
Họ là những người này phủ nhận hành động của Chúa Jesus . Ngài đã mua với một giá quá cao là tự đặt mình vào mộ của chúng ta .
Thi sĩ W. H. Auden có lần đã tưởng tượng là nếu ông có mặt trong ngày Thứ Sáu thương khó đó, ông sẽ làm gì, sẽ giống ai?
Rồi ông trả lời không ai thấy mình giống như các môn đồ hoảng sợ bỏ chạy, cũng không thấy mình quan trọng để có thể giống như vua Hê rốt hay thống đốc Phi Lát hay thành phần của Tòa Công Luận và cũng không ai muốn mình là phần tử trong nhóm dân hô hào giết Chúa. Rồi ông thấy mình như một người Do Thái Hêlênít từ Ai cập trở về trong lòng hân hoan thăm bạn bè và thảo luận hăng say về triết lý của cuộc đời, làm sao để sống thành công, làm sao có đời sống hạnh phúc . Vừa đi vừa tranh luận rồi dẫn đến đồi Gô gô tha và chứng kiến cảnh ba tử tội trên ba cây thập tự bao quanh là một đám đông la ó , cổ võ. Chău mày trước cảnh tượng dã man, tôi nói:” Tôi kinh tởm trước phản ứng của đám dân này. Tại sao chính quyền không thi hành bản án nhân đạo hơn như cho họ uống thuốc độc như đã áp dụng cho Socrate ?” Rồi tôi vô tư tiếp tục bàn bạc thảo luận về bản chất của Chân Thiện Mỹ
(Cited by Rod Dreher, National Review Online)
- Chúng ta không dã man như các người lính La mã,
- chúng ta không điên cuồng như đám đông.
- Chúng ta cũng không ỡm ờ như Hêbrốt hay lưỡng lự như Phi Lát .
Chúng ta giống thành phần có học nhìn thấy những cảnh khổ đau và khó chấp nhận nhưng chúng còn tệ hơn Phi lát, Hê rốt hay Cai-phê. Bởi vì ít ra họ cũng đứng về một phe. Còn chúng ta, chúng ta không muốn liên hệ đến, dính dáng đến
TÔI ĐÃ ĐÓNG ĐINH CHÚA JESUS
Tôi vào computer, mở máy xem một lần nữa cuốn phim của Ml Gibson. Tôi muốn đóng vai trò của thi sĩ Auden, bước lên đồi Gô gô tha nhìn cảnh tượng Chúa Jesus và hai tên cướp bị đóng đinh và đám đông, binh sĩ ồn ào la ó điên cuồng pha với máu chảy trên đồi. Cảm tưởng của tôi trong vị thế chứng kiến cảnh tượng này, tôi sẽ nghĩ thế nào.
Tôi suy nghiệm ba điều:
- Trước nhất, đây là cảnh tượng quá khủng khiếp, dã man.
- Thứ hai, tôi thật sự cảm động khi thấy Chúa Jesus cầu nguyện với Chúa Cha vì Chúa Jesus biết những điều đang xảy ra cho mình đã được định trước từ buổi sáng thế. Là một con người, Ngài tranh đấu. Là Con của Đức Chúa Trời Ngài thi hành theo ý muốn của Chúa Cha.
- Thứ ba, tôi thấy tôi có tội và tội đó đã mang Chúa Jesus lên cậy thập tự.
Ngài ở đó vì tôi đặt Ngài lên trên cây thập tự đó.
Tôi không thể là một người vô tư, đứng ngoài, không dính dáng gì với cái chết của Chúa.
Máu trên cây thập tự là máu của Đức Chúa Trời. Máu này có giá trị bôi xóa tội lỗi của ai tin Ngài.
Bắt đầu cuốn phim là hàng chữ trích ra từ Ê-sai 53:5 “ Người đã vì tội lỗi chúng ta mà bị vết, vì sự gian ác chúng ta mà bị thương. Bởi sự sửa phạt người chịu chúng ta được bình an, bởi lằn roi người chúng ta được lành bịnh.
Đó là thông điệp từ đồi Gô gô tha phát ra cùng thế giới : không có tội nào lớn đối với Chúa và không có hành vi xấu xa nào mà không thể tẩy xóa bởi huyết của Chúa Jesus.
Có một bà khi xem cuốn phim này xong buộc miệng bình phẩm: “ Không xứng đáng” Mọi người ngạc nhiên hỏi lại” không xứng đáng với cái gì chớ? Bà trả lời: “ Tôi không xứng đáng với sự hy sinh tột bực của Chúa Jesus. Biết được như vầy thì thông điệp của Chúa Jesus đã chạm vào gia đình này rồi.
Tôi cầu xin Chúa, câu chuyện Chúa Jesus bị đóng đinh trên cây thập tự còn chạm vào lòng quý vị để mọi người còn có cảm giác là mình “không xứng đáng” để Chúa phải chết đau đớn như vậy hầu cho chúng ta không còn tiếc rẻ thì giờ, tiền bạc, sức lực cho điều Chúa muốn chúng ta phải làm khi còn sống ở thế gian.