11. Đừng Hỏi Tại Sao?

Ma-thi-ơ 24:6a: “Các người sẽ nghe nói về giặc và tiếng đồn về giặc. Hãy giữ mình, đừng bối rối vì những sự ấy sẽ phải đến”
Habakkuk 1:1-11 :

CÂU CHUYỆN TẠI SAO

  • Một cú điện thoại giữa đêm. Có điều gì không lành rồi! Có ai đau nặng phải vào phòng cấp cứu? Có ai qua đời? Có ai bị tai nạn? Vừa lo lắng, tôi nhấc điện thoại lên. Tiếng nói của một người đàn bà. Con gái của bà , MONA , không về nhà. Bà ta muốn nhờ vợ chồng tôi tìm con bà về. Tôi hỏi “Bà có biết nó ở đâu không mà bà muốn tôi tìm nó?  Bà nghĩ rằng nó đang ở trong quán rượu gần ngã tư Langley Park hay ở nhà thằng Tonny. Tại sao bà không đi đến đó mà mang nó về? Bà còn phải trông ba đứa con nhỏ. Đứa nhỏ nhất chỉ 8 tháng. Vợ chồng tôi lật đật thay đồ chạy như bay đến quán Bar ở ngã tư và may thay, thấy nó với vài ba đứa khác đang hút thuốc trước cửa tiệm. Vợ tôi năn nỉ nó và cuối cùng nó đồng ý lên xe về nhà.

Bà ấy là người tin Chúa tốt. Chúa nhật nào cũng dẫn bốn đứa con đến nhà thờ. Mỗi khi có thông công, bà luôn luôn xung phong nhận nấu một món. Các lần tập hát tôn vinh Chúa, bà luôn luôn ở lại dù con cái nheo nhóc. Câu hỏi trong đầu tôi, và tôi tin vợ tôi cũng có một thắc mắc là “ Tại sao Chúa để cho bà này luôn luôn gặp cảnh khó khăn. Và câu hỏi của bà vẫn luôn luôn là Chúa ở đâu? Chúa có nghe lời cầu xin của bà không? Sao Chúa chậm trễ trả lời ?

  • Tôi có một người bạn thay thận như anh Báu của chúng ta. Vì vậy anh theo dõi tình trạng sức khẻo của anh Báu để xem một người theo Chúa có hưởng được đặc quyền đặc lợi nào không từ Chúa của anh Báu. Khi anh nghe tôi kể những sự lạ lùng xảy ra cho anh Báu, anh rất chăm chú theo dõi và thỉnh thoảng, anh nhận lời mời của tôi có đến đây trong những dịp lễ lớn hay truyền  giảng. Anh vẫn chưa tin Chúa và vẫn quan sát . Rồi anh Báu qua đời sau 22 năm thay thận. Anh ấy gặp tôi và thắc mắc: Tại sao anh Báu phải qua đời? Tin Chúa hay không tin Chúa có khác gì đâu? Tại sao Chúa không có một đặc ân nào dành cho người theo Ngài?

Câu trả lời không khó đối với tôi nhưng với người bạn này, anh muốn thấy cái gì rõ ràng , thực tế.

  • Tôi có lần ngồi dự tiệc cưới cùng bàn với mấy người bạn. Họ biết tôi là Mục sư nên họ tò mò muốn biết tại sao một chiếc xe Van chở 12 người tín đồ đi thờ phượng Chúa bị lật trên xa lộ 95 gần Richmond và tử nạn. Họ hỏi :Tại sao Chúa để họ chết trong lúc họ đi thờ phượng Chúa?   Nếu họ bất cẩn để phải chết thì Chúa ở đâu. quyền năng vô biên của Ngài không cứu họ được hay sao?  Thiên sứ của Chúa ở khắp mọi nơi cũng không thể ngăn tại nạn khủng khiếp hay sao? Tôi cũng có câu trả lời nhưng chắc không làm cho họ hết nghi ngờ về sự hiện hữu của một Đấng toàn năng.

Cá nhân tôi cũng không thỏa lòng khi trả lời những câu hỏi TẠI SAO.

MS Templeton , người đồng thời và nổi tiếng trước ông Billy Graham đã vì câu hỏi TẠI SAO mà rời bỏ chức vụ , bỏ Chúa và chết đau đớn như một người mất trí.

Những câu hỏi TẠI SAO đã tồn tại qua nhiều thế kỷ, qua nhiều thế hệ loài người.

Chúng ta có rất nhiều câu hỏi tại sao và cũng có rất nhiều câu trả lời. Trên mạn lưới của Hội Thánh Phục Hưng, chúng ta có cả ngàn câu hỏi và câu trả lời về Thần Học. Chỉ cần đọc hết những câu giải đáp trên  website này, tôi bảo đảm quý vị sẽ trở thành một học giả về Thần học rồi. Không cần phải lấy bằng tiến sĩ như phong trào nóng tại Việt Nam. Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa đủ vì thắc mắc của loài người không chỉ có cả ngàn mà còn nhiều hơn.

Vì vậy, tất cả chúng ta sẽ gặp vấn nạn này. Trước sau gì cũng có lần hỏi Chúa : Tại sao?

Nếu quý vị chưa có thắc mắc này, quý vị rồi đây sẽ có. Một câu hỏi khó có câu trả lời thỏa đáng. Ngay cả những nhân vật gần gũi với Chúa nhất cũng đôi lúc thắc mắc về những gì đang xảy ra, những gì Chúa đang giải quyết. Nếu ông Gióp không có câu trả lời hoàn toàn thì làm sao chúng ta mong đợi một câu trả lời thỏa đáng!

Tôi không nghĩ có một câu trả lời đơn giản cho câu hỏi TẠI SAO

Sách Sáng Thế ký cho chúng ta một câu trả lời. Sách Gióp cũng đưa ra một câu trả lời khác. Rồi sách Thi Thiên, Châm ngôn, Truyền đạo cũng giúp chúng ta câu giải đáp và các sách Phúc âm giới thiệu một Đấng Cứu Thế với cách suy nghĩ khác về sự việc chung quanh rồi cuối cùng sách Khải Huyền cho chúng ta thấy chiến thắng cuối cùng của Đức Chúa Trời và sự thất bại của Satan.

Tôi nói như vậy không có nghĩa là tôi trình bày Kinh Thánh có sự mâu thuẫn . Thực tế, vì sự đau đớn, khó khăn của con người phải đương đầu quá rộng lớn, đa dạng, dưới nhiều tình cảnh, qua con người khác nhau về văn hóa, giáo dục, cách suy nghĩ, phản ứng, thành kiến hoàn toàn khác nhau nên chúng ta cần phải có nhiều phương cách khác nhau để giải quyết hay giải thích.

SƠ LƯỢC VỀ SÁCH HA-BA-CÚC 
Hôm nay chúng ta nghiên cứu một sách tiên tri nhỏ.  Sách Habacúc. Tôi có bốn bài về sách này và hy vọng Chúa cho tôi được giới thiệu bốn bài đó với HT Phục Hưng

Sách Habacúc là sách tiểu tiên tri. Nằm giữ sách Na-hum và Sôphôni. Đây là ba sách rất ít người tìm đọc.

Trong phần Cựu Ước, có 17 sách tiên tri và người ta chia ra 2 phần : 5 sách được gọi là đại tiên tri và 12 sách được gọi là tiểu tiên tri. Sự phân loại giữa “đại” và “tiểu” này không căn cứ vào nội dung quan trọng nhiều hay quan trọng ít mà họ dựa vào tầm cỡ nghĩa là số chữ trong sách . Năm sách Đại tiên tri chiếm hết 191 trang còn 12 sách tiểu tiên tri chỉ có 61 trang mà thôi.

Sách Habacúc chỉ có 56 câu trong 3 chương với 2 trang rưởi nên được sắp vào loại sách “Tiểu Tiên tri”
Dù ông Habacúc được sấp vào “tiểu tiên tri’ nhưng sách của ông trình bày một thông điệp rất quan trọng, một vấn đề mà ai ai trong chúng ta luôn luôn nghĩ đến.

Sách Habacúc không giống các sách tiên tri khác. Ê-sai viết lại thông điệp của Đức Chúa Trời, còn sách Habacúc ghi lại cuộc đối thoại giữa ông với Đức Chúa Trời.

Nếu quý vị có vài thắc mắc về Đức Chúa Trời, quyển sách Ha bacúc là quyển mà quý vị cần đọc. Howard Hendricks gọi Habacúc là “ người có dấu hỏi trong bộ não”

Chúng ta không biết nhiều về ông Habacúc. Các sách Cựu ước không nhắc lần nào đến tên ông. Có một điều rõ ràng là sách này được viết trong giai đoạn sau khi đế quốc Assiri tàn lụi và đế quốc Babylon nổi lên thay thế.

Babylôn chiếm thành Ninive, thủ phủ của Assiri vào năm 612 BC và chiếm Jerusalem năm 587 BC. Trong khoảng thời gian 25 năm này, sách Habacúc được viết ra.

Trong thời niên thiếu, Habacúc chứng kiến thời phục hưng dưới sự cai trị của vị vua trẻ là Giô-sia . Khi vị vua này qua đời vào năm 609 BC quốc gia Giu-đa lụn bại và bắt đầu thờ các thần khác. Đó là thời kỳ Habacúc viết sách tiên tri này.

Tôi đoán Habacúc vào khoảng 30 tuổi khi ông viết sách này. Ông sinh sống cùng thời với tiên tri Êxêchiên và Giêrêmi và có lẽ lớn hơn Đaniên 10-15 tuổi.

Khi ông thấy tinh thần đạo đức của dân Giu-đa xuống quá thấp, ông cầu xin Chúa làm cái gì đó để giúp dân Giu-đa của ông quay về thờ phượng Đức Chúa Trời . Trong đầu óc của ông, có lẽ ông nghĩ đến việc Đức Chúa Trời ban cho dân tộc ông một vị vua khác, tốt như Giô-sia để dìu dắt dân tộc ông. Ông không bao giờ ngờ rằng Đức Chúa Trời trả lời bằng cách dùng dân Babylôn tàn bạo để sửa trị dân Giu- đa.

Tôi cũng nhìn ra tinh thần đạo đức của dân chúng Hoa kỳ ngày nay sa sút thậm tệ và tôi chợt nhớ đến cách nay hơn 60 năm, khi Billy Graham còn là một Mục sư trẻ, ông đã tuyên bố “ Nếu Đức Chúa Trời không phán xét Hoa kỳ thì chắc chắn Chúa phải xin lỗi dân thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ”. 60 năm sau, hôm nay, tôi thấy điều này càng đúng hơn.

Habacúc cũng sống trong hoàn cảnh như chúng ta. Ông thấy dân Giu-đa sống xa cách Đức Chúa Trời, thờ các thần tượng và đời sống đạo đức lụn bại. Ông cầu cứu với Chúa. Và ông ghi lại cuộc đối thoại với Chúa.

Ông có nhiều vấn nạn và ông tìm đến Chúa và hỏi Ngài. Vì vậy, nghiên cứu sách này, chúng ta sẽ hiểu ý nghĩa của tin tức đang xảy ra khắp năm châu. Từ tin chặt đầu hai ký giả Hoa kỳ một cách dã man của nhóm Hồi giáo quá khích ISIS, đến cơn bệnh Ebola tại Phi Châu , tình hình phức tạp ở Syria, Iraq, biểu tình ở Hồng Kông, Tân cương, Kinh tế suy sụp của Hoa kỳ và lớn mạnh của Trung quốc … Đức Chúa Trời đã bày ra một thế đồ chuẩn bị cho một màn mà chỉ những ai ở trong Chúa mới thấy bàn tay thiết kế của Đức Chúa Trời.

Lời giải đáp về lịch sử quá khứ, hiện tại hay tương lai đều có trước trong quyển Kinh Thánh là lời của Đức Chúa Trời. Vấn đề là phải hiểu thật rõ phần nội dung và sự mầu nhiệm của lời Chúa. Riêng về phân đoạn ngắn mà chúng ta tìm hiểu hôm nay nằm trong 11 câu của chương một, Habacúc mang cho chúng ta một số bài học quý báu.

  • PHƯƠNG CÁCH CỦA CHÚA THẬT QUÁ KỲ LẠ (1:2a, 5-6)

Chúng ta thấy qua nhiều cách:

  • Chúa bất động  Chúa im lặng khó hiểu

Tôi kêu van mà Ngài không nghe tôi cho đến chừng nào? (1:2a)

Ngạc nhiên trước tiên là thái độ bất động của Chúa.  Chúa dường như trong nhiều trường hợp giữ im lặng. Một sự im lặng thật khó hiểu.

Tại sao Chúa cho phép vài điều xảy ra? Tại sao Chúa để nhóm Khủng bố Hồi giáo quá khích tàn sát những ai không theo chúng và ngay cả Chúa để chúng tàn sát cả làng theo đạo Chúa?

• Một bà tín đồ tốt trong Hội Thánh cầu nguyện cho đứa con ương ngạnh. Nó lớn lên trong Chúa, nó dự lớp Trường Chúa nhật, nó biết Kinh Thánh nhưng khi nó rời khỏi nhà, nó bỏ tất cả. Nhiều năm bà mẹ cầu xin trôi qua, nó vẫn còn là đứa con hoang đàng
• Một người cầu xin Chúa cho chồng mình trở về với vợ con. Sau 23 năm chung sống, người chồng bỏ bà để chung sống với người đàn bà khác trẻ đẹp hơn. Ông ta vẫn bặt tin, không liên lạc và hình như ly dị là việc không thể tránh được.
• Một người chồng cầu xin Chúa chữa bệnh cho vợ mình. Bà bị ung thư  trong giai đoạn cuối cùng. Bác sĩ cho biết bà còn 6 hoặc 7 tháng để sống. Các trưởng lão, cùng Mục sư cầu nguyện hết lòng với Chúa và bà ấy đã qua đời sau 5 tháng chống cự với cơn bệnh ung thư

“Đức Giê-hô-va! Vì cớ gì mà Ngài đứng xa.
Lúc gian truân, tại sao Ngài ẩn mình!  Thi 10:1

•Hồi tháng Tư , 2014 , 276 nữ học sinh Nigerian bị nhóm Hồi giáo quá khích tên là Boko Haram bắt cóc. Hầu hết các em là Cơ đốc nhân. Họ phạm tội gì? Các em muốn được đi học và Hồi giáo tại xứ này không muốn đàn bà, con gái đi học.
Hàng triệu người cầu nguyện cho sự an toàn của các em.
Đến nay chỉ có 57 em trốn thoát. Không ai biết các em còn lại sẽ ra sao : bị bán làm nô lệ hay bị cưỡng bức tình dục
Bọn bắt cóc thu hình và gởi video cho các cơ quan truyền thông. Cho biết họ sẽ làm như vậy!
Chúng ta hỏi Chúa, Tại sao Chúa không làm gì hết để giải cứu các em? Chúa im lặng.

Tại sao Chúa để chiến tranh xảy ra gần như mỗi ngày đều có người chết vì giặc giả,
Tại sao Chúa để bao nhiêu điều bất công xảy ra.
Tại sao nhiều Hội Thánh của Chúa bị sụt giảm số con dân đến thờ phượng?
Tại sao Chúa không mở đường cho Phúc âm của Ngài được dễ dàng truyền  bá?
Tại sao Chúa vẫn để cho bao nhiêu kẻ vô thần, tàn ác sống bình an, hưởng mọi tiện nghi trong cuộc sống?

Tại sao Chúa không trả lời những lời cầu xin từ những người trung tín với Ngài?
“Tôi kêu van mà Ngài không nghe tôi cho đến chừng nào?”

Câu hỏi này không những xuất phát từ cá nhân tín hữu mà từ Hội Thánh nữa. Hội Thánh nêu những nhu cầu cần cầu nguyện, và chúng ta hết lòng cầu xin nhưng dường như Chúa im lặng, không có hành động nào hết. Chúa không trả lời.

  • Chúa trả lời ngoài sự tưởng tượng của chúng ta.   “  Hãy nhìn trong các nước và xem, hãy lấy làm lạ và sững sờ! Vì ta đang làm ra trong ngày các ngươi một việc, mà dầu có ai thuật lại cho các ngươi, các ngươi cũng không tin.  (1: 5)

Điều ngạc nhiên thứ hai là Chúa trả lời ngoài tầm mức trông đợi của chúng ta. Có khi Chúa ban điều chúng ta không muốn, có khi câu trả lời không làm chúng ta thỏa lòng. Và có khi làm chúng ta sững sờ ngạc nhiên

Hãy xem Habacuc viết lại sau thời gian chờ đợi mà Chúa im lặng, bây giờ Chúa trả lời.
Điều Chúa trả lời làm ông ngạc nhiên hơn là Chúa im lặng .
Điều mà ông Habacúc mong chờ là ông cần Chúa làm cái gì đó để dân Giu-đa của ông được sự phục hưng mới , quay về thờ phượng Đức Chúa Trời.

Nhưng Chúa đáp “ ta đang làm ra trong ngày các ngươi một việc, mà dầu có ai thuật lại cho các ngươi, các ngươi cũng không tin

Đó là những gì Chúa phán cùng ông. Và đó là việc sẽ xảy ra cho dân Giu-đa.
Thông thường chúng ta cầu xin kèm với lời mách cho Chúa biết Chúa nên trả lời như thế nào. Chúng ta cho rằng chúng ta hiểu tình thế, nhu cầu và tương lai phải như thế nào nên Chúa sẽ trả lời theo sự suy tính của chúng ta.

Nhưng Kinh thánh dạy chúng ta Đức Chúa Trời có khi trả lời lời cầu xin của chúng ta bằng cái xấu hơn trước khi điều tốt xảy ra. Nhiều khi nó hoàn toàn xảy ra trái ngược với sự mong đợi của chúng ta. Ngài có thể đè bẹp chúng ta bằng quân Canh đê, bằng khủng bố, bằng kẻ phá hoại tấn công chúng ta.

Đó là vấn đề căn bản. Cơ đốc nhân phải chuẩn bị điều xấu xa nhất, điều không ai mong đợi có thể xảy đến cho Hội Thánh khi chúng ta cầu xin Chúa.

C.  Chúa dùng phương tiện không ai ngờ tới    “ Nầy, ta khiến người Canh-đê dấy lên, nó là một dân dữ tợn lung lăng, hay đi khắp đất đặng chiếm lấy những chỗ ở không thuộc về mình. (1:6)   

Điều ngạc nhiên thứ ba là Chúa dùng cách không ai nghĩ tới, Chúa dùng phương tiện hết sức đặc biệt để đạt mục tiêu của Ngài. Do đó chúng ta cũng không nên quá ngạc nhiên cách hành xử lạ lùng của Ngài.

Chắc chắn không có điều gì làm cho ông Habacúc ngạc nhiên bằng lời phán này của Đức Chúa Trời. Ông biết Canh đê là ai. Mọi người biết Canh đê là dân Babylôn tàn ác không ai bằng.

Không ai có thể chống cự chúng, không ai có thể đứng trước chúng
Không ai có thể đánh bại chúng
Chúng rất tàn ác, đến đâu gieo tai họa đến đó.
Đến đâu gieo tang tóc, chết chóc đến đó.

Hãy nghe chính Đức Chúa Trời mô tả dân Babylôn:
Dữ tợn và hung hăng (v. 6)
Đáng sợ và đáng ghê (v. 7)
Phán xét theo luật của mình (v. 7)
Lanh lẹ như con beo (v.8)
Hung dữ hơn muông sói (v.8)
Bay lẹ như chim ưng (v.8)
Nhốt các nô lệ như cát (v.9)
Nhạo cười các vua (v.10)
Chê báng các quan trưởng(v.10)
Chê cười các đồn lũy( v.10)

Chúa biết rất rõ dân này độc ác như thế nào . Khi Chúa quyết định trừng phạt hay phán xét dân Giu-đa, Ngài chọn dân Canh đê.
Giống như Chúa phán:” Ta sẽ khiến ISIS dấy lên để trừng phạt Hoa kỳ. Vì các người không vâng theo luật của ta, rồi đây các người sẽ sống dưới luật Sharia”

Nếu người Hoa kỳ không tin thì cũng chỉ giống như ông Habacúc thuở đó mà thôi. Ông không tin những gì ông nghe từ miệng của Đức Chúa Trời.
Meriam Ibrahim
Cô Meriam Ibrahim, bác sĩ 27 tuổi người Sudan bị bắt về tội bội giáo và tà dâm. Tội bội giáo là khi nào cô bỏ đạo Hồi để gia nhập đạo khác nhưng cô là người lớn lên theo đạo Cơ đốc. Cô không thể bội giáo vì cô không hề bỏ Hồi giáo vì cô chưa bao giờ là tín đồ cũa Hồi giáo. Cô bị buộc tội tà dâm vì cô có con với người chồng , một cơ đốc nhân, người Sudan di cư sang Hoa kỳ. Họ không công nhận cuộc hôn nhân với người theo đạo Cơ đốc vì thế cô phạm tội tà dâm.  Cô bị kêu án tử hình bằng treo cổ vì tội bội đạo và bị đánh 100 roi vì tội tà dâm.

Họ cho cô cơ hội khỏi chết và tự do nếu cô chịu công khai từ bỏ niềm tin Cơ đốc. Biện lý hai lần nhắc nhở rằng nếu cô từ chối Chúa Jesus thì cô được tha và mỗi lần như vậy, cô đều từ chối. Cuối cùng cô xác quyết :” Tôi là Cơ đốc nhân và tôi sẽ mãi mãi là Cơ đốc nhân”

Bởi sự cương quyết đó, họ không những bỏ cô vào tù mà còn cùm hai tay và hai chân nữa. Chính quyền vẫn không chịu tháo xiềng khi cô sanh con trong tù.

Dù gian nan, cô vẫn không từ bỏ niềm tin.  Với hàng triệu người phản đối, chính quyền Sudan cuối cùng cho phép cô rời Sudan cùng với chồng và 2 con đến định cư tại Hoa kỳ.

Đây là câu chuyện có hậu. Thấy rõ ràng sự hiện hữu của Đức Chúa Trời để cho chúng ta thấy rằng nếu Chúa muốn Chúa có thể khiến một chánh quyền tàn ác Sudan phải đầu hàng chịu thua trước một Cơ đốc nhân bé nhỏ và Chúa cũng có thể dùng một dân Babylôn tàn ác để trừng phạt dân sự của Ngài.

  • PHƯƠNG CÁCH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI THƯỜNG BỊ HIỂU LẦM
  • Từ những Cơ đốc nhân  (1:5)

Trong câu 1:5 Đức Chúa Trời phán với dân Giu-đa là những người từng là con dân của Ngài  rẳng họ sẽ nghe nhưng vẫn không tin

 Vì ta đang làm ra trong ngày các ngươi một việc, mà dầu có ai thuật lại cho các ngươi, các ngươi cũng không tin

Thái độ của họ là : “ Này, ông tiên tri này nói với chúng ta rằng Đức Chúa Trời sẽ dùng dân Babylôn trừng phạt chúng ta – Làm sao Đức Chúa Trời có thể làm như vậy được –  Chúa sẽ không bao giờ dùng dân ác độc, thờ hình tượng để hại chúng ta.

Đây là điều không thể nào xảy ra! Nhưng nó đã xảy ra đúng như lời Chúa phán.

Dân Giu-đa gặp khó khăn vì họ không tin vào các tiên tri của Đức Chúa Trời. Dân của Chúa cũng thường không nghe và không tin lời giảng của các mục sư.

Một thí dụ quan trọng nhất được thấy trong Công vụ 13:41, Sứ đồ Phao lô đã dùng câu Habacuc 1:5 này khi ông giảng tại thành An-ti-ốt xứ Bi-si-đi. Tóm lược lời giảng của Phao lô có thể như sau:

“ Quý vị sẽ không tin cũng như cha ông của quý vị đã không tin. Vì dân Ysơraên không nhận ra Chúa Jesus là Chúa Cứu Thế của Đức Chúa Trời nên đã đóng đinh Ngài trên cây thập tự, rồi sau đó từ chối Phúc âm của Ngài. Đức Chúa Trời cuối cùng đành phải trừng phạt họ. Ngài đã dựng lên quân  đội La-mã để tàn phá đền thờ tại Jerusalem và đuổi dân tộc này tản mác khắp các nước. Tôi biết quý vị không tin điều này , cũng như ngày trước Habacúc đã cho biết Ngài sẽ dùng dân Babylôn để tàn phá nước Giu-đa nhưng chẳng ai tin. Quý vị hôm nay tiếp tục bỏ qua thông điệp của Đức Chúa Trời.”

Năm 70 AD điều đó đã xảy ra. Quân La-mã bao vây thành Jerusalem, tàn phá thành và đền thờ và dân Do Thái bị tản lạc khắp năm châu.

Những Cơ đốc nhân hời hợt thường không tin vào lời cảnh cáo của lời Chúa. Họ cho rằng:” Chúa sẽ không bao giờ làm như vậy” .

Tôi xin nhắc nhở rằng “ Chúa sẽ làm như Chúa đã nói” Có thể Chúa dùng quân khủng bố Hồi giáo để thức tỉnh dân sự của Ngài và dạy chúng ta một bài học. Chúng ta phải tự cảnh cáo mình Đức Chúa Trời có thể dùng bất cứ phương tiện nào để dạy dỗ dân sự Ngài.

B. Hiểu lầm bi dân ngoại   (1:11) Bấy giờ nó sẽ sấn tới như gió thổi qua; vì nó lấy sức mạnh mình làm thần mình, nên phạm tội trọng.

Phương cách của Chúa thường bị người đời hiểu lầm
Dân Babylôn hoàn toàn không biết rằng Đức Chúa Trời đang sử dụng họ làm công cụ cho công việc của Ngài. Họ nghĩ rằng họ thành công trong việc xâm chiếm xứ Giu-đa là do sức mạnh của họ. Nhưng Đức Chúa Trời sớm cho họ thấy Ngài dựng họ lên và xô chúng ngã xuống

Nhân loại ngày nay hãnh diện về những phát minh, về sự giàu sang, về tiến bộ kỷ thuật và họ nghĩ rằng họ có thể bằng Đấng Tạo Hoá để đi đến chỗ phủ nhận sự hiện hữu của Đấng Tạo Hoá.

Nhân loại cười chê Cơ đốc nhân vì họ thấy họ vẫn thành công, đạt ý nguyện mà chẳng màn đến việc thờ phượng Đức Chúa Trời.

Họ hoàn toàn không hiểu những gì đang xảy ra hôm nay. Những gì họ có, những gì họ đạt được, những thành quả của họ , những thành công của họ đều là hư không, chẳng có chút giá trị nào trên thiên đàng, cho cuộc sống đời đời và nhất là điều họ đang có là do Đức Chúa Trời ban cho. Đấng Toàn năng có thể tạo ra và rồi đây sẽ hũy diệt hoàn toàn.

Họ chỉ tạm thời quản lý theo ý muốn của Đức Chúa Trời. Rồi họ sẽ ngạc nhiên vì thình lình những cái đó sẽ biến mất đi theo kế hoạch của Đức Chúa Trời. Cái giá trị thật sự của những tin tức hôm nay không bao giờ được người đời tìm ra.

KẾT LUẬN

Thứ nhất – Mọi sự xảy ra trên thế giới đều dưới sự kiểm soát của Đức Chúa Trời. Tất cả mọi biến cố dù là chính trị, quân sự, kinh tế, tôn giáo đều không thoát ra khỏi sự kiểm soát của Chúa.

Thứ hai – Mọi sự xảy ra theo kế hoạch của Đức Chúa Trời.  Những biến cố xảy ra mỗi ngày không do tình cờ, hay bất ngờ. Tất cả nằm trong chương trình của Chúa.

Những tin tức xảy ra trên thế giới từ chiến tranh, khủng bố, bệnh Ebola đều không do tình cờ xảy ra. Nó làm chúng ta ngạc nhiên nhưng nó không làm Chúa ngạc nhiên đâu.

Hội Thánh là trung tâm của kế hoạch của Chúa. Đấng Cứu thế không xây ra nước Hoa kỳ hay Việt Nam. Chúa Jesus xây dựng Hội Thánh của Ngài tại Hoa kỳ và Việt Nam cũng như khắp thế giới. Các cửa điạ ngục sẽ không bao giờ xuất hiện tại các nhà thờ của Chúa. Hội Thánh là trung tâm của chương trình của Đức Chúa Trời tại thế gian này.

Thứ ba – Mọi sự xảy ra theo định kỳ của Đức Chúa Trời.
Thứ tư – Mọi điều xảy ra đều hướng về vương quốc của Đức Chúa Trời.  Chìa khóa của lịch sử thế giới là nước Đức Chúa Trời.

Mùa hè 1939 Dr. Donald Grey Barnhouse, Mục sư tại Hội Thánh Tenth Presbyterian tại thành phố Philadelphia, PA được mời sang Scotland để giảng bồi linh. Gia đình ông nghỉ hè  tại khu resort ở Normandy thuộc Pháp. Theo chương trình thì ông sẽ bận rộn suốt mùa hè và đến tháng 9 thì ông sẽ chia sẻ tại Belfast, nước Ái nhĩ Lan.Ireland.  Tuy nhiên, ông có được một tuần nghỉ ngơi và ông định bay sang Pháp cùng ở với vợ con.

Lúc đó tình hình bên Pháp và Âu châu rất bất an. Hitler ký hiệp ước với Nga và đe dọa sẽ tấn công Balan. Chiến tranh sẽ lan rộng khắp Âu châu. Ai ai cũng khuyên ông nhưng ông quyết định đi Pháp nghỉ hè với gia đình một tuần lễ.

Không khí chiến tranh bao trùm xứ Pháp.
Đến ngày thứ Năm, người ta cho biết không còn chuyến bay về Anh. Pháp đã công bố lệnh tổng động viên. Bây giờ muốn đi sang Anh, ông phải dùng xe lửa đến bờ biển của Pháp và dùng tàu để sang Anh. . Nước Anh sẽ tuyên chiến với Đức nếu Đức không rút lui ra khỏi Balan. Đó là thứ sáu September 1, 1939

May  mắn Dr. Barnhouse bắt kịp chuyến tàu cuối cùng để sang bờ biển Anh rồi từ đó ông dùng xe lửa đến Belfast. Ông đến đây lúc 3:00 sáng ngày Chúa nhật.
Ban tổ chức đón ông và đưa ông về Khách sạn. Cả thành phố tối đen do lệnh cấm thắp đèn vì máy bay của địch. Buổi thờ phượng sẽ bắt đầu lúc 11:00 sáng và họ sẽ đến khách sạn lúc 10:30 để đưa ông đến Nhà thờ. ‘ Chúng tôi hy vọng sẽ được nghe một bài giảng hay vì có lẽ đây là bài giảng cuối cùng mà chúng tôi được nghe vì sau đó nhiều người sẽ gia nhập vào quân đội”

Dr. Barnhouse một mình trong khách sạn. Ông chọn giấy và viết dàn bài mà ông sẽ chia sẽ sáng nay. Mấy năm sau, ông tiết lộ “ tôi đứng lên và cầu nguyện. Thình lình một câu Kinh Thánh đến với tôi và tôi ghi vội lên giấy ba hay bốn ý tưởng làm nền tảng cho bài giảng hôm đó. Sau đó tôi đi ngủ”.

Đến sáng , các Radio thông báo thủ tướng Anh Chamberlain sẽ xuất hiện trên Radio vào trưa để công bố một thông báo thật quan trọng. Ban tổ chức đều nghĩ rằng buổi thờ phượng chắc sẽ không có nhiều người đến vì mọi người đang muốn nghe quyết định của Chánh phủ trước vấn đề sanh tử này.

Thật bất ngờ, Sanctuary của nhà thờ  St. Enoch’s Church, lớn nhất vùng Ireland đầy người .

Dr. Barnhouse bắt đầu bằng cách cho họ biết ông chuẩn bị bài chia sẻ này lúc 4:00 giờ sáng và ông được Chúa chỉ cho một câu Kinh Thánh thật lạ lùng với hoàn cảnh hiện tại của chúng ta là Chúa Nhật September 3, 1939 , ngày mà nước Anh tuyên chiến với nước Đức.

Đó là câu Mathiơ 24:6 “Các người sẽ nghe nói về giặc và tiếng đồn về giặc. Hãy giữ mình, đừng bối rối”.

Dr. Barnhouse kể lại những cảnh mà ông chứng kiến khi ông đi từ Normandy đến đây.

  • Ông muốn nói với những thanh niên tòng quân Pháp: đừng bối rối.
  • Ông nói với nhũng em bé mất cha hoảng sợ chạy trên đường: đừng bối rối.
  • Ông muốn nói với hàng triệu người sẽ không có nhà để trú thân: đừng bối rối.
  • Ông muốn nói với hàng triệu người mẹ, người vợ sẽ mất con mất chồng: đừng bối rối

Ông đưa hai tay lên trời than thở:
” Chúa ơi! những dòng chữ này thật khủng khiếp.

  • Làm sao có thể nói với những thanh niên đang lao đầu vào hỏa tuyến là đừng bối rối,
  • làm sao có thể nói với những bà mẹ mất con là đừng bối rối,
  • những người vợ mất chồng là đừng bối rối,
  • những em bé lạc loài mất mẹ mất cha là đừng bối rối.

Chúa ơi! Làm sao Chúa Jesus Christ có thể nói như vậy được?

Nhưng Chúa Jesus là Đức Chúa Trời. Ngài là Chúa của lịch sử. Ngài là Chúa của các biến cố . Ngài là Chúa của mọi hoàn cảnh. Vì đó là kế hoạch của Ngài. Kỳ hạn mà Ngài đã vạch sẵn.

“Xin đừng bối rối. vì những sự ấy phải xảy đến”.

Thưa quý Hội Thánh
Thông điệp của Mục sư Dr. Barnhouse cách đây 75 năm giống với bài học mà Đức Chúa Trời dạy ông tiên tri Habacúc là để dạy dỗ anh chi em chúng ta.

Chúa kiểm soát mọi biến cố theo kế hoạch và định kỳ của Ngài.
Hãy yên tâm. Hãy vững lòng. Hội Thánh là trung tâm của Ngài.

Bài sau10. Hiểu Lầm
Bài trước12. Ba Câu Hỏi Dành Cho Chúa