Habacúc 1: 12 – 2:1 Hỡi Giê-hô-va, Đức Chúa Trời tôi, Đấng Thánh của tôi! Ngài há chẳng phải là từ đời đời vô cùng sao? Vậy chúng tôi sẽ không chết! Hỡi Đức Giê-hô-va, Ngài đã lập dân nầy đặng làm sự xét đoán của Ngài. Hỡi vầng Đá! Ngài đã đặt nó đặng làm sự sửa phạt! 13 Mắt Chúa thánh sạch chẳng nhìn sự dữ, chẳng có thể nhìn được sự trái ngược. Sao Ngài nhìn xem kẻ làm sự dối trá, khi kẻ dữ nuốt người công bình hơn nó, sao Ngài nín lặng đi? 14 Sao Ngài khiến loài người như cá biển và như loài côn trùng vô chủ? 15 Nó đã dùng lưỡi câu móc lấy cả, thâu góp trong chài mình, và nhóm lại trong lưới mình, vậy nên nó vui mừng và lấy làm thích. 16 Vì cớ đó, nó dâng tế cho lưới, đốt hương cho chài, bởi chưng nó nhờ đó mà được phần béo tốt và của ăn dư dật. 17 Có lẽ nào nó cứ đổ lưới mình ra đặng làm sự giết lát các dân không hề thôi sao?
Trong lần chia sẻ tuần trước về sách Habacuc đoạn 1, tôi có 4 kết luận:
Thứ nhất – Mọi sự xảy ra trên thế giới đều dưới sự kiểm soát của Đức Chúa Trời.
Thứ hai – Mọi sự xảy ra theo kế hoạch của Đức Chúa Trời.
Thứ ba – Mọi sự xảy ra theo định kỳ của Đức Chúa Trời.
Thứ tư – Mọi điều xảy ra đều hướng về vương quốc của Đức Chúa Trời.
Câu hỏi được đặt ra là
Nếu Chúa kiểm soát tất cả, Mọi việc xảy ra đều nằm trong chương trình của Chúa, Chúa có thời khắc biểu của Chúa thì sự cầu nguyện của tôi còn có tác dụng gì không? Nghĩa là sự cầu nguyện của chúng ta có ích lợi gì đâu? Do đó chúng ta có cần cầu nguyện không?
Tôi nghĩ trong quý ông bà anh chị em trong Hội Thánh chắc cũng có người thắc mắc như vậy vì thật ra, tôi cũng đã có lần vật lộn với câu hỏi này. Tôi nghĩ có lẽ tôi cần chia sẻ với Hội Thánh những suy nghĩ của tôi.
Ngoài ra, còn có những lý do khiến chúng ta tự hỏi sự cầu nguyện có cần thiết hay không?
- Đức Chúa Trời biết tất cả.
Chúng ta gọi Ngài là Đấng Toàn Tri , tức là cái gì cũng biết. (omniscience). Vì Ngài là Thượng Đế nên Ngài biết hết thảy – quá khứ , hiện tại , tương lai và Ngài biết cùng một lúc. “ Ngài đếm số các vì sao, Gọi từng tên hết thảy các vì ấy. Chúa chúng tôi thật lớn, có quyền năng cả thể; Sự thông sáng Ngài vô cùng vô tận.” Thi-thiên 147:5
Vả lại trong Mathiơ 6:8 , Chúa Jesus phán: “Vậy, các ngươi đừng như họ; vì Cha các ngươi biết các ngươi cần sự gì trước khi chưa xin Ngài”.
Vậy tôi có cần phải mở miệng mà cầu xin không?
- Đức Chúa Trời đã từng hứa sẽ quan phòng dân sự của Ngài.
Tôi còn thấy hơn điều này nữa. Đó là Ngài hứa là sẽ sẵn sàng ban điều cần cho chúng ta . Trong Phi-líp 4:19, Phao-lô bảo đảm rằng :“ Đức Chúa Trời tôi sẽ làm cho đầy đủ mọi sự cần dùng của anh em y theo sự giàu có của Ngài ”
Điều này diễn tả câu Thi Thiên 23: 1: “Đức Giê-hô va là Đấng chăn giữ tôi, tôi sẽ chẳng thiếu thốn gì”
Đa-vít cũng viết trong Thi 34:9 : “ Hỡi các thánh của Đức Giê-hô-va, hãy kính sợ Ngài; Vì kẻ nào kính sợ Ngài chẳng thiếu thốn gì hết.
Cả quyển Kinh Thánh dạy chúng ta rằng Đức Chúa Trời là Đấng cung cấp vì Ngài có tên Giê-hô-va Di-rê nghĩa là Đức Chúa Trời sắm sẵn (Sáng 22:14).
Vậy tôi có cần phải mở miệng mà cầu xin không?
ĐẶT LẠI VẤN ĐỀ
Tôi muốn trở lại câu hỏi “ Nếu Chúa biết tất cả trước khi chúng ta cầu nguyện và nếu thật sự Ngài muốn cung cấp mọi điều chúng ta cần dùng thì tại sao chúng ta còn phải cầu nguyện. Có phải là mâu thuẫn và cầu nguyện là làm một việc không cần thiết hay không ?
Hay nói cách khác là : Nếu Chúa đã định trước mọi sự, Ngài muốn làm hay không muốn làm đều đã được Ngài tính trước cả rồi thì dù chúng ta có cầu xin hay không chẳng có hiệu lực gì cả và như vậy cầu nguyện là một hành động vô ích hay sao ?
Như vậy, khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta nói chuyện với Chúa không phải để báo cho Chúa biết những tin tức mà Ngài chưa biết. Vì Chúa đã biết tất cả rồi. Ngài là Đấng Toàn tri, toàn năng mà.
Kinh Thánh cho chúng ta biết Ngài biết số sao trên trời, cát ngoài bờ đại dương và bao nhiệu sợi tóc trên đầu chúng ta . Ngài có thể gọi các sao trời bằng tên của nó (Thi 147:4).
Nếu Đức chúa Trời biết cả, quý vị có nghĩ rằng Chúa sẽ ngạc nhiên khi quý vị cho Chúa biết lá gan của mình bị ung thư không? Quý vị có nghĩ rằng Chúa không biết quý vị đang gặp một ông chủ khó chịu hay đang cần tiền để đi về Việt Nam chơi không?
Nếu quý vị còn nghi ngờ tôi, mời quý vị đọc Thi Thiên 139: 1-4
Chúa biết khi tôi ngồi, lúc tôi đứng dậy; Từ xa Chúa hiểu biết ý tưởng tôi. Chúa xét nét nẻo đàng và sự nằm ngủ tôi, Quen biết các đường lối tôi. Vì lời chưa ở trên lưỡi tôi, Kìa, hỡi Đức Giê-hô-va, Ngài đã biết trọn hết rồi.
Vì vậy, khi cầu nguyện, tôi không cần cố công giải thích, nói thật hùng hồn hay đầy kịch tính, giải thích dài dòng để cho Chúa hiểu những gì mình đang cần.
Vậy mục đích của cầu nguyện không phải là trình bày cho Chúa biết tin tức.
Mục đích của sự cầu nguyện là:
A. CHÚNG TA CẦU NGUYỆN ĐỂ BÀY TỎ SỰ LỆ THUỘC VÀO CHA TRÊN TRỜI
Trong bài chia sẻ của R. C. Sproul, ông có nhắc lại một đoạn văn của John Calvin, một nhà cải cách Thần học vĩ đại. John Calvin cho rằng Chúa là Đức Chúa Trời, nên Chúa không cần sự cầu nguyện của chúng ta. Nhưng chính chúng ta cần nó. Chúa thích nghe chúng ta nói với Chúa vì vậy sự cầu nguyện không thêm được điều gì đối với Chúa nghĩa là Đức Chúa Trời không cần những điều chúng ta nói với Chúa nhưng Chúa vẫn khuyến khích chúng ta nói chuyện với Ngài.
Một thí dụ để giúp chúng ta hiểu rõ vấn đề này hơn.
Hình ảnh một người cha đang theo dõi đứa con gái 4 tuổi đang cố gắng chơi trò chơi ráp hình. Nó cố gắng, cố gắng nhưng không thể ráp cho trúng các miếng cho trúng chỗ. Người cha chăm chú nhìn nhưng không can thiệp. Cuối cùng, nó chạy đến, ôm cha cô và nan nỉ: “ Cha, giúp con đi. Con cố gắng nhưng hết cách rồi” Người cha mĩm cười , và bước lại giúp con gái ráp lại những miếng hình nhỏ để hoàn thành một bức tranh đẹp.
Tại sao người cha không giúp con gái mình sớm hơn?
- Trước nhất, cô ta chưa nhờ cha giúp cô.
- Thứ hai, người cha muốn con mình gắng hết sức mình.
- Và cuối cùng người cha muốn con gái đích thân cầu xin mình giúp.
Tôi nghĩ đó là bức tranh của Cha chúng ta ở trên trời. Mặc dù Ngài sẵn sàng để giúp nhưng Ngài vẫn chờ đến khi chúng ta đích thân cầu xin. Có khi Ngài muốn chúng ta phải đi đến mức đường cùng trước khi Ngài can thiệp. Khi chúng ta khóc lóc cầu xin Chúa vì quá tuyệt vọng, đó là lúc chúng ta biết rằng mình lúc nào cũng lệ thuộc vào Chúa.
Lời câu xin là tiếng khóc của đứa con : “ Cha ơi! Giúp con. Con không thể có điều đó, nếu Cha không nhúng tay vào” .
B. CẦU NGUYỆN LÀ ĐỂ BÀY TỎ ĐỨC TIN BỀN BỈ CỦA CHÚNG TA.
Tôi đã trình bày rằng từ khi Đức Chúa Trời đã biết những gì chúng ta cần trước khi chúng ta cầu xin. Nhưng điều đó chưa phải là một bức tranh toàn diện. Chúng ta ai ai cũng có kinh nghiệm bản thân là ít khi lời cầu xin của chúng ta được Chúa trả lời qua một lần cầu nguyện Thỉnh thoảng, chúng ta nhận sự trả lời ngay nhưng thông thường thì chúng ta phải chờ đợi nhiều ngày, nhiều tháng và năm .
Chúng ta phải cầu xin cho đến bao giờ để những người thân yêu của chúng ta được cứu ? Câu trả lời của tôi thật giản dị. Chúng ta phải cầu nguyện cho đến khi nào Chúa trả lời. Quý vị còn nhớ câu chuyện người đàn bà và quan án không công bình trong Lu-ca 18:1-8 không ?
Người đàn bà đến quan án để xin cứu xét công bình mà phạt kẻ nghịch với bà. Vị quan từ chối nhưng bà ấy bền bỉ kêu nài, làm quấy rầy ông quan nên ông ta tự nhủ : “ dù ta không kính sợ Đức Chúa Trời, chẳng vị nểmột ai hết, song người đàn bà góa này khuấy rầy ta, ta sẽ xét công bình cho nó để nó không tới đây luôn làm cho ta nhức đầu” . Hãy nghe lời phán của Chúa Jesus qua câu chuyện này:
Vậy, có lẽ nào Đức Chúa Trời chẳng xét lẽ công bình cho những người đã được chọn, là kẻ đêm ngày kêu xin Ngài, mà lại chậm chạp đến cứu họ sao! (Lu-ca 18:7).
Chúa Jesus không nói rằng Đức Chúa Trời giống như người quan không công bình nhưng nếu một người không công bình còn bị lay động bởi sự kiên trì, bền đổ của người goá phụ thì lòng của Đức Chúa Trời há lại không rung động với sự liên tục ngày đêm cầu xin vủa con dân Ngài hay sao?
Vâng. Tôi tin chắc chắn rằng sự bền lòng cầu nguyện sẽ lay động lòng của Đức Chúa Trời vì sự bền bỉ đó bày tỏ sự lệ thuộc vào Ngài của người nài xin. Phao lô nói “ cầu nguyện không thôi” qua lá thư gởi cho HT Tê-sa-lô-ni-ca (5:17)
Gia cơ đoạn 5 cho chúng ta một ví dụ thật xuất sắc về quyền năng của sự cầu nguyện. Ông viết: “ Ê-li vốn là người yếu đuối như chúng ta. Người cầu nguyện, cố xin cho đừng mưa, thì không mưa xuống đất trong ba năm rưỡi. Đoạn, người cầu nguyện lại, trời bèn mưa, và đất sanh sản hoa màu”
Tinh thần của ví dụ là câu 16 “ người công bình lấy lòng sốt sắng cầu nguyện, thật có linh nghiệm nhiều..
Nguyên gốc mà Gia-cơ dùng là chữ “ nấu sôi lên”mà chúng ta dịch là sốt sắng. Những tấm lòng sôi sùng sụt lên mà cầu nguyện sẽ làm Chúa xúc động bởi vì nó phát xuất từ những tấm lòng nóng cháy tin tưởng rằng Đức Chúa Trời có quyền năng vô giới hạn.
C. CHÚNG TA CẦU NGUYỆN VÌ CHUÁ LÀ ĐỨC CHÚA TRỜI CÒN CHÚNG TA THÌ KHÔNG .
Tất cả lời cầu nguyện đều dựa trên căn bản đơn giản này. Đức Chúa Trời điều khiển vũ trụ, chúng ta không là gì cả. Chúng ta cầu nguyện với Chúa vì Ngài chủ tể của muôn loài, chúng ta không ra gì cả.
Đây là bản chất quan trọng nhất của vấn đề cầu nguyện.
- Khi chúng ta không cầu nguyện, có nghĩa là chúng ta đã quên Đức Chúa Trời là ai
- Không cầu nguyện có nghĩa là chúng ta đang dùng sức mình giải quyết vấn đề của mình.
- CHÚNG TA CẦU NGUYỆN VÌ CHÚA JESUS DẠY CHÚNG TA CẦU NGUYỆN
Hôm qua, tôi có nói chuyện với một tín hữu cao niên và tôi có nói đến đề tài bài chia sẻ của tôi trong đó có câu hỏi” Tại sao Cơ đốc nhân cần cầu nguyện ?. Ông ta nhìn tôi và nói : “ Câu trả lời thật dễ ” rồi ông ta nói tiếp:” bởi vì Chúa chỉ thị chúng ta phải cầu nguyện.” Tôi nghĩ ông ta đúng và đó là câu trả lời chính xác. Chúng ta cầu nguyện với Đức Chúa Trời ba ngôi vì đó là điều mà Chúa Jesus muốn chúng ta làm và vì Chúa biết sự cầu nguyện có ích cho chúng ta.
Chúa Jesus dạy chúng ta cách cầu nguyện trong Ma-thi-ơ 6:5-15 . Trong Ma-thi-ơ 26: 36-46, Cầu nguyện với Chúa là điều Chúa Jesus dạy chúng ta phải làm và tôi nghĩ chúng ta cần theo gương cầu nguyện của Chúa Jesus. Ngài dạy chúng ta và chỉ cho chúng ta
Vấn đề lớn nhất của chúng ta là chúng ta không tin vào quyền năng của sự cầu nguyện nên không cầu xin. Kinh Thánh nói : Anh em chẳng được chi vì không cầu xin” (Gia-cơ 4:2 ).
Càng sống lâu, chúng ta càng khám phá ra kế hoạch của mình ít khi giống với chương trình của Chúa nhất là thời điểm của chúng ta và Chúa ít khi trùng hợp nhau.
Tôi nghĩ khi chúng ta cầu nguyện “Ý CHA ĐƯỢC NÊN” thì chúng ta đã biết được chân lý này. Nhưng thật ra không phải vậy. Và lòng chúng ta không muốn như vậy.
Đó là trường hợp của ông Habacúc.
Ông không thích câu trả lời mà ông nhận được.
Trước hết, ông nghĩ rằng Chúa nên bỏ qua những vấp phạm của dân Giu-đa
Thứ hai, ông nghĩ rằng Chúa không nên dùng dân Babylôn trừng phạt dân Giu-đa.
Và ông đã sai cả hai.
Thắc mắc của ông Habakkuk cũng là thắc mắc của chúng ta. Ông không sao hiểu được quan điểm của Đức Chúa Trời khi ông nhìn quanh thấy toàn là những điều không công bình. CS Lewis ghi nhận rằng sự đau khổ của loài người, sự bất công trong xã lội được người vô thần sử dụng như là vũ khi hữu hiệu nhất để tấn công niềm tin của Cơ đốc nhân.
Trong phần 2 của chương 1, tiên tri Habacuc có ba câu hỏi với Đức Chúa Trời và sau khi nhận ra câu trả lời,ông đã có những quyết định đáng học hỏi.
CÂU HỎI # 1: ĐỨC CHÚA TRỜI LÀ AI?
“Hỡi Giê-hô-va, Đức Chúa Trời tôi, Đấng Thánh của tôi! Ngài há chẳng phải là từ đời đời vô cùng sao? Vậy chúng tôi sẽ không chết! Hỡi Đức Giê-hô-va, Ngài đã lập dân nầy đặng làm sự xét đoán của Ngài. Hỡi vầng Đá! Ngài đã đặt nó đặng làm sự sửa phạt! (câu 12)
Chúng ta sẽ làm gì khi Chúa làm những việc xem qua thật vô lý?
Khi ông Habacuc được Chúa cho biết là dân Babylon tàn ác sẽ xâm chiếm xứ Giu-đa và không có điều chi có thể ngăn cản được, ông quay lại vấn đề căn bản.
Đó là Đức Chúa Trời là ai?
Hãy đọc kỹ lại câu 12, ông gọi Đức Chúa Trời qua những danh từ:
Đời đời vô cùng – Chúa là đấng cai tri hoàn vũ này
Đức Chúa Trời tôi – Chúa của Giu-đa
Đức Giê-hô-va – Chúa là Đấng Tạo Hóa
Đấng Thánh – Chúa là đấng thánh khiết, không chấp nhận tội lỗi
Vầng Đá – Chúa là nơi an toàn
Rồi ông đối chiếu:
Nếu ông không tin Chúa là đấng cai trị hoàn vũ này, ông nghi ngờ về tài năng quản trị của Đức Chúa Trời.
- Nếu ông không tin tình yêu của Chúa với dân tộc ông, ông nghi ngờ về tình yêu của Ngài.
- Nếu ông không tin Chúa là Đấng Tạo hóa, ông nghi ngờ về quyền năng của Chúa
- Nếu ông không tin Chúa là Đấng Thánh, ông nghi ngờ về sự công bình của Chúa
- Nếu ông không tin vào sự quan phòng của Chúa, ông nghi ngờ sự trọn lành của Chúa.
Câu hỏi không phải là :” Tôi có tin Chúa không?” mà đúng là “ Chúa mà tôi tin là Chúa như thế nào?”. Đó là câu hỏi thật quan trọng cho mọi người.
Một vị Mục sư kể lại rằng đứa con gái hai tuổi của ông té xuống hồ bơi . May là có người nhìn thấy nên đã cứu nó sống. Ông cảm tạ Chúa vô cùng về điều này và ông ghi trong hồi ký của ông để ông không quên ân phứơc lạ lùng Chúa ban cho ông. Ðức Chúa Trời của ông thật vĩ đại!
Nhưng ít ai nghĩ đến một câu hỏi rằng : Không biết Chúa của vị Mục sư này có còn được ông coi là vĩ đại không nếu Ngài để đứa con gái của ông chết đuối trong hồ bơi?
Tôi lớn lên trong gia đình trung lưu, không dư dã. Khi tôi học xong trung học, tôi thấy hòan cảnh gia đình và tâm tình của cha tôi, nên tôi thường ao ước cho cha tôi sống lâu đến khi tôi thành tài để tôi giúp đỡ gia đình nhất là để cha tôi đi du lịch vì cha tôi rất thích đi đây đi đó. Khi tôi ra trường được 2 năm, với lương đốc sự nên tiện tặn thì may ra mới dư dã vài ngàn thì cha tôi đau nặng. Đó là năm 1970. Tôi cầu nguyện xin Chúa cho cha tôi bình phục khỏe mạnh để tôi đưa cha tôi đi Vũng tàu , Đà lạt, Nha trang, Huế rồi cha tôi có về với Chúa thì cha tôi sẽ vui thỏa hơn. Tôi tin rằng Chúa sẽ nhận lời cầu xin này vì Cha tôi là người rất trung tín và hầu việc Chúa hết lòng. Cha tôi là giáo viên trường Chúa Nhật tại Hội Thánh Cần thơ từ nhiều chục năm. Nhưng lời cầu nguyện đó của tôi không được trả lời. Cha tôi qua đời mà chỉ biết Cần Thơ và Sai gòn mà thôi. Tôi thất vọng , rồi tôi đâm ra nghi ngờ là có Chúa hay không. Từ đó, tôi có lý do để không đi thờ phượng Chúa nữa và quên rằng tôi là một tín đồ của Chúa. Từ 1947 tôi đã đi nhà thờ với cha tôi. Mãi cho đến biến cố 1975 thay đổi tất cả và thay đổi cả tôi.
Gần cuối đời tôi mới nhận ra một chân lý. Đức tin là sự chọn lựa của mình. Có người tin vì chứng kiến tận mắt và cũng có người tin không phải vì những gì họ thấy.
Tôi nhìn quanh tôi, tôi thấy có rất nhiều sự lỳ lạ không sao giải thích được, không làm sao có câu trả lời thỏa đáng được. Nhưng tôi biết rằng nếu không có Đức Chúa Trời, và nếu Đức Chúa trời không tốt, không công bình thì thế gian này, vũ trụ này làm sao có cái trật tự như vậy. Tôi tin vào Chúa vì tôi không có sự chọn lựa nào khác tốt hơn.
Quý vị thấy đức tin của tôi vững vàng chắc chắn vì tôi nhận được nó qua nước mắt, nhẫn nhục , qua những lần tưởng là thất bại, qua những lúc cô đơn chớ không qua những lúc vàng son, thành công, quyền cao chức trọng.
Bài học từ tiên tri Habacúc là mỗi khi chúng ta đối diện với những điều kỳ lạ, khó hiểu, khó giải thích, hãy quay về nguyên tắc căn bản
Đức Chúa Trời là tốt lành
Đức Chúa Trời là Thánh Khiết
Đức Chúa Trời là công bình
Đức Chúa Trời toàn tri
Đức Chúa Trời là yêu thương
Đức Chúa Trời không bao giờ sai lầm
Kinh Thánh là chân lý, là lời của Đức Chúa Trời
Chúa Jesus là con của Đức Chúa Trời
Tôi được Đức Thánh Linh ở cùng, đóng ấn
Đức Chúa Trời luôn luôn che chở tôi
Câu 12, là bài học lớn cho chúng ta. Mặc dù Habacuc gặp thắc mắc lớn lao không giải tỏa được nhưng ông bày tỏ đức tin mãnh liệt vào Đức Chúa Trời. Đó là đức tin mà ông đã chọn- không dựa vào những gì ông nghe, ông thấy, ông chứng kiến.
CÂU HỎI # 2 – SAO CHÚA CÓ THỂ LÀM NHƯ VẬY?
“ Mắt Chúa thánh sạch chẳng nhìn sự dữ, chẳng có thể nhìn được sự trái ngược. Sao Ngài nhìn xem kẻ làm sự dối trá, khi kẻ dữ nuốt người công bình hơn nó, sao Ngài nín lặng đi? “ Câu 13
Thắc mắc bây giờ của ông Habacuc là ông nhìn thấy có sự mâu thuẫn của Đức Chúa Trời. Nếu Chúa không thể tha thứ những việc sai trái thì tại sao Chúa dùng dân Babylôn để phán xét dân Giu-đa ? Chúa biết dân Babylôn phạm tội nặng hơn dân Giu-đa nhiều mà!
Chúa có tự mâu thuẫn không?
Chắc chắn là không. Đức Chúa Trời là đấng toàn năng, toàn tri nhưng với sự thật này thì dường như Đức Chúa Trời không nhất quán, trước sau như một.
Habacuc muốn nhắc Chúa nhớ rằng Chúa không thể dùng dân tàn ác như Babylôn để trừng phạt dân Giu-đa. Dường như ông tiên tri này không còn tập trung vào mục tiêu là giải quyết vấn đề tội lỗi của dân Giu-đa mà ông quay sang vấn đề thẩm quyền của Đức Chúa Trời, quyền tể trị của Đức Chúa Trời hay ông đang thắc mắc là Đức Chúa Trời hình như đang làm điều trái hẳn với bản chất của Đức Chúa Trời.
L àm sao Chúa có thể đứng yên nhìn sự dữ, sự trái ngược, sự dối trá và khi kẻ dữ nuốt người công bình?
Đức tin của chúng ta ngày nay cũng đang vật lộn với cách ứng xử của Đức Chúa Trời. Cơ đốc nhân chân chính, đang đối diện với câu hỏi thắc mắc về tình trạng tồi tệ của xã hội ngày nay. Nó xảy ra với sự cho phép của Đức Chúa Trời không? Tại sao trong một quốc gia mà Hiến pháp được viết ra dưới sự chỉ đạo của Chúa lại cho phép hôn nhân đồng tính, cho phép đập phá các bảng ghi 10 điều răn của Đức Chúa Trời tại những nơi công cộng, cấm cầu nguyện trong trường học ?
Ông Habacuc biết đây chỉ là giải pháp của Chúa nhưng theo ông nó còn tệ hơn trước khi ban ra giải pháp này. Trước đây, Jerusalem tệ hại, nhưng chỉ với một số người lãnh đạo trong thành. Khi Chúa can thiệp bằng cách dùng dân Babylon để trừng phạt đám ngươì này thì cả nước Giu-đa bị chết chóc, tù đày, đền thờ bị tiêu hủy. Lễ dâng cho các thần chiến thắng được thực hiện khắp nơi trước mắt dân sự của Chúa.
Một câu chuyện vui.
Có một bà nuốt nhầm con ruồi. Bà thấy khó chịu. Bà vội vàng tìm con thằn lằn và nuốt nó. Con thằn lằn khi vào trong bụng sẽ tìm ăn con ruồi. Và tôi nghĩ bà cũng sẽ khó chịu hơn. Để giải quyết, bà tìm một con chim và nuốt nó vào. Con chim sẽ ăn con thằn lằn. Tôi nghĩ bà có thể chết nếu không giải quyết con chim trong bụng bà. Bà tìm con mèo và nuốt con mèo vào bụng để con mèo ăn thịt con chim. Nhưng tôi nghĩ bà sẽ chết vì con mèo trong bụng và bà cũng nghĩ như vậy nên bà tìm con chó và nuốt con chó vào bụng để con chó đuổi con mèo ra. Cả hai con bất phân thắng bại, chạy đuổi nhau trong bụng bà nên bà sẽ chết. Vậy bà tìm con cọp để con cọp vào để ăn thịt hai con kia nhưng con cọp đã ăn sống nuốt tươi bà.
Đây là câu chuyện vui không thật nhưng dạy chúng ta một triết lý sống.
Chúng ta thường dung biện pháp tạm thời để giải quyết một vấn nạn.
Người ta luôn luôn phản đối Đức Chúa Trời, họ đòi hỏi một giải pháp nhất thời mang sự ổn thỏa lập tức nhưng không giải quyết tận gốc của vấn nạn đó.
Sự phạm tội của dân Giu-đa được Đức Chúa Trời giải quyết tận gốc. Chúa dùng dân Babylôn tàn sát dân Giu-đa. Kẻ sống sót bị lưu đày 40 năm.
CÂU HỎI # 3. CHÚA ĐỂ NÓ XẢY RA ĐẾN BAO GIỜ?
“Có lẽ nào nó cứ đổ lưới mình ra đặng làm sự giết lát các dân không hề thôi sao?” (v. 17)
Chữ “nó” là để chỉ quân lính Babylon mà lãnh đạo là vua Nê bu nết cát xa.
Ông ta chinh phục các xứ. Dân chúng các nước như cá, ông quăng lưới bắt trọn dễ dàng và toàn quyền sát hại. Bây giờ đến các con cá Giu-đa.
Nếu đó là quyết định của Đức Chúa Trời thì được rồi nhưng bao giờ là chung cuộc? Ai đứng ta ngăn chận Babylôn? Hay là Babylôn sẽ vĩnh viễn đóng đô tại Jerusalem?
Câu hỏi sâu xa trong lòng Cơ đốc nhân khi gặp hoàn cảnh khốn cùng khó khăn là “Con chấp nhận hoàn cảnh này nhưng bao giờ chấm dứt, Chúa ơi!
Habacúc đặt ra ba câu hỏi
Đức Chúa Trời là ai?
Sao Chúa có thể làm như vậy?
Chúa để nó xảy ra đến bao giờ?
Là những câu hỏi thành thật và chúng ta thường hỏi khi gặp tình trạng khó khăn hay khó xử.
Habacúc là nhân vật thành thật và ông không ngần ngại nêu thắc mắc đó với Chúa. Ông không giả vờ, che dấu lòng nghi ngờ của mình.
Ông có ba nghi vấn và ông chỉ trả lời được câu thứ nhất. Ông chờ Chúa trả lời hai câu hỏi kia.
Ông tin cậy vào Chúa nhưng thắc mắc về hành động của Chúa.
Ông là hình ảnh của chúng ta ngày nay.
HABACUC QUYẾT ĐỊNH
Habakkuk 2:1 cho chúng ta biết quyết định của ông “Ta sẽ đứng nơi vọng canh, chôn chân nơi đồn lũy, rình xem Ngài bảo ta điều gì, và ta trả lời thế nào về sự đối nại của ta
Như vây, ông quyết định: CHỜ
Chúng ta không biết ông chờ bao lâu.
J. Sidlow Baxter đưa ra một nhận định rất hay:“Người ta nói rằng Chúa không trả lời cho chúng ta như Chúa đã làm trước đây nhưng thật ra con người không lắng nghe tiếng Chúa như họ đã làm trước đây?
Chúng ta cần nhớ thật rõ ràng rằng mối quan tâm chính của Đức Chúa Trời không phải là trừng phạt kẻ có tội mà là cứu họ. Luật pháp loài người là trừng phạt và đó không phải là điều mà Đức Chúa Trời muốn.
Đức Chúa Trời muốn mang sự sống và sự cứu chuộc đến cho loài người qua đức tin, ân điển và thương xót.
Cách giải quyết của người đàn bà khi nuốt phải con ruồi không giải quyết được nan đề mà chỉ làm cho nó tệ hơn.
Giải pháp cho nan đề loài người phạm tội phải là một giải pháp toàn diện. Vì vậy mà Thập tự giá xuất hiện. Hình ảnh của Chúa Jesus trên cây thập tự được xuất hiện cho loài người. Nó không mang một chút giá trị nào về hình phạt. Nó cũng không thể là một dụng cụ xấu xa hơn tội tệ hơn để trừng phạt điều ít tệ. Nó dùng sự chết của một người để cứu kẻ sắp chết vì bị trừng phạt bởi tội lỗi của mình. Chỉ cần đức tin.
Habacúc không hiểu mục tiêu của Đức Chúa Trời. Chúa không gởi dân Babylôn tàn ác để trừng phạt dân Giu-đa và thành Jerusalem mà chính yếu là để chuẩn bị dọn đường, dọn chỗ cho Đấng Mê-sia, Chúa Jesus 600 năm sau để cứu dân của Ngài ra khỏi tội, giải phóng dân Ngài ra khỏi sự rủa sả của luật pháp Môi se, dọn đường cho dân ngoại tin nhận Chúa Jesus qua các Hội Thánh Chúa ở khắp mọi nơi không còn giới hạn tại thành Jerusalem hay đền thờ tại đây. Vì vậy đền thờ phải bị phá bỏ.
Giải pháp cho Nhân Loại tội lỗi hiện nay không phải là cây thập tự, không phải là Chúa Jesus giáng sinh mà Chúa Jesus trở lại, Chúa Jesus tái lâm. Giải pháp cứu chuộc đã thực hiện gần 2000 năm rồi.
Chúng ta hãy noi gương Habacúc:
Chấm dứt bàn luận về nan đề của cuộc sống.
Hãy CHỜ CHÚA và CHỜ ngày Chúa Jesus trở lại.