Vì ““mọi ân điển tốt lành cùng sự ban cho trọn vẹn đều đến từ nơi cao và bởi Cha sáng láng mà xuống” Gia-cơ 1:17
Cho nên: “ phàm làm việc gì cũng phải tạ ơn Chúa; vì ý muốn của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jêsus Christ đối với anh em là như vậy”. I Tê-sa-lô-ni-ca 6: 18
MỘT CHỮ ĐÁNG GIÁ $100.00
Ông ta sanh năm 1865 và mất năm 1936. Ông là người quốc tịch Anh, sanh ra tại Bombay, Ấn độ. Ông làm thơ và tác giả những quyển sách nổi tiếng như: Captain Courageous, How the Leopard Got His Spots, và The Jungle Books.
Ông tên là Rudyard Kipling.
Các sách của ông không những làm cho ông nổi tiếng mà mang cho ông một gia tài . Một ký giả đến thăm ông và nói: Thưa ông Kipling, tôi có đọc một tài liệu viết về ông. Trong bài đó sau khi phân tích các quyển sách và tiền thu hoạch qua các quyển sách này thì mỗi chữ của ông đáng giá 100 đồngUS “
Vị ký giả nói xong, móc trong túi ra tờ giấy $100.00 trao cho ông Kipling và nói : “ Thưa ông Kipling, đây là $100.00. Bây giờ xin ông cho tôi một chữ.
Rudyard Kipling lấy tờ giấy $100.00 bỏ vào túi và nói: “Thanks!”
Hội Thánh kỷ niệm 26 năm trong mùa Tạ ơn nên bài chia sẻ của tôi hôm nay có tựa là CÁM ƠN .
Nói đến Cám ơn, chúng ta không thể không nói đến câu chuyện 10 người phung trong sách Luca 17: 11-16. Trong câu chuyện này, Chúa Jesus thấy chỉ có một người đến tạ ơn Ngài nên Ngài hỏi còn 9 người kia đâu. Chúa không hỏi tại sao 9 người kia không đến tạ ơn Chúa. Nhưng tôi muốn hỏi quý vị lý do nào mà họ không đến cám ơn Chúa Jesus ?
Thưa quý Hội thánh
Tôi đã từng là một trong 9 người đó , tôi có kinh nghiệm về thái độ không tạ ơn Chúa nên không khó khăn lắm mà để nói các lý do. Không biết ai có giàu kinh nghiệm hơn xin bổ túc cho.
– Lý do thứ nhất : Khi thấy bịnh cùi của mình được lành, họ nghĩ rằng có thể do các thuốc của họ đã dùng bấy lâu nay bây giờ mới có kết quả. Họ nghĩ không cần Chúa họ vẫn được lành bịnh.
– Lý do thứ hai: Họ nghĩ rằng đi báo cáo với các thầy tế lễ quan trọng hơn là đến tạ ơn Chúa. Các thầy Tế lễ là những người có quyền lực trong xã hội may ra họ còn nhờ cậy được trong tương lai. Những người này sẵn sàng bỏ buổi thờ phượng để dự một buổi họp mặt có mặt vài nhân vật để may ra họ được làm quen. Họ bỏ việc thò phượng dù nhiều lần Chúa ban phước cho họ.
– Lý do thứ ba: Mở miệng nói hai chữ “ Cám ơn” thật vô cùng khó khăn. Nhiều người nhận ơn nhưng không hề nói cám ơn vì sợ bị hạ phẩm giá mình nếu mình cám ơn người khác nhất là người thi ân cho mình là con của một thợ mộc ở Naxarét. Khi cám ơn người khác là chấp nhận người đó ở trên mình. Chữ Ân tiếng nho được viết gồm hai phần: phần trên là chữ nhân ( là người) ở trong bốn vách tường như chữ tù. Phần dưới là chữ tâm ( lòng người) Ân là chữ tù đè lên chữ tâm. Người tự cao tự đại thật khó cám ơn ai.
– Lý do thứ tư: Họ không muốn nhận mình trước đây là người bị bệnh cùi. Họ giấu quá khứ xấu xa của mình.
– Lý do thứ năm: Chúa Jesus không có trị bịnh cho mình. Ông chỉ biểu mìnhđứng lên và đi mà thôi. Dùng lý lẽ ngụy biện để từ chối sự chữa lành của Chúa.
– Lý do thứ sáu: Họ chờ đợi để việc lành bịnh là chắc chắn rồi tìm Chúa cám ơn sau cũng không muộn. Họ chưa tin quyền năng của Chúa Jesus. Vả lại, không gấp gáp gì cả trong việc cám ơn
CẢM TẠ CHÚA TRONG LÚC KHỐN CÙNG mới là điều khó khăn
CHUYỆN CỦA DR HIẾU NGUYỄN.
Hồi lễ Thanksgiving vừa qua, cô ấy cho biết trong năm qua, cơ sở làm ăn của chồng cô bị phá sản sau khi bỏ ra hàng mấy trăm ngàn đồng để xây dựng. Rồi căn nhà đang ở cũng bị Ngân Hàng lấy lại. Người chồng thất nghiệp mấy tháng rồi sau đó được công ty cũ mướn lại, gởi đi Canada để huấn luyện. Trong lúc có một tia hy vọng thì sau khi huấn luyện xong, công ty đó lại từ chối không nhận làm cho vợ chồng cảm giác như bị vùi dập tận cùng, bị đẩy vào bước đường cùng, vô cùng thất vọng chán nãn. Lúc đó cô đang mang thai đứa con đầu tiên nhưng vì sống trong hoàn cảnh quá chật vật, thất vọng chán nản nặng nề nên cô bị hư thai. Ngay trong lúc hư thai đó, cô không được nghỉ ngơi vì cô phải thi final test để ra trường và thi những certificates để hành nghề. Tất cả gánh nặng đó đè lên đôi vợ chồng trẻ này. Có lúc, hai ngưòi thoáng nghĩ rằng tại sao không lái xe bay xuống sông Potomac để cho xong cuộc sống quá khó khăn này.
Trong não nề và chán chường đó, cô bước lên bục giảng tại nhà thờ để cảm tạ Chúa
Cô nói:
“ Những gì con có, Chúa đã lấy lại tất cả. Vợ chồng con bây giờ không nhà, không cửa, không business, không việc làm, không tiền bạc, không con cái, không sự nghiệp sau bao năm vất vả lăn lộn trong cuộc đời.
– Những gì con đã có, bây giờ không còn nữa.
– Những gì đang có là hai bàn tay trắng.
Với những con số không to lớn đó, con cảm tạ Chúa vì Chúa đã giúp con giữ một đức tin vững vàng sau những lúc chao đảo, sau những cơn thử thách mà con tưởng rằng quá sức chịu đựng của con. Bây giờ con đứng lên đây để con cảm tạ Chúa vì con tin Ngài vẫn thương con, vẫn ở cùng con và vẫn giúp con.
Con tin rằng: có Chúa là có tất cả. Tất cả bao gồm những thứ mà thế gian không thấy, con mắt phàm trần không thấy và trí óc con người không hiểu được. Con tin như vậy và con biết Chúa đang ở bên con. Con đã thi và Chúa giúp con trả lời những câu hỏi mà bây giờ con cũng không nhớ con đã viết gí. Nhưng con tin con sẽ đậu vì Chúa đã làm bài cho con. Xin Hội Thánh tiếp tục cầu nguyện cho chúng con.
Hôm đầu tháng 9, tức là 10 tháng sau, tôi gặp cô ở phòng mạch. Khi cô bước ra “Chào Mục sư” với chiếc áo khoát trắng, trên ngực có thêu hàng chữ : Dr. Nguyễn. Tôi chảy nước mắt vì cảm động thấy lời hứa của Chúa hiện diện rõ ràng trong cuộc đời của cháu. Hãy xin sẽ được ! Tôi cảm động thấy cái gương trung kiên, đức tin vững vàng của cháu. Trong hoàn cảnh vô cùng chán nãn đó, tâm trí túng quẩn như vậy, thật khó mà học mà thi mà vượt qua nếu không có Chúa ở cùng cháu. Với đức tin, cháu đã bắt đầu lại và với Chúa bên cạnh, cháu sẽ làm vinh quang Chúa.
Quả thật “những sự đau đớn bây giờ chẳng đáng so sánh với sự vinh quang trong tương lai sẽ được bày ra trong chúng ta: Rô-ma 8:18.
“ phàm làm việc gì cũng phải tạ ơn Chúa; vì ý muốn của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jêsus Christ đối với anh em là như vậy”.
CẢM TẠ CHÚA TRONG SỰ ĐẦY ĐỦ HIỆN TẠI.
CÂU CHUYỆN 6 ĐÔI GIÀY
Có một người đàn ông sống với 6 đứa con ở ngoại ô Philadelphia. Anh tên là Claude. Vào mùa khai trường, 6 đứa con của anh đều cần có đôi giày lành lặn để đi học. Ðồng thời máy giặt trong nhà của anh cũng hư không dùng được. Nỗi khổ của anh là thời tiết xấu quá nên mấy tuần lễ nay anh không làm ra tiền. Nghề của anh là nghề thợ mộc.
Anh có thể gom hết tiền dành dụm để mua giày cho các con nhưng anh không thể mua một máy giặt mới. Do đó anh đăng báo cần mua một máy giặt cũ nhưng còn tốt. Một ngày nọ, điện thọai reo lên, một ngưới có máy giặt cũ muốn bán cho anh. Anh liền đến để xem xét máy giặt. Anh khám phá ra nhà này rất khá giả có mọi thứ mà anh mơ ước cho gia đình anh. Sau khi nói chuyện về máy giặt mà anh muốn mua và làm thế nào để chở nó về nhà, cuộc nói chuyện dẫn đến các đứa con. Anh cho biết anh đang thất nghiệp mà các con anh sắp đi học trở lại. Chúng nó cần mua sắm nhiều thứ. Anh phàn nàn giá cả càng ngày càng leo thang. Anh than thở thật tốn kém để lo cùng một lúc 6 đôi giày cho sáu đứa vì đôi giày nào cũng rách. Thình lình bà vợ chủ nhà chạy nhanh vào nhà bếp rồi khóc thảm thiết. Anh chồng vội vàng xin lỗi và giải thích với anh Claude rằng họ chỉ có một đứa con nhưng bị liệt từ lúc sinh ra nên đứa con của họ không bao giờ có một đôi giày rách. Người vợ nghe nói mua giày cho con bà tủi thân vì bà chưa có cái phước hạnh nhìn thấy đôi giày của con bị rách.
Khi anh Claude về nhà, anh mang những đôi giày cũ rách của các con, anh ôm chúng vào lòng rồi quỳ gối mà tạ ơn Chúa:
“ Con cảm tạ Chúa đã cho con 6 đôi giày rách này vì Chúa đã cho con 6 đứa con lành lặn, đi đứng, chạy nhảy vui đùa. Ðó là những điều Chúa đã ban cho con từ bao nhiêu năm nay từ khi đứa con đầu lòng chào đời nhưng con không nhận thức để tạ ơn Chúa. Bây giờ nhìn thấy đứa bé tật nguyền kia, con mới thấy được những phước hạnh mà Chúa đã ban cho gia đình con.
* * *
Khi nhìn thấy thức ăn trên bàn, chúng ta cảm tạ Chúa vì chúng ta không bị đói khát như hàng tỷ người đang đói và biết bao nhiêu kẻ vì đau yếu không thể ngồi ăn được như chúng ta.
Một bà nội trợ cặm cụi suốt ngày với các công việc trong nhà. Tuy mệt nhọc nhưng bà lúc nào cũng vui vẻ ca hát . Nếu chúng ta cố lắng nghe, chúng ta sẽ nghe bà đang nói thì thầm rằng : “Cảm tạ Chúa với cái sink đầy những chén dĩa dơ vì Ngài ban đã cho gia đình con những thức ăn dư dật. Cảm tạ Chúa về những áo quần dơ dáy trong máy giặt vì Ngài cho chúng con những áo quần lành lặn che thân. Cảm tạ Chúa với những chăn nệm chưa xếp gọn gàng vì Ngài cho chúng con những nệm, giường và những giấc ngủ bình an”
Làm việc gì cũng tạ ơn Chúa ! Đó là một nhân sinh quan của Cơ đốc nhân.
CẢM TẠ CHÚA VÌ CÁI TỐI THIỂU CỦA CUỘC SỐNG
HÃY ĐẾM CÁC ƠN PHƯỚC CHÚA BAN
Tôi nhớ một câu chuyện do một giáo sĩ kể lại. Ông được mời đến giảng lời Chúa tại một trại cùi do một cơ quan truyền giáo lập ra và do các Cơ đốc nhân giúp đỡ. Ông thật đắn đo, do dự vì không thích đến một nơi như vậy. Nhưng rồi vì lời mời quá nồng hậu thiết tha nên ông nhận lời.
Ông thấy không cần chuẩn bị bài giảng vì ông nghĩ cử tọa là những ngươì bị xã hội ruồng bỏ, ít học, nghèo nàn và cuộc đời như vứt đi rồi.
Ông tới nơi trước một ngày. Vừa 7:00 sáng, ông đã thấy họ đã thức và mang Kinh Thánh đến nhà thờ của trại. Theo chương trình buổi thờ phượng bắt đầu từ 9:00 sáng. Ông tò mò đến xem, ông thấy họ cầu nguyện, họ tôn vinh Chúa, họ cầu nguyện rồi họ tôn vinh Chúa. Ông thấy họ sống thật vui mừng , sống thật bình an và có lẽ họ hạnh phúc hơn những người khỏe mạnh như ông. Gương mặt họ sáng ngời, không chút lo âu, không giống như những người mà ông thường thấy trong thành phố, trong các sở làm, trong các khu mua bán thương mại.
Tới giờ thờ phượng, họ như sốt ruột ngóng chờ tôi tới và sốt ruột muốn nghe bài chia sẻ của tôi. Giờ thờ phượng bắt đầu như thường lệ.
Cầu nguyện khai lễ bởi một người cùi cao niên. Ông hết lời cảm tạ Chúa vì Ngài ban sự sống cho họ, giữ gìn họ, ban cho các thức ăn, áo quần dù họ không đi làm vất vả như người khác. Ông xin Chúa ban phước cho những người thương yêu họ, giúp đỡ họ và xin Chúa ban cho những ân nhân này có một cuộc sống bình an, phước hạnh.
Tôi cúi đầu nghe lời cầu nguyện này và lòng tôi bắt đầu hoang mang. Tại sao họ có một đời sống bình an phước hạnh trong khi tấm thân họ mang chứng bịnh nan y như vậy? Họ có thật sự sống vui thỏa trong hoàn cảnh mà người lành lặn như tôi còn rất khó khăn và còn đang tìm kiếm cái phước hạnh đó. Tuy họ sống trong cái tối thiểu nhu cầu nhưng họ có sự vui thỏa. Tại sao có thể hết lòng cám ơn Chúa khi mà họ mang một chứng bịnh mà người đời ruồng bỏ họ.
Rồi tới phiên họ tôn vinh Chúa. Họ hát bản Thánh Ca “ Hãy đếm các ơn phước Chúa ban”. Họ hát thuộc lòng. Họ không cần in bản nhạc, không cần chiếu lời ca trên màn ảnh. Họ hát hết ba câu mà chưa dứt họ hát trở lại cho đến khi người điều khiển chương trình ra dấu ngưng hát.
Tôi thấy xấu hổ trước lời tôn vinh của họ. Tôi thấy tôi không xứng đáng đứng trên bục giảng để nói với một cử tọa tràn đầy phước hạnh, tràn đầy sự bình an , thỏa lòng và nhất là hết lòng cảm tạ Chúa về sự ban cho của Ngài trong đời sống họ dù sự ban cho đó chỉ lả những cái tối thiểu trong cuộc sống.
Dĩ nhiên bài giảng của tôi hôm đó là lời thú tội của tôi.
– Tôi xấu hổ vì tôi không bao giờ đếm những ân phước Chúa đã ban mà chỉ biết trông chờ những ân phước đang xin.
– Tôi xấu hổ vì trước đây tôi chỉ cảm tạ khi tôi được cái hay điềutốt, mà người khác không có hay chưa có, trong khi đó những người cùi này cảm tạ Chúa với những điều cần yếu cho cuộc sống như hơi thở, thức ăn cần dùng mỗi ngày, cái áo lành lặn, chỗ ngủ qua đêm.
Họ ý thức được tình trạng của một khách lữ hành, sống tạm ở thế gian để chờ ngày về với Chúa còn chúng ta, một lữ hành nhưng sống như một người định cư vĩnh viễn. Mai này gặp Chúa, thật chúng ta sẽ ngỡ ngàng xấu hổ.
“ phàm làm việc gì cũng phải tạ ơn Chúa; vì ý muốn của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jêsus Christ đối với anh em là như vậy”.
* * *
KỶ NIỆM VỚI LÒNG TẠ ƠN CHÚA VÀ GHI KHẮC CÔNG ƠN NGƯỜI
Hôm nay Hội Thánh tổ chức Lễ Tạ Ơn và đồng thời lễ Kỷ niệm ngày Thành Lập Hội Thánh
Hội thánh này đã được 26 tuổi. Một 1/4 thế kỷ với bao thăng trầm.
Tôi còn nhớ từ những 16 năm đầu, Ban Chấp Hành đã đồng ý dùng ngày thứ Bảy của tuần lễ trước ngày lễ Tạ ơn để tổ chức lễ Kỷ niệm thành lập Hội Thánh.
Chúng ta tổ chức lễ kỷ niệm để chúng ta cảm tạ Chúa đã cho chúng ta một Hội Thánh đầy tình thương. Chúng ta cảm tạ Chúa từ năm này sang năm khác và hôm nay đã được ¼ thế kỷ rồi.
Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta cần quay nhìn lại lịch sử thành lập Hội Thánh mà nhận ra những người góp phần vào việc thành lập và xây dựng Hội Thánh này. Tôi xin nói rõ tôi không phải là người xây dựng Hội Thánh này. Tôi chỉ là người đến sau đó. Quý vị có thể hỏi cô Yến Haddad hoặc Mục sư Lý công Thuận để biết rõ hơn. 25 năm qua, chúng ta chưa từng ghi công của những người bắt đầu lập Hội Thánh của Chúa. Trước đây, chúng ta sợ làm mất sự vinh hiển của Chúa. Tôi nói thật : Sự vinh hiển của Chúa không dễ mất và không ai tranh dành được đâu. Nếu chúng ta thọ ơn chúng ta nhớ ơn. Người nhận ân biết rằng ân đó là do Chúa ban cho là phần của họ.
Nếu Chúa Jesus dùng bàn tay, đôi chân, sức lực và sự khôn ngoan của các sứ đồ, các môn đồ để truyền bá phúc âm thì Hội Thánh này , Chúa cũng dùng một số anh chị để thành lập và xây dựng nó cho tới ngày hôm nay. Nên dù chúng ta biết là phải cảm tạ Chúa nhưng cũng nên ghi nhận sự đóng góp của những người này.
AI SẼ LÀ NGƯỜI góp CÔNG của Hội Thánh này ?
Họ là những người
– đã ra sức thành lập Hội Thánh này và điều hành công việc của Hội Thánh trong những lúc không có người lãnh đạo
– đã ngày đêm cầu nguyện cho những nan đề của Hội Thánh trong nhiều năm trước đây và bây giờ suốt 26 năm qua.
Những người đó có thể là một trong những vị đang ngồi tại đây tối hôm nay, hoặc vắng mặt hoặc đã về với Chúa. Dù người đó là ai, người đó:
– không thể là một người không làm gì hết .
– Không thể xảy ra từ một người ngồi nhìn hay khoanh tay đứng quan sát hay đứng bên lề.
* * *
CÂU CHUYỆN CHARLES HADDOM SPURGEON
Hồi năm 1850, cách nay 159 năm, một buổi sáng Chúa nhật thứ hai của tháng Giêng, tuyết phủ trắng thành phố nhỏ mang tên Colchester, xứ Anh. Ông Egglen thức giấc và tự nghĩ rằng với thời tiết này ở nhà là tốt nhất. “ Ai lại đi thờ phượng trong một thời tiết khắc nghiệt như vậy? ” Nhưng rồi ôngnghĩ lại, ông là chấp sự của Hội Thánh. Nếu Chấp sự mà không đi thì còn ai đi thờ phượng Chúa? Nghỉ như vậy, ông vội vàng thay quần áo ấm và mang giày Boot chuẩn bị đi bộ 3 dặm từ nhà đến nhà thờ.
Ðến nơi ông mới thấy không phải chỉ có một mình ông muốn làm gương cho Hội Thánh. Có được 13 người đã đến nhà thờ trong một ngày tuyết phủ trắng đường. 12 tín hữu và một người khách đến thăm lần đầu. Mục sư vì tuyết không đến được. Vài người đề nghị cầu nguyện rồi giải tán về nhà nghỉ sớm. Có người không đồng ý. Họ đã cố gắng đến đây, cố gắng đi một đoạn đường quá xa nên cần phải có một buổi thờ phượng đàng hoàng. Ngoài ra họ có một khách viếng thăm. Một cậu con trai 16 tuổi. Nhưng Mục sư không đến, ai sẽ giảng luận? Egglen là một Chấp sự duy nhất có mặt. Trách nhiệm thuộc về ông ta. Và ông vâng lời Chúa, chia sẻ ngắn độ 10 phút. Phút cuối , ông nhìn thẳng vào cậu bé: “ Hởi cậu trẻ tuổi kia, hãy tìm kiếm Chúa Jesus. Hãy tìm Ngài” . Sau đó, buổi thờ phượng chấm dứt và mọi người trở về nhà như mọi khi.
Nhưng câu chuyện đó thật sự chưa chấm dứt. Hãy nghe cậu bé 16 tuổi đó, bây giờ là một thanh niên kể lại: “ Tôi đã tìm Chúa nhiều nơi và hôm đó những đám mây trong tâm hồn tôi từ từ tan biến, bóng tối cũng tan biến và trong giây phút kêu gọi đó, tôi thấy ánh sáng mặt trời soi chiếu trong lòng tôi”
Chúng ta cũng nên biết cậu bé đó tên là Charles Haddon Spurgeon. Một hoàng tử về truyền giảng của Anh quốc. Ông đã giảng dạy hàng ngàn nơi và tạo ra phong trào Phục hưng lớn mạnh chưa từng có của thế kỷ 19.
Egglen, ông chấp sự có biết điều xảy ra đó hay không ? Không!
* * *
Một công tác thăm viếng người đau yếu. Một lời nói an ủi người đang cay đắng. Một lời giới thiệu việc làm. Một lời mời đi thờ phượng . Một hành động để dành một phần thức ăn cho một người khác trong bữa tiệc thông công. Một lời cầu nguyện . Biết đâu là một hành vi của Egglen tạo ra những ngôi sao như Charles Spurgeon trong Chúa.
Một bàn tay đưa lên tham gia vào một công tác của Hội Thánh hay một vai trò trong Hội Thánh. Một bàn tay đưa lên xin cầu nguyện cho một người khác. Một bàn tay đưa lên nhắc nhở một thiếu xót biết đâu là một cử chỉ tạo ra những người hùng trong Chúa.
Và một Hội thánh cần những người vô danh đó.
Hôm nay sau khi cảm tạ Chúa , nhớ ơn những người góp sức xây dựng Hội Thánh, chúng ta phải làm điều thứ ba là chuẩn bị tương lai
* * *
CHUẨN BỊ TƯƠNG LAI LÀ MỘT THÁI ĐỘ BIẾT ƠN.
Để tỏ lòng biết ơn , người con cố gắng học thành tài. Để tỏ lòng biết ơn Chúa, chúng ta có chương trình tương lai cho Hội Thánh.
Chúng ta hãy cùng nhau quan sát một việc đã xảy ra hơn 500 trước côngnguyên với một nhân vật đặc biệt là ông Nê-hê-mi
Đền thờ Jerusalem và thành Jerusalem bị vua Nê-bu-nát-cát-xa hủy phá vào năm 586 BC. 48 năm sau, Xô-rô-ba-bên (Zerubbabel) hướng dẫn nhóm dân Do Thái đầu tiên gồm 42,360 người trở về Jerusalem. Họ lập lại bàn thờ và nền của đền thờ. Việc xây cất dù bị đình hoản và 70 năm sau, công tác xây cất mới xong vào năm 516 BC
Mặc dù việc xây sửa đền thờ hoàn tất đã 20 năm rồi, nhưng vách thành Jerusalem vẫn còn bị hư nát.
THỰC TRẠNG HƯ NÁT 1:3.
Đã hơn 90 năm, kể từ ngày được vua Ba-tư là Si-ru cho phép hồi hương, dân Do Thái không có lãnh đạo, hay lãnh đạo không khả năng nên họ không được hướng dẫn. Họ không biết phải bắt đầu từ đâu và vì vậy mà vách thành vẫn chưa được tu bổ. (2 Sử ký 36:19).
Nếu chúng ta dùng thành Jerusalem là hình ảnh cuộc sống của chính mình, chúng ta sẽ thấy có khi cuộc sống mình giống như thành ấy.
– Dù đã theo Chúa một thời gian khá lâu, nhưng bây giờ vách thành đức tin bị hư, bể vỡ, không còn khả năng chống cự lại sự tấn công từ những cám dỗ, dục vọng của bên ngoài.
– Chúng ta nhiều lần trở thành nạn nhân của những thói xấu và không còn khả năng chống lại. Đó là dấu hiệu của sự hư nát.
– Hệ thống phòng thủ không còn hiệu lực.
– Nhiều lúc chúng ta ý thức được mình đang làm điều mà Đức Chúa Trời không vừa lòng nhưng không thể chận đứng lại được.
Vách thành bị hư và cửa thành bị cháy.
Người ngoài cũng nhìn thấy điều đó như Na-ha-ni, em của Nê-hê-mi và những người Giu-đa đến thăm Nê-hê-mi. Như một cái mùng có nhiều lỗ rách. Muỗi đang tìm cách xâm nhập vào và tự do chích, hút máu chúng ta. Còn chúng ta thì đang ngủ mê vì thân xác mệt mỏi với công việc tranh đua với đời. Cái mùng không còn bảo vệ chúng ta hữu hiệu nữa.
PHẢN ỨNG CỦA NÊ-HÊ-MI
CÂU 4 : “ Khi tôi nghe các lời ấy, bèn ngồi mà khóc, cư tang (đau buồn) mấy ngày; tôi cử ăn và cầu nguyện Đức Chúa của các từng trời ”.
Nê-hê-mi rất quan tâm khi nghe tin tức về vách thành.
Ông buồn rầu, khóc, kiêng ăn và cầu nguyện.
Ông thành thật đối diện với sự kiện tồi tệ đó.
Ông không trách cứ người khác mà dâng trình sự việc cùng Chúa. Chúa lúc nào cũng ở cùng những tâm hồn tan vỡ và một trái tim tan nát.
Dân Giu-đa bi lưu đày đến Ba-by-lon đã 141 năm. Nê-hê-mi chắc chắn là người Giu-đa sinh tại hải ngoại. Nhưng khi nghe vách thành Jerusalem vẫn còn bi hư nát, ông động lòng sót dạ. Và ông chuẩn bị kế hoạch hành động. Ông đã ngày đêm lo lắng suy nghĩ việc tu bổ vách thành
Hiện tai, ông là người thành công tại hải ngoại. Ông là quan tửu chánh của vua Ạt-ta-xét-xe. Ông có thể làm ngơ trước tin này. Đã có nhiều người Do Thái trở về. Đã có những lãnh đạo chung lo việc xây đền thờ, tái thiết thành phố. Ông có thể an tâm phủi tay, không trách nhiệm với tình trạng của vách thành Jerusalem. 90 năm rồi, vật đổi sao dời. Quê hương Do Thái hoàn toàn xa lạ với ông nhưng ông vẫn còn quan tâm đến xứ sở của ông. Với tấm lòng đó, Chúa đã dùng ông.
Hội thánh của Chúa đã có người trách nhiệm công việc thường nhật. Có một ban chấp hành để lo công việc nhà Chúa. Nhiều người nghĩ như vậy nên an lòng lo việc riêng của mình. Nhưng Hội thánh cần có những người có tấm lòng như của Nê-hê-mi vì có nhiều việc mà những người lãnh đạo hiện thời không làm được.
DÂN JERUSALEM ĐÃ QUEN VỚI SỰ HƯ NÁT CỦA VÁCH THÀNH
Dân thành Jerusalem hồi thế kỷ thứ năm trước công nguyện quá quen với sự đổ nát của vách thành và cửa thành. Đối với họ, điều này không còn tác dụng nào trên lối sống hay sự suy nghĩ của dân Jerusalem. Họ không thấy cần phải sửa chữa, không cần phải làm gì cả.
Nê-hê-mi trách họ :“ Các người không thấy tình trạng tệ hại mà các ngươi đang sống hay sao? ”
CHÚNG TA CẦN THẤY THỰC TRẠNG CỦA MÌNH
Chúng ta sống chung với xã hội tối tăm lâu ngày , chúng ta thấy không cần sự bảo vệ chống lại sự tấn công của bóng tối hay của kẻ gian ác vì chúng ta chính là bóng tối và gian ác. Nhưng nếu chúng ta sống trong sự sáng và trong thế giới công bình của Đức Chúa Trời, chúng ta phải quan tâm đến việc đề phòng sự tấn công của tối tăm và quyền lực của Sa-tan.
Nếu chúng ta không thấy thực trạng của mình, cứ tưởng nếp sống của mình là lý tưởng, là tốt đẹp, là khôn ngoan, là cẩn thận, là thành công, là thỏa mãn, vừa lòng, mãn nguyện… thì chúng ta không thấy những cái lỗ, những cái nứt, những cái rách nát trong cuộc sống của mình. Chúng ta cần có người đứng ngoài quan sát rồi nói thẳng với chúng ta rằng : “Ông hay bà không thấy tình trạng tệ hại mà ông hay bà đang sống sao?”
Chúng ta phải nhìn thấy vấn đề của chúng ta. Chúng ta phải nhận ra hiện trạng đích thực của chính mình. Chúng ta phải tìm thấy những điều cần phải giải quyết.
THÁI ĐỘ TÍCH CỰC CỦA DÂN TRONG THÀNH
Khi Nehêmi nhắc cho họ thấy cảnh sống hiện tại là một sự sỉ nhục thì tạ ơn Chúa, họ không tự ái để chống Nêhêmi, không mặc cảm để phản đối Nêhêmi. Họ thức tỉnh và nhất trí quyết định : “Hãy xây lại vách thành” .
– Họ không còn sống riêng rẽ, họ phải giải quyết hiện trạng bê bối.
– Họ quyết định góp phần thì giờ, công sức và có thể tài chánh để xây lại vách thành.
– Họ chấp nhận bỏ bớt những quyền lợi riêng tư như mảnh vườn sau nhà mà trước đây thuộc phần của vách thành.
Thật khó mà có sự hợp tác nếu người nào cũng cố giữ điều mình có và đòi người khác hy sinh. Còn mình không làm gì hết và muốn người kia làm phần của mình.
TẠI SAO HỌ TÍCH CỰC NHƯ VẬY ?
Câu hỏi là : Tại sao hơn 100 năm nay dân chúng trong thành Jerusalem có thể sống trong tình trạng vách thành hư nát mà không có một nỗ lực nào để sửa chữa để rồi sau lời nói của Nêhêmi, họ quyết định đầu tư vào công tác xây dựng vách thành? Ngoài việc chỉ cho dân thấy thực trạng tồi tệ mà họ đang sống, chắc chắn lời giảng của Nêhêmi có nội dung khác tác động tâm hồn của dân Jerusalem. Vâng, ông đã nói : “ Tôi thuật cho chúng rằng có bàn tay của Đức Chúa Trời giúp đỡ để chúng ta làm công việc này.”
HAI ĐIỀU QUAN TRỌNG
Thưa Hội Thánh
Trong câu chuyện của Nêhêmi, chúng ta cần nhận thức hai điều quan trọng:
– Trước nhất phải nhìn thấy thực trạng tệ hại của đức tin mình
– và sau đó phải thấy có bàn tay của Đức Chúa Trời ở trong công tác xây lại vách thành đức tin của mình.
Tôi không biết quý vị có thấy bàn tay của Đức Chúa Trời trong cuộc đời của mình ? Tôi không biết quý anh chị có thấy bàn tay của Chúa trong chương trình xây cất Hội Thánh này?
Tôi không biết quý vị có thấy “mọi ân điển tốt lành cùng sự ban cho trọn vẹn đều đến từ nơi cao và bởi Cha sáng láng mà xuống” hay không?
Tôi tin là có .
Cho nên: “ phàm làm việc gì cũng phải tạ ơn Chúa; vì ý muốn của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jêsus Christ đối với anh em là như vậy”.
BÁI HỌC CHO CHÚNG TA
Thưa Hội Thánh
Từ nay, khi Chúa gieo vào đầu óc quý vị một viễn tượng hay một khải thị nào đó, chớ nên ngại ngùng mà không nói ra cho Hội chúng biết. Hãy tin vào Thánh Linh mà trình bày rõ ràng. Đừng nhìn vào sức của mình mà hãy trông cậy vào Chúa. Ý kiến của Nêhêmi chỉ là lý thuyết nếu nó không được nói ra và nếu dân thành Jerusalem tiếp tục thờ ơ, chia rẽ và sống ích kỷ.
Vì “Vậy, ngày hai mươi tháng Ê-lun, vách thành sửa xong, hết năm mươi hai ngày. Khi những thù nghịch chúng tôi hay được điều đó, thì các dân tộc chung quanh chúng tôi đều sợ hãi và lấy làm ngã lòng; vì chúng nó nhìn biết rằng công việc này thành được bởi Đức Chúa Trời của chúng tôi.” 6:15-16
Chúng ta có thực sự muốn cho mọi người thấy công việc của Hội thánh này là bởi Đức Chúa Trời của chúng ta không ?
Hãy bỏ thì giờ quan sát, xem xét thật cẩn thận những khuyết điểm, những yếu đuối của mình và của Hội thánh như Nê-hê-mi bỏ ba ngày đêm quan sát vách thành. Tất cả cùng dùng giờ hiệp nguyện để dâng trình các khó khăn, các nhu cầu cần thiết trong chương trình tu bổ, tái thiết phần tâm linh của Hội Thánh. Sau đó phân công phân nhiệm và đồng tâm hoàn tất phần vụ của mình.
Lúc đó chúng ta có thể mở miệng mà cầu nguyện : “ 13:14 Đức Chúa Trời tôi ôi! vì cớ điều này, xin nhớ đến chúng tôi, và chớ bôi xóa các việc tốt lành mà chúng tôi đã làm cho đền thờ của Đức Chúa Trời và về điều phải gìn giữ tại đây.
Hãy đứng lên làm một Nê-hê-mi xây lại những chỗ nứt trong vách thành tâm linh của Hội Thánh.
Thưa quý vị
Đời người là những chuỗi ngày mang ơn.
Thi ân mặc niệm, thọ ân mặc vong
KÊU GỌI
1.Nếu hôm nay, quý vị nào nhớ lại rằng mình chưa bao giờ mở lời tạ ơnĐấng đã thi ân, thì bây giờ là lúc chúng ta hãy cùng nhau bước lên đây với tôi để nói lên lời Tạ ơn Đấng đã thi ân.
2. Ai đã từng tạ ơn Chúa rồi nhưng vẫn thấy hôm nay là dịp để tạ ơn lần nữa vì ơn quá lớn. Xin mời những vị đó đến cùng tôi nói lời tạ ơn.
3. Nếu vị nào nhận thấy vách tường thuộc linh của mình bị lung lay, bị nứt cần được tu bổ tăng cường, để có thể đảm trách thêm công việc nhà Chúa tại đây xin hãy bước lên đây để chúng ta cùng cầu nguyện.
4. Quý vị nào có lòng muốn xin Chúa giúp sức để Hội Thánh này mau có người lèo lái, để HT phát triển phần thuộc linh xin hãy bước lên đây để cùng nhau cầu nguyện.y
5. Những ai đã là con cái Chúa nhưng còn yếu đuối, lơ là, hôm nay muốn tái xác nhận lòng tin của mình và hết lòng cảm tạ Chúa đã bảo vệ che chở mình và gia đình mình bình an trong năm qua, xin hãy bước lên đây để cùng tôi cầu nguyện trước khi chấm dứt chương trình lễ Tạ ơn.
6. Nếu hôm nay, quý vị nào thấy rõ chính Chúa Jesus đã mang mình, gia đình mình sang xứ sở này để có cuộc sống đầy đủ, bình an và muốn nhận Chúa Jesus là Chúa của đời mình và giao trọn cuộc sống còn lại hoàn toàn cho Ngài, quý vị nào thấy con đường phước hạnh là con đường bước theo Chúa Jesus và muốn đi với Ngài. Xin mạnh dạn bước lên đây để cùng tôi cầu nguyện.
Không ai biết được ngày mai.
Hãy mau tiếp nhận Chúa Jesus làm Cứu Chúa của đời mình để được Ngài ban mọi phước hạnh trên đời này và đời đời
Xin hãy can đảm lấy quyết định đêm nay. Hãy suy nghĩ tại sao tôi đến quốc gia này ? Tại sao Thượng đế mang tôi đến vùng đất mà đâu đâu cũng có nhà thờ Chúa.
Tôi biết một số người còn do dự đắn đo, tôi cũng biết có một số người đã âm thầm tin nhận Chúa nhưng còn bị cản trở nên chưa dám bộc lộ ra, chưa thuận tiện bước lên đây Xin hãy đứng yên và thầm lập lại lời cầu nguyện ngắn sau đây với tôi.
Xin hãy cùng tôi cầu nguyện:
Lạy Chúa là Đức Chúa Trời yêu thương của chúng con.
Con hết lòng cảm tạ Chúa vì Chúa giữ gìn chúng con được bình an, đầy đủ. Xin Chúa tha tội con vì bấy lâu nay con chỉ tạ ơn Chúa mỗi khi chúng con nhận thêm phước hạnh mà thật ra
– làm việc gì con cũng phải tạ ơn Chúa,
– sống được một ngày, con cũng phải tạ ơn Chúa.
– Nhìn thức ăn trên bàn, con tạ ơn Chúa,
– nhìn áo quần lành lặn con tạ ơn Chúa.
– Nhìn chăn ấm nệm êm, con tạ ơn Chúa.
– Cơ thể lành lặn con tạ ơn Chúa,
– thân thể không lành lặn nhưng được sống bình an con tạ ơn Chúa.
– Sống trong sóng gió, con tạ ơn Chúa vì có Chúa ở cùng.
Chúa ơi xin dạy con biết làm việc gì cũng tạ ơn Chúa, sống như thế nào cũng tạ ơn Chúa.
Lạy Chúa là Đấng Chủ tể của muốn loài. Hôm nay, con bày tỏ lòng biết ơn của con đối với Chúa vì con biết Chúa đã mang con đến quốc gia này để con có được một cuộc sống bình an, đầy đủ. Con cũng biết Chúa đã giúp con qua bao gian nan, khó khăn, lúc đau yếu, lúc thất nghiệp. Chúa đã giúp con bảo vệ hạnh phúc gia đình, con cái và sức khỏe. Con là người không hoàn toàn. Con đã phạm nhiều thứ tội và nhất là chưa bao giờ bày tỏ lòng cám ơn Chúa. Xin Chúa tha tội con. Hôm nay, con bày tỏ lòng biết ơn của con trước cái chết đau đớn của Chúa trên cây thập tự. Ngài chết để tội lỗi của con được tha. Con xin nhận Chúa Jesus là Chúa Cứu Thế của con. Xin Ngài giúp con sống hoà thuận với Đức Chúa Trời. Xin Đức Thánh Linh chỉ dạy con suốt cuộc đời còn lại. Con cầu nguyện torng dang Chúa Jesus. A men.