Mi-chê 6:6-8 Ta sẽ đem vật gì chầu trước mặt Đức Giê-hô-va và quì lạy trước mặt Đức Chúa Trời rất cao? Ta sẽ đến trước mặt Ngài với những của lễ thiêu và với những bò con giáp niên sao? 7 Đức Giê-hô-va há có thích những hàng ngàn chiên đực hay là hàng vạn sông dầu sao? Ta há nên dâng con đầu lòng của ta vì sự phạm pháp ta, và trái của thân thể ta vì tội lỗi linh hồn ta sao? 8 Hỡi người! Ngài đã tỏ cho ngươi điều gì là thiện; cái điều mà Đức Giê-hô-va đòi ngươi há chẳng phải là làm sự công bình, ưa sự nhân từ và bước đi cách khiêm nhường với Đức Chúa Trời ngươi sao? phải kính sợ danh Ngài. Hãy nghe gậy, mà biết là ai đã định.
Còn một tuần nữa là đến ngày Lễ Chúa Giáng sinh. Có lẽ còn nhiều người chưa sẵn sàng mua quà tặng cho bạn bè thân hữu cũng như cho cha mẹ, anh chị em, con cháu của mình. Hãy cẩn thận khi mua quà. Tôi nhớ có một năm, thiên hạ đua nhau mua cho được một con búp bê đến giá 700 đô-la để rồi sau đó vài tháng, con búp bê đó bán ra $40 cũng không ai mua.
Mua quà là một vấn đề. Nếu quý vị thương mến người nào đó, quý vị phải tin chắc rằng người đó thích món quà của quý vị . Mua quà tặng ai thì không thể mua theo ý thích của mình mà theo ý thích của người nhận quà.
Lý tưởng là không những món quà theo đúng ý thích của người nhận quà mà phải có sự ngạc nhiên thì giá trị món quà sẽ gia tăng. Thử tưởng tượng, quý vị nhận một món quà mà chẳng ngạc nhiên chút nào cả thì thật mất vui cho cả hai bên.
TÌM MÓN QUÀ TUYỆT HÃO
Thật khó mà mua món quà lý tưởng. Khó vì nó phải vừa ý mình mà cũng vừa ý người nhận và vừa túi tiền của mình mà không quá tệ để ngươì nhận quà không bị chạm tự ái.
Tệ nhất là tặng một món quà mà người nhận không thích: màu sắc không thích, mùi vị không thích hoặc đã có rồi , không bao giờ dùng nó hay không hợp với những cái mà họ đã có rồi.
Vậy câu hỏi trong đầu của Cơ đốc nhân: “ Trong ngày lễ Giáng sinh năm nay, trong ngày sinh nhật của Chúa , chúng ta sẽ tặng Chúa Jesus món quà gì ?
Món quà nào cho Chúa? Ngài là Đấng Tạo Hoá (Hê-bơ-rơ 1:2) và Ngài có tất cả (Cô-lô-se 1:17). Vậy chúng ta nên tặng cái gì ? Một câu hỏi hóc búa !
MỘT NGƯỜI TÊN LÀ MI-CHÊ
May mắn thay! Chúng ta có một người giúp chúng ta trả lời câu hỏi này. Đức Chúa Trời ghi lại cho chúng ta biết Ngài muốn món quà gì .
Câu trả lời đó được một nhân vật tên là Mi-chê ghi lại trong sách mang tên ông.
Mi-chê sống vào khoảng 700 năm trước khi Chúa Jesus giáng sinh . Ông thuộc vương quốc Giu-đa và nói tiên tri đồng thời với Ê-sai và Ô-sê. Mi-chê là tiên tri ở miền thôn quê phía nam Jerusalem chừng 20 dặm trong thị trấn tên là Mô-rê-sết, giáp ranh với xứ Phi-li-tin. Trong khi đó thì tiên tri Ê-sai truyền giảng trong triều đình tại Jerusalem. Mi-chê nói tiên tri về Sa-ma-ri, kinh đô của Y-sơ-ra-ên và về Jerusalem kinh đô của Giu-đa.
Tiên tri Mi-chê tố giác những tội lỗi của các lãnh đạo chính trị và tôn giáo. Những người này tham ô dùng quyền lực của mình để làm lợi cho mình. Ông thấy kẻ giàu ngược đãi người nghèo. Tiếng kêu than thấu đến trời. Ông cho biết những hành động gian ác đó là làm nhục Đức Chúa Trời và Ngài nổi giận. Trong khi đó dân chúng lầm than nhưng cố tình dùng những nghi thức tôn giáo, dùng lễ vật hơn là tầm lòng kêu van Đức Chúa Trời. Mi-chê cho biết việc làm đó vô ích.
Mi-chê cho biết Đức Chúa Trời quở trách dân Ysơraên vì sự bất công, bất trung, không thành thật và thờ thần tượng. Sa-ma-ri thủ đô của Y-sơ-ra-ên sẽ thất thủ, dân này sẽ bị lưu đày . Tội lỗi này lan tràn mau chóng đến Giu-đa và Giu-đa cũng sẽ chung số phận như Ysơraên.
Từ đoạn 3-5, Mi-chê công bố sự giáng lâm của Chúa Cứu Thế. Sau đây là những lời tiên tri liên hệ đến Chúa Cứu Thế:
- Địa điểm Chúa Jesus sanh ra (5:2)
- Đấng Christ là vua 2:12,13
- Chúa Cứu Thế cai trị thế gian bằng đức công bình 4:1,7
- Jerusalem sẽ là Kinh đô của Nước của Đấng Christ 4:2
- Đặc điểm của vương quốc này là : hòa bình 4:3, hưng thịnh, phước hạnh 4:4, công chính 4:6
Sách Mi-chê được trích dẫn ba lần:
- Giêrêmi 25:18 trích dẫn Mi-chê 3:12
- Bởi các bác sĩ đông phương khi đến Jerusalem – Ma-thi-ơ 2:5-6 trích Mi-chê 5:2 và
- Bởi Chúa Jesus khi sai phái 12 sứ đồ trong Mathiơ 10:35-36 trích Mi-chê 7:6.
Trong đoạn 6, Mi-chê cho biết dân Ysơraên chẳng đếm xỉa gì đến Đức Chúa Trời. Vì vậy, Ngài bảo họ hãy nhớ lại xem Ngài đã từng đối xứ thật tốt với họ như thế nào và Ngài giữ giao ước với họ như thế nào (6:3) . ( Có lẽ Chúa cũng làm như vậy đối với anh chị em nào không đếm xỉa đến Ngài thì Ngài cũng nhắc nhở người đó nhớ đến những đối xử khi nhận ân phước trong qua khứ ). Chừng đó, vì lương tâm cắn rứt, dân chúng nêu lên câu hỏi là họ phải làm gì để Đức húa Trời đẹp lòng. Thật sự, họ có muốn biết điều gì làm Chúa vừa lòng không ?
Trong ba câu 6,7 và 8 của đoạn 6 này, Đức Chúa Trời cho biết những gì Ngài không thích và thích để chúng ta tặng trong ngày Chúa Jesus giáng sinh năm nay.
I. CÂU TRẢ LỜI SAI câu 6-7
Chúa muốn gì từ dân sự của Ngài ? Câu 6-7 là câu trả lời sai.
A. MÓN QUÀ CHỈ CÓ HÌNH THỨC LỄ NGHI – câu 6
“ Ta sẽ đem vật gì chầu trước mặt Đức Giê-hô-va và quì lạy trước mặt Đức Chúa Trời rất cao? Ta sẽ đến trước mặt Ngài với những của lễ thiêu và với những bò con giáp niên sao?”
Họ nghe Mi-chê cảnh cáo và họ muốn biết “ Đức Chúa Trời muốn họ làm gì ? ”
Trước tiên họ tự nghĩ đến hình thức và nghi lễ. Họ nghĩ đến việc đến chầu và quỳ lạy trước mặt Đức Chúa Trời . Có lẽ Đức Chúa Trời sẽ vui lòng khi thấy chúng ta đến nhà thờ, quỳ lạy trước mặt Ngài và tuân theo những nghi thức của Hội Thánh bày ra như dâng hiến, dự tiệc thánh, lên hát tôn vinh …
Câu trả lời là điều này KHÔNG làm vui lòng Đức Chúa Trời.
B. SỐ LƯỢNG CỦA MÓN QUÀ – câu 7a
“ Đức Giê-hô-va há có thích những hàng ngàn chiên đực hay là hàng vạn sông dầu sao?
Nếu Chúa không vui lòng với những lễ nghi, hình thức thì có lẽ Ngài sẽ vui nếu phần lượng dâng lên nhiều hơn ? Do đó họ có tư tưởng là sẽ gia tăng phần dâng hiến . Thay vì vài con bò giáp niên , họ đề nghị dâng lên hàng ngàn con chiên đực. Thay vì một ít dầu để nhồi với bột hay để đốt các cây đèn trong đền thờ, họ nghĩ đến con số hàng vạn con sông dầu là điều không thể có để nói đến số lượng thật lớn đến độ không hợp lý. Với con số lượng nhiều như vậy, họ tin tưởng Đức Chúa Trời sẽ đẹp lòng. Họ hy vọng Đức Chúa Trời thấy tinh thần tôn trọng Ngài và muốn vừa lòng Ngài trong việc dùng lễ nghi và tăng số lượng hiến dâng.
Nhưng câu trả lời vẫn là KHÔNG.
C. DÂNG PHẦN QUÝ BÁU NHẤT – Câu 7b
“ Ta há nên dâng con đầu lòng của ta vì sự phạm pháp ta, và trái của thân thể ta vì tội lỗi linh hồn ta sao?
Đây là một đề nghị táo bạo, phản đạo đức và Đức Chúa Trời cấm việc dùng con đầu lòng làm của lễ thiêu. Đây là lễ nghi dã man thực hành bởi những dân tộc chung quanh Do Thái. Họ nghĩ rằng sự hy sinh đứa con đầu lòng của mình sẽ làm Đức Chúa Trời cảm động mà chấp nhận. Nhiều người nghĩ nông cạn rằng hy sinh cái quý báu nhất của mình sẽ làm vừa lòng người kia bất kể người nhận quà sẽ suy nghĩ như thế nào. Việc dâng con mình là của lễ thiêu chắc chắn sẽ không làm Ngài vui lòng mà còn trái ngược lại.
CÂU CHUYỆN THỤ ĐIÊU VÀ DỊCH NHA
Thụ Điêu là đầy tớ yêu của vua Tề Hoàn Công. Từ khi Tề hoàn Công giao việc quốc chính cho Quản Trọng, thường ở trong cung ít ra ngoài nên Thụ Điêu không sao thân cận vì ra vào nội đình là chuyện cấm. Thụ Điêu bèn tự thiến mình, rồi xin vào hầu hạ vua.
Dịch Nha là ngườì rất thạo nấu ăn, đánh xe giỏi. Một ngày kia công chúa bịnh, Dịch Nha nấu ăn dâng lên, Công Chúa ăn vào khỏi bịnh nên đem lòng yêu mến. Công chúa tiến cử với Tề Hoàn Công. Một hôm vua hỏi Dịch Nha: “ Người có phải là tay nấu ăn khéo không? Dịch Nha đáp: “Tâu Chúa công, tài ấy không ai sánh kịp. Tề Hoàn Công nói đùa: “ Các giống điểu thú trùng ngư ta đã dùng cả rồi, chỉ có thịt người là ta chưa biết vị mà thôi”. Dịch Nha lui ra. Đến bữa trưa đem vào dâng lên một mâm thịt chín mềm như thịt dê non, mùi thơm ngào ngạt. Tề Hoàn Công ăn xong rồi hỏi: “ Thit gì mà ngon thế? Dịch Nha tâu: Đó là thịt người! Tề Hoàn Công giật mình, kinh ngạc hỏi: “ Nhà người lấy ở đâu?” Dịch Nha đáp: “ Đứa con trai đầu lòng của tôi mới lên ba tuổi. Tôi thiết tưởng đã trung thần với vua thì kể gì tình nhà nên làm thit con tôi đên dâng cho Chúa công ăn ”.
Tề Hoàn Công trầm mặt “Thôi ngươi lui ra !”
Từ đó Thụ Điêu và Dịch Nha được vua yêu mến .
Khi Quản Trọng già yếu ,trước khi qua đời, Tề Hoàn Công hỏi Quản Trọng nhận xét về Thụ Điêu thì Quản Trọng nói “ Có gì quý trọng hơn cơ thể mình. Cơ thể mà không quý thì người đó còn biết quý ai. Chẳng qua chỉ là kẻ ham danh lợi mà thôi chớ chẳng phải là trung thần.
Về Dịch Nha , Quản Trọng nhận xét : “Trời sanh loài người không gì quý hơn tình máu mủ. Nếu tình máu mủ mà còn nở dứt bỏ ắt con người đó không thể thương ai đâu !
Tặng quà mà bày lộ lòng ham danh lợi, dám bán rẽ ruột thịt máu mủ của mình thì dù nó quý, hiếm có, người nhận chắc gì đã cảm kích , vui lòng !
* * *
Tôi vừa trình bày một bức tranh với ba thái độ mà Đức Chúa Trời không vừa lòng. Có lẽ chúng cũng từng có những suy nghĩ như dân Do Thái thời Mi-Chê. Thât không sai nếu gọi đó là một loại tôn giáo mà thế gian hiện nay đang được tôn thờ . Tôn giáo theo kiểu “Let’s Make a Deal” “Tôn giáo Thương lượng” .
- “Ngài muốn gì, tôi sẽ làm theo để rồi Ngài sẽ ban cho tôi điều tôi xin”
- “ Cả hai cùng thỏa mãn”.
Họ nghĩ rằng Đức Chúa Trời sẽ trao đổi, thương lượng, mua bán sự tha thứ tội lỗi của họ bằng của những lễ dâng. Nghĩa là họ nghĩ rằng họ có thể mua lòng Chúa như họ mua lòng người lãnh đạo tham nhũng của họ.
Ngày nay, chúng ta thấy có lắm người cũng nghĩ theo kiểu : “Chúa muốn gì, Con sẽ làm theo” như vậy.
- Chúa muốn con là giáo sĩ, con sẵn sàng.
- Chúa muốn con độc thân hay lập gia đình ? Con sẽ làm theo.
- Chúa muốn còn làm Mục sư hay truyền đạo ? Con sẽ làm như vậy.
- Chúa muốn con làm chấp sự, Chúa muốn con làm thư ký. Vâng. Con sẽ nghe theo
- Chúa muốn con đọc Kinh Thánh hay cầu nguyện, vâng con sẽ làm theo.
Thái độ đó có sai không ? Thái độ đó rất tốt, cao quý và chính đáng. Đức Chúa Trời sẽ vui lòng nếu chúng ta hành động theo ý muốn của Chúa Ngài.
Nhưng nếu sự đáp ứng đó chỉ là bề ngoài, nếu sự đáp ứng đó có mục đích để nhận lại một cái gì đó thì là sự đáp ứng này sẽ không bao giờ làm vui lòng Đức Chúa Trời.
Những đáp ứng chỉ là sự trau đổi, đổi chác, mua bán. Chúa chắc chắn thấy sự toan tính này. Ngài chỉ muốn tấm lòng của chúng ta.
- Chúng ta có thể là một giáo sĩ nhưng lòng nặng nề.
- Chúng ta có thể là một Mục sư như một chức vụ có lương .
- Chúng ta có thể dâng hiến nhưng để được người ta tôn trọng .
- Chúng ta có thể rất nghiêm chỉnh thờ phượng nhưng Chúa vẫn xa cách nếu việc có mặt của chúng ta trong buổi thờ phượng này chỉ nhằm vào mục đích khác.
Đức Chúa Trời từ chối những đề nghị về những của lễ dâng của Ysơraên vì họ hoàn toàn thiếu một tấm lòng và những đề nghị của họ chỉ là sự trau đổi như mua bán mà thôi..
Họ muốn thương lượng với Chúa trong khi Chúa muốn những của lễ sống, là tấm lòng của họ.
Vậy, hỡi anh em, tôi lấy sự thương xót của Đức Chúa Trời khuyên anh em dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của anh em. 2Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào.Ro-ma 12:1-2
II. CÂU TRẢ LỜI ĐÚNG câu 8
Câu 8 là tóm lược những gì Chúa muốn ở tôi và ở quý vị. Đó là câu kinh văn được coi là trung tâm điểm của Cựu Ước và quan trọng nhất của Cựu Ước. Chúng ta phải ghi khắc câu này trong lòng và viết lên vách, lên kiếng soi mặt để chúng ta thấy nó mỗi ngày. Nó nhắc nhở chúng ta điều mà Đức Chúa Trời muốn khi Ngài nhìn vào cuộc sống của chúng ta.
“ Hỡi người! Ngài đã tỏ cho ngươi điều gì là thiện; cái điều mà Đức Giê-hô-va đòi ngươi há chẳng phải là làm sự công bình, ưa sự nhân từ và bước đi cách khiêm nhường với Đức Chúa Trời ngươi sao? ”
A. CÔNG BÌNH
Tiếng Hebrew là “ mishpat”. Trong Cựu Ước, chữ này áp dụng cho đặc tính của Đức Chúa Trời. – Ngài là công bình – tuyệt đối không thiên vị, tuyệt đối ngay thẳng trong mọi vấn đề mọi trường hợp. Trong Kinh Thánh, khái niệm này áp dụng rất chặc chẽ: chăm sóc kẻ nghèo, lo cho người goá bụa và trẻ mồ côi, chớ gặt lúa quá cẩn thận kẻo người đói có thề mót lúa, nói đúng sự thật, trả tiền công phải lẽ, dùng cân tốt, không gạt gẫm, không xuyên tạc sự thật, từ chối lợi dụng ai thiếu may mắn hơn mình.
Trong thế giới mà chúng ta đang sống, thật hiếm thấy sự công bình. Hầu hết chung quanh chúng ta đầy dẫy sự bất công. Kẻ giàu sẽ giàu thêm.Người nghèo sẽ nghèo thêm. Kẻ xấu thành công, người lương thiện bị thất bại.
Có một câu nói đùa: Ăn cắp $100 bị ngồi tù. Ăn cắp một triệu đồng thì được chọn làm dân biểu tiểu bang. Đó là hình ảnh mà xã hội chúng ta đang sống.
“ Làm sự công bình” là một hứa nguyện làm mọi sự theo lẽ phải dù hậu quả như thế nào.
Ma-thi-ơ 5: 10-12 “Phước cho những kẻ chịu bắt bớ vì sự công bình, vì nước thiên đàng là của những kẻ ấy! 11 Khi nào vì cớ ta mà người ta mắng nhiếc, bắt bớ, và lấy mọi điều dữ nói vu cho các ngươi, thì các ngươi sẽ được phước. 12 Hãy vui vẻ, và nức lòng mừng rỡ, vì phần thưởng các ngươi ở trên trời sẽ lớn lắm; bởi vì người ta cũng từng bắt bớ các đấng tiên tri trước các ngươi như vậy
Đức Chúa Trời mong chúng ta sống theo điều chúng ta được Ngài dạy dỗ.
B. NHÂN TỪ, THƯƠNG XÓT
Đó là cách chúng ta đối xử người khác. Chữ này theo tiếng Hebrew là “hesed “, nghĩa là “yêu trung thành” hay là “ tình yêu kiên trì” Nghĩa là yêu một người nào dù người kia không yêu mình. Đó là bổn phận phải chăm sóc người khác dù họ không quan tâm đến chúng ta.
“Phước cho những kẻ hay thương xót, vì sẽ được thương xót!” (Ma-thi-ơ 5:7)
Chúng ta thường dối lòng khi gặp cảnh đáng thương xót để từ chối giúp đỡ. Gặp một người đang xin tiền “ Homeless, need job”, ngoài đường phố, chúng ta vội vàng từ chối giúp vì thấy người này còn khỏe mạnh hơn chúng ta. Rồi tự nhủ thầm: tôi tiếng Anh dốt hơn anh ta, ốm yếu hơn anh ta, tại sao tôi sống được còn anh này phải ăn xin ? So sánh và từ chối giúp đỡ. Như vậy có đúng không ? Chúng ta chỉ thấy vài điều rồi so sánh rồi nhanh chóng từ chối và bằng lòng với quyết định hời hợt thiếu sự thương xót của mình. Lương tâm ngủ yên vì chúng ta có lý do tốt để từ chối.
Tôi có xem một đoạn phim ngắn “ Change For A Dollar ” . Một người đàn ông khỏe mạnh ngồi xin tiền khách qua đường với tấm bảng “ Change For A Dollar” . Hôm đó có lẽ là ngày 24. buổi chiều trước lễ Giáng sinh. Khi trời tối , anh đếm được vài đồng dolars bằng bạc cắc. Anh vào tiệm 7-11 mua một tách cà phê để tự thưởng cho một ngày dài. Trong tiệm anh nghe một bà mẹ nói với cậu con trai khoảng 5-6 tuổi : “ năm nay, mẹ không có tiền mua quà Giáng sinh cho con vì mẹ đang thất nghiệp, nhưng mẹ sẽ qua tiệm bên cạnh để xin việc làm vì mẹ thấy họ đang treo bảng “ Cần người” rồi mẹ sẽ mua quà cho con sau. Con ngoan của mẹ”. Anh ta kín đáo đánh rơi một cent để cho đứa bé thấy và lượm lên trao cho mẹ : “ Mẹ ơi! Đây là Lucky cent. Chúc mẹ tìm được việc” Anh mỉm cười sung sướng và ung dung, chậm rãi bước ra khỏi tiệm và có lẽ về nơi anh ngủ. Trên đường đi, bỗng anh thấy một người đàn bà đang ngồi ngủ gà ngủ gật trên một ghế công viên. Chung quanh bà những bao đồ bừa bộn . Chắc cũng là một homeless. Anh đến khều bà thức dậy và tặng cho bà ly cà phê mà ông chưa kịp uống. Sau đó ông thấy một cô gái ngồi trên hè phố có lẽ là gái buôn hương nhưng không có khách. Không biết cô gái nói gì, nhưng thấy ông ta đưa cho cô gái hai đồng quarters và cô đến chỗ điện thoại công cộng và nghe cô ấy nói trên điện thoại : “ Mẹ, Merry Christmas mẹ. Con sẽ về nhà với mẹ đêm nay”.
Thưa Hội Thánh
Đó là lòng thương xót của một người homeless bần hàn. Có lẽ chúng ta không nên viện cớ gì để từ chối giúp người.
“ Vậy anh em là kẻ chọn lựa của Đức Chúa Trời, là người thánh và rất yêu dấu của Ngài, hãy có lòng thương xót. Hãy mặc lấy sự nhân từ, khiêm nhường, mềm mại, nhịn nhục, Cô-lô-se 3:12
Trong Ma-thi-ơ 20:29 -34. “ Đang khi Đức Chúa Jêsus và môn đồ ra khỏi thành Giê-ri-cô, thì có một đoàn dân đông theo Ngài. 30 Nầy, có hai người mù ngồi bên đường, nghe nói Đức Chúa Jêsus qua đó, thì kêu lên rằng: Lạy Chúa, con cháu vua Đa-vít, xin thương xót chúng tôi! 31 Chúng rầy hai người ấy, biểu nín đi; nhưng họ kêu lớn hơn nữa, rằng: Lạy Chúa, con cháu vua Đa-vít, xin thương xót chúng tôi! 32 Đức Chúa Jêsus dừng lại, gọi hai người mù đến, mà phán rằng: Các ngươi muốn ta làm chi cho? 33 Họ thưa rằng: Lạy Chúa, xin cho mắt chúng tôi được mở ra. 34 Đức Chúa Jêsus động lòng thương xót, bèn rờ đến mắt họ; tức thì hai người thấy được và đi theo Ngài.
Điều đáng lưu ý là những người này tuy mù nhưng họ thấy Chúa Jesus hơn những người sáng mắt.
Họ thấy Chúa Jesus là Đức Chúa Trời . Jesus không phải là thầy dạy đạo, mà Jesus là Chúa tể vua của muôn vua.
Điều thứ hai là họ thấy Jesus là Con cháu vua Đa-vít. Thành ngữ này để chỉ Ngài là Đấng Mê-sia, Đấng Cứu Thế và
Điều thứ ba họ thấy là Jesus là đấng hay thương xót.
Chúng ta hãy tự hỏi lòng mình: Trong ngày lễ Giáng sinh này, tôi nhìn Chúa Jesus dưới dạng thức nào ?
Có nhiều người đang ngồi bên vỉa hè nhìn Chúa Jesus đi qua. Họ đang ngồi trên đất bụi của thất bại, đất bụi của bất an, của lo lắng và mất lòng tin. Họ cần chúng ta nói cho họ biết: Chúa Jesus là đấng hay thương xót, hay cầu xin Ngài thương xót họ như những người mù này.
Kinh Thánh, Ca thương 3:22- 23
Ấy là nhờ sự nhân từ Đức Giê-hô-va mà chúng ta chưa tuyệt. Vì sự thương xót của Ngài chẳng dứt. 23 Mỗi buổi sáng thì lại mới luôn, sự thành tín Ngài là lớn lắm
CÂU CHUYỆN CÁI BÓP CỦA JIM BAKKER
Mục sư Jim Bakker, người sáng lập Công ty PTL dùng TV để truyền giáo rất nổi tiếng, rất thành công và một tỷ phú với mảnh đất hơn 600 mẫu xây cất hotel, convention chứa vài ngàn người và một khu du lịch rất đẹp thu hút hàng năm vài trăm ngàn người viếng thăm . Ông rất giàu có nhưng sau đó báo chí phanh phui gian lận, gian dâm và bi phạt tù đến 45 năm. Sau nhiều lần chống án, ông được thả sau khi ngồi từ 1989 đến 1994. Ông viết trong quyển sách “ I Was Wrong” một câu chuyện như sau về lòng thương xót.
“Sau khi được thả tù ít lâu, tôi được dùng cơm chiều với Franklin Graham và gia đình. Ruth là vợ của Franklin chuẩn bị một bữa cơm thật chu đáo. Trong lúc trao đổi hàn huyên, Ruth hỏi tôi một câu hỏi mà tôi cần có một địa chỉ để đưa cho cô ta. Tôi móc túi quần sau và rút ra một bao thư đựng các giấy tờ tùy thân của tôi. Cái bóp của tôi đã bị tịch thu từ lúc vào tù và từ đó cho đến nay tôi không có được cái bóp nào khác suốt 4 năm rưỡi ngồi tù. Ruth thấy tôi lúng túng với cái bao thư, Cô hỏi tôi : “ Hình như ông không có cái bóp. Phải không ? Tôi cười và giơ cao cái bao thư ra rồi nói : “ Đây là cái bóp của tôi! Ruth lặng lẽ rời phòng ăn rồi cô trở lại với một cái bóp của Billy. Cô nói : “ Đây là cái bóp của cha chồng tôi , Ổng chưa bao giờ dùng đến. Tôi muốn ông dùng nó để đựng giấy tờ cần thiết. Tôi dùng cái bóp đó cho đến ngày nay. Tôi đã gặp hàng ngàn nhân vật đủ mọi giai cấp trong xã hội và tôi cũng nhận biết bao nhiêu quà tặng trong cuộc đời tôi nhưng cái bóp của Ruth nói lên lòng thương xót, khiêm nhường của gia đình Graham đối với tôi.
Những câu chuyện về đứa con hoang đàng, người đàn bà tà dâm, tên cướp bị đóng đinh với Chúa nói đến sự nhân từ thương xót của Chúa Jesus.
1 Phi-e-rơ 3:8 : Rốt lại, hết thảy anh em phải đồng lòng đầy thương xót và tình yêu anh em, có lòng nhân từ và đức khiêm nhường.
Bây giờ liệu chúng ta còn lý do nào để từ chối một hành động thương xót với kẻ đang cần sự thương xót của mình hay không?
C. KHIÊM NHƯỜNG
Chữ “ Khiêm Nhường” trong tiếng Hê-bơ-rơ có nghĩa là “giản dị ” hay “ thận trọng”. Đây là thái độ ngược lại với sự kiêu ngạo. Đây là thái độ chính xác về con người thật của mình.
Khiêm nhường không có nghĩa “ Tôi là con số không, tôi là con người vô dụng”. Đó là tự kỷ ám thị, đó không phải là khiêm nhường.
1 Phi-e-rơ 5:5–6 “ Cũng khuyên bọn trẻ tuổi, hãy phục theo các trưởng lão. Hết thảy đối đãi với nhau phải trang sức bằng khiêm nhường; vì Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo, mà ban ơn cho kẻ khiêm nhường. 6Vậy, hãy hạ mình xuống dưới tay quyền phép của Đức Chúa Trời, hầu cho đến kỳ thuận hiệp Ngài nhắc anh em lên “
Hình như trong thế giới tiến bộ kỹ thuật vượt bậc này, hai chữ khiêm nhường không còn chỗ đứng. Vào trong tiệm sách, chúng ta không thấy bày bán quyển sách nào nói về sự Khiêm Nhường.
Lý do chính là Sự Khiêm Nhường chỉ có thể đứng vững trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Khi không có Chúa, con người sẽ không có sự khiêm nhường.
BỐN LÝ DO KHIÊM NHƯỜNG
Phi-e-rơ nêu 4 lý do Khiêm Nhường .
- Câu 5b: ” Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo
- Câu 5b: ” ban ơn cho kẻ khiêm nhường “
- Câu 6 : hạ mình xuống dưới tay quyền phép của Đức Chúa Trời
- Câu 7 : lại hãy trao mọi điều lo lắng mình cho Ngài, vì Ngài hay săn sóc anh em. “
NĂM LÝ DO CHÚA GHÉT KẺ KIÊU NGẠO
1. Kiêu ngạo là tự thỏa mãn mà quên Chúa – Ô-sê 13:6
“ Chúng nó đã được no nê theo đồng cỏ; và được no nê rồi, thì chúng nó sanh lòng kiêu ngạo; vậy nên chúng nó đã quên ta.
2. Kiêu ngạo là Tự cao và tự phụ mà bội ơn Chúa
Môi-se cảnh cáo trong Phuc Truyền 8:12–14 sau khi đã ăn no nê, cất nhà tốt đặng ở, 13 thấy bò chiên của mình thêm nhiều lên, bạc, vàng, và mọi tài sản mình dư dật rồi, 14 thì bấy giờ lòng ngươi tự cao, quên Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, là Đấng đã đem ngươi ra khỏi xứ Ê-díp-tô, tức khỏi nhà nô lệ chăng. 17 Vậy, khá coi chừng, chớ nói trong lòng rằng: Ấy nhờ quyền năng ta và sức lực của tay ta mà đoạt được những sản nghiệp nầy.
3. Kiêu mạo nhận thành quả do mình thay vì từ Chúa.
Tấm gương của vua Ba-by-lôn Nê-bu-cát-nết-sa
Đa-ni-ên 4:30-32 : Vua Nê-bu-cát-nết-sa nói : “Đây chẳng phải là Ba-by-lôn lớn mà ta đã dựng, bởi quyền cao cả ta, để làm đế đô ta, và làm sự vinh hiển oai nghi của ta sao? 31 Lời chưa ra khỏi miệng vua, thì có tiếng từ trên trời xuống rằng: Hỡi vua Nê-bu-cát-nết-sa, đã báo cho ngươi biết rằng: Ngôi nước đã lìa khỏi ngươi. 32 Ngươi sẽ bị đuổi khỏi giữa loài người, sẽ ở với thú đồng; sẽ bị buộc phải ăn cỏ như bò, rồi bảy kỳ sẽ trải qua trên ngươi, cho đến khi ngươi nhận biết rằng Đấng Rất Cao cai trị trong nước của loài người, và Ngài muốn ban cho ai tùy ý. 33 Trong chính giờ đó, lời nói ấy đã ứng nghiệm cho vua Nê-bu-cát-nết-sa, vua bị đuổi khỏi giữa loài người; ăn cỏ như bò; thân thể vua phải thấm nhuần sương móc trên trời, cho đến tóc vua cũng mọc như lông chim ưng, móng vua thì giống như móng loài chim chóc.
4. Kiêu ngạo phủ nhận sự Vinh hiển của Đức Chúa Trời
“ Đến kỳ, vua Hê-rốt mặc áo chầu, ngồi trên ngai, truyền phán giữa công chúng. 22 Dân chúng kêu lên rằng: Ấy là tiếng của một thần, chẳng phải tiếng người ta đâu! 23 Liền lúc đó, có thiên sứ của Chúa đánh vua Hê-rốt, bởi cớ chẳng nhường sự vinh hiển cho Đức Chúa Trời; và vua bị trùng đục mà chết. Công vụ 12:21-23 ;
5. Kiêu ngạo chống lại sự hiện hữu của Đức Chúa Trời
Thi thiên 10 :4 : “Kẻ ác bộ mặt kiêu ngạo mà rằng: Ngài sẽ không hề hạch hỏi. Chẳng có Đức Chúa Trời: kìa là tư tưởng của hắn.