Ma-thi-ơ 23:37 – Châm ngôn 31: 10-30
“ Hởi Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem, ngươi giết các đấng tiên tri và ném đá những kẻ chịu sai đến cùng ngươi, bao nhiêu lần ta muốn nhóm họp các con ngươi như gà mái túc con mình lại ấp trong cánh, mà các ngươi chẳng khứng!”
Người Hoa kỳ chọn ngày Chúa Nhật thứ hai của tháng Năm để tưởng nhớ đến công lao của người mẹ và gọi đó là ngày Mother’s day , người Việt Nam gọi là “Ngày Hiền Mẫu” hay nói nôm na là “Ngày Lễ Mẹ” . Ðây là một phong tục tốt nên người Việt Nam mau mắn áp dụng.
NGƯỜI ÐÀN BÀ THỜI VUA LEMUEL (970 AD)
Ðoạn 31 của sách Châm Ngôn ghi lời mẹ của vua Lemuel, một vị vua khôn ngoan nhờ sự dạy dỗ của người mẹ. Ông là vua của vương quốc Massa, ở phía bắc của Á rập ngày nay. Theo ông mô tả, một người vợ đảm đang, tài đức :
– Ngoài những nhiệm vụ thông thường như cần cù siêng năng, lam lũ, kính trọng chồng, quan tâm đến kẻ nghèo, chi tiêu chừng mực, mang sự vui tươi cho gia đình.
– Nàng còn có vai trò quan trọng giúp ích chồng ngoài xã hội : lo lắng phụ giúp thương nghiệp như sản xuất lông chiên, sắp đặt công việc cho những người làm công, nghĩa là nàng còn là một người quản trị, ngoại giao và một thương gia mềm mỏng.
Ông bắt đầu “ Gíá trị của một người đàn bà tài đức quý hơn châu ngọc” . Và ông kết luận rằng: “ duyên sắc của người đàn bà chỉ là hư không, còn lòng kính sợ Ðức Chúa Trời mới là điều đáng khen ngợi”
Sách Châm ngôn được viết vào khoảng năm 970 trước Công nguyên. So chiếu với lịch sử Việt Nam, thì sách này viết vào lúc vua Hùng vương thứ 4 hay thứ 5, đang cai trị xứ ta nghĩa là lúc dân VN còn sống rất lạc hậu.
Ðiều ngạc nhiên là vai trò của người đàn bà bây giờ giống như vua Lenuel mô tả cách nay gần 3000 năm. Một lần nữa chúng ta có lý do để nghiên cứu Kinh Thánh vì đó là lời của Ðức Chúa Trời dù do ai viết lại.
Theo thống kê của Hoa kỳ thì 54% người đàn bà đi làm có lương cao hơn chồng. Số người đàn ông thất nghiệp càng cao khiến cho vai trò của họ trong gia đình thay đổi. Chúng ta thấy nhiều đàn ông nấu nướng, chăm sóc con cái, quét dọn nhà cửa.
Vai trò của các bà trong xã hội và ngay trong Hội Thánh càng ngày càng quan trọng.
NGƯỜI ÐÀN BÀ TRONG THỜI CHÚA JESUS
Ðọc Kinh Thánh trong phần mô tả cảnh Chúa Jesus bị đóng đinh, chúng ta thấy vai trò của các bà hơn hẳn các ông: họ tích cực hơn các ông nhiều. Trong khi các môn đồ bỏ chạy hay ngồi lo rầu trên lầu cao thì các bà đi theo Chúa, quan sát từ phút đầu đến phút cuối rồi sáng hôm sau, họ thức thật sớm, tích cực lo sắm dầu, hương thơm để thăm mộ Chúa. Chúng ta không thấy họ có một phút sờn lòng.
– Họ biết mộ Chúa có lính canh, nhưng họ vẫn dấn thân, chẳng thấy khó khăn.
– Họ biết mộ có hòn đá chắn ngang nhưng họ vẫn đến để tìm cách vượt qua.
– Họ biết có lịnh của Tổng đốc niêm phong ngôi mộ nhưng họ không chùn bước.
Họ vẫn hăng hái đi, hăng hái làm những công việc đáng phải làm. Bởi lòng hăng hái đó, những người đàn bà là những người đầu tiên phát giác Chúa Jesus sống lại.
MATHIƠ 23 VỚI LỜI CỦA CHÚA PHÁN
Nói đến các bà, mà không nói đến vai trò làm mẹ của các bà là một thiếu sót lớn lao.
Khi Chúa Jesus nói đến sự quan phòng của Ngài đối với dân sự của Ngài thì Chúa dùng hình ảnh của con gà mái để diễn tả bản chất của người mẹ chăm sóc đàn con của mình.
Chúa nói câu này trong hoàn cảnh nào?
Ðoạn Mathiơ 23 này, Chúa Jesus đang kết án các vị lãnh đạo tinh thần. Họ là những kẻ giả hình, đề cao mình, ham muốn tiền bạc, ham muốn quyền lực. Chúa nêu lên bảy điều bảo đảm làm cho Ðức Chúa Trời giận trong một giọng nói vừa có tính cách phán quyết vừa có diễn tả tấm lòng đau xót của Chúa đối với họ.
Chúa cho thấy trước các môn đồ của Chúa sẽ bị giết hại bởi các lãnh đạo tinh thần và Chúa nhắc nhở đến những câu chuyện đã xảy ra trong thời Cựu Ước .
Chúa muốn gôm góp các con dân của Ngài lại như con gà mái túc con dưới cánh che chở của gà mẹ nhưng họ đã cản trở việc làm này. Ngài muốn che chở dân sự của Ngài nếu dân Ngài tìm đến Ngài.
Chúa dùng hình ảnh “gà mái túc con”.
GÀ MÁI TÚC CON
Hình ảnh gà mẹ túc con là một hình ảnh vô cùng đẹp và rất nhiều ý nghĩa. Lúc tôi làm Phó Quận trưởng, vào khỏang 1965-1966, tôi có nuôi gà và tôi thích ngồi nhìn gà mái dẫn đàn con đi tìm thức ăn vào buổi sáng. Ðây là một hình ảnh đẹp, dễ thương và nhiều ý nghĩa và khó quên.
Tiếng Việt Nam rất phong phú. Ðể phân biệt hai giống đực và cái, tiếng Việt Nam dùng nhiều chữ khác nhau.
– Dùng cho người thì chúng ta có đàn ông đàn bà, nam hay nữ, trai hay gái
– Dùng cho con thú thì chúng ta phân biệt:
Thú 4 chân thi chúng ta có đực, nọc và cái hoặc nái ( như chó đực, chó cái, chỉ một trường hợp đặc biệt là dê đực còn gọi là dê xồm, heo đực gọi là heo nọc)
Thú 2 chân thì có trống và mái ( gà trống gà mái, chim trống chim mái
Trong văn chương Việt Nam, hình ảnh con gà rất phổ thông trong đời sống người Việt.
Viết chữ xấu thì gọi là “ viết như gà bới”
Vợ chồng bất đồng thì “ chồng nói gà, bà nói vịt”
Sống bê tha trụy lạc thì gọi là” mèo mả gà đồng”
Ðánh billard ba trái gặp vị trí tốt là gặp “ giò gà”
Chọc ghẹo các cô buôn bán mà thực sự để kiếm chồng thì có ca dao:
“Kẹo Mõ cày 5 đồng một ký
Ðường Giồng Trôm một ký 5 đồng
Em đi buôn mong kiếm tấm chồng
Ðể năm canh , khi gà gáy sáng, chốn cô phòng đỡ lẻ loi
Người ta dùng con gà để chế nhạo các pháp sư lừa gạt người ta thì có:
“ Cốc cốc lai rai
Thịt gà xé hai
Thầy làm miếng một
Chạp chạp rồi lại chuông chiêng
Con gà trống thiến để riêng cho thầy
Ðơm xôi thì đơm cho đầy
Ðơm mà vơi dĩa thì thầy không vui”
Ðể nói đến gái đẹp và giỏi giang trong bếp núc thì có câu
” Gà nào hay bằng gà Cao lãnh
Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân”
Trong thi văn của Pháp, thi hào La Fontaine mà chúng ta dịch là Lữ phụng Tiên có viết hai bài thơ nói về hai câu chuyện.
– Câu chuyện thứ nhất nói về một cô gái nông dân tên là Perette mang sữa ra chợ bán. Vừa đi cô vừa tưởng tượng cô sẽ dùng tiền bán sữa mua một số trứng gà, trứng gà sẽ nở ra đàn gà, bán đàn gà, cô mua một con bò nghé. Con bò nghé chạy tung tăng và cô tưởng tượng đến cảnh chạy đó cô cũng nhảy tung tăng theo làm đổ cả bình sữa cô đang đội trên đầu.
– Câu chuyện thứ hai là bài “Gà đẻ trứng vàng”
“ Tham thì thâm cổ nhân dạy thế
Lấy chuyện gà ra để dạy đời
Ðem câu bịa đặt kể chơi
Một hôm gà nọ đẻ rơi trứng vàng
Chủ tưởng có bảo tàng trong bụng
Mổ phăng ra chắc sẽ mau giàu
Ai ngờ chẳng có chi đâu
Gà thường như vậy khác đâu chi nào
Chủ biết dại kêu gào tiếc của
Làm gương soi cho đứa tham lam
Mới đây lắm kẻ nghĩ lầm
Ðược mười lại muốn ngay trăm ngay nghìn
Trơ ra hết hẳn ngồi nhìn!
Ngoài ra gà còn là một hình ảnh đẹp vì gà có bộ lông đuôi rất đẹp
“ Một thương tóc bỏ đuôi gà,
“Hai thương ăn nói mặn mà có duyện
Trong đám cưới Do Thái, một cặp gà trống mái được gởi tặng cô dâu chú rể để tượng trưng cho “ trai tài gái sắc”. Vì gà trống tượng trưng cho sự anh hùng, hiên ngang còn gà mái tượng trưng cho sự dịu dàng và chăm sóc con cái của người mẹ.
Mỗi năm, thế giới tiêu thụ 8 tỷ con gà, người Hoa kỳ sản xuất khoảng 3 tỷ con gà. Trung bình một người Mỷ dùng 15 ký lô thịt gà và 300 trứng gà trong một năm. Do đó chúng ta có thể nói gà là giống gia cầm được nuôi nhiều nhất ngay từ thời thượng cổ vì là nguồn thực phẩm quan trọng.
Hôm nay chúng ta phân tích phẩm hạnh của người đàn bà, của người mẹ qua hình ảnh của con gà mái
1. PHẨM HẠNH – VAI TRÒ TẠO RA ÐỨA CON
A. GÀ MÁI – NGƯỜI MẸ
Khi con gà mái đẻ trứng, nó kêu lên và tiếng Việt gọi là gà cục tác
Tại sao nó cục tác. Tôi thấy có hai lý do: tiếng kêu đau đớn về thể xác và tiếng reo vui mừng về tâm lý. Ðó cũng là nghịch lý của con người.
Trong chín tháng cưu mang bào thai trong bụng, người đàn bà chịu đựng biết bao vất vả, mệt nhọc. Các ông thử tưởng tượng mang thêm 20 pounds trên mình suốt ngày đêm trong 9 tháng sẽ thấy sự cực nhọc của các bà mang thai. Ngoài ra còn bị ói mửa, ăn uống khó khăn… nếu còn phải đi làm thì sự cực nhọc gấp đôi. Ði Metro, đi xe Bus hay tự lái xe cùng đều cực nhọc như nhau.
“‘Yêu con từ thuở cưu mang
“Ðớn đau khổ nhọc, chẳng màng tấm thân
Người mẹ phải xẻ thịt sinh con. Cái đau đớn khi sanh được đền bù bằng đứa con chào đời. Nghe tiếng khóc chào đời của đứa con, người mẹ nào cũng quên hết cái đau đẻ của mình. : “Ðàn ông đi biển có đôi, còn tôi đi biển mồ côi một mình”
(Một câu chyện vui: lúc TT Nixon đưa ra chương trình Việt Nam hóa, họ muốn thực hiện nhanh để rút chân ra khỏi Việt nam càng sớm càng tốt. Ông Von Marbod, Phụ tá TT Quốc Phòng có nói một câu chí lý: Họ muốn làm nhanh chương trình VN hóa giống như thay vì chờ 9 tháng để sanh con, người ta bắt 9 bà mẹ cùng mang thai để sinh con trong một tháng. Một điều không thể xảy ra)
Con gà khi đẻ được một lô trứng rồi thì nó bắt đầu ấp trứng trong 21 ngày. Hai tuần đầu nó chỉ nằm ấp vài tiếng đồng hồ mỗi ngày đến tuần thứ ba thì nó ấp trọn 7 ngày cho đến khi trứng nở gà con. Thời gian ấp trứng, gà mẹ nhịn ăn, nhịn uống, đói khát kiên trì chịu đựng. Nó nằm xòe cánh ra bao phủ các trứng của nó suốt tuần chót. Ai đến gần sẽ nghe tiếng gầm ngừ sẵn sàng ứng chiến. Trứng cần hơi ấm của gà mẹ để nở.
Rồi gà con ra đời. Những con gà con thật đẹp, thật dễ thương. Nó nhỏ xiu xíu, lông mịm màng như tơ có khi màu vàng có khi màu đen đen, kêu chíp chíp, chạy lúp xúp bu theo gà mẹ.
B. ÐỨC CHÚA TRỜI
Ðức Chúa Trời tạo ra con người như thế nào ?
Sáng Thế ký 2:7 như sau ” Giê hô va Ðức Chúa Trời bèn lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sanh khí vào lỗ mũi thì người trở nên một lòai sanh linh”
Chúng ta nên để ý đến chữ NẮN
Chúa làm bụi đất thành một chất dẻo để nắn ra một tượng người. Ðộng tác đó tiếng Việt nam gọi là nắn. (tiếng Mỹ chỉ viết đơn giản là “formed” (làm thành hình). Chúng ta muốn làm được như vậy, chúng ta phải qua một lọat động tác như
– Lựa đất theo đúng tiêu chuẩn,
– Loại bỏ cát, đá, rác rến, đồ dơ để đất thành một chất tinh khiết
– Thêm nước và nhồi cho thật đều, thật dẻo.
Sau đó mới nắn thành hình tượng con người giống như Ngài
Sau giai đoạn đó, Ðức Chúa Trời hà hơi vào để con người có sinh khí tương giao, tương thông với Ðức Chúa Trời. Loài người khác loài vật vì các loài vật không được Ðức Chúa Trời hà sinh khí vào.
2. PHẨM HẠNH THỨ HAI LÀ NUÔI DƯỠNG VÀ CHĂM SÓC CON CÁI
A. GÀ MÁI – NGƯỜI MẸ
Mỗi buổi sáng gà mẹ dẫn đàn gà con ra sân, tìm thức ăn cho con. Thấy hạt tấm rơi đâu đó, nó túc túc gọi con. Chân bươi đất tìm trùng rết rồi túc túc gọi con đến ăn. Gà mẹ luôn luôn nhường phần ăn cho con mình. Mở dấu ngoặc (Tôi chưa thấy gà trống túc mồi cho gà con. Tôi chỉ thấy gà trống túc mồi để dụ dỗ gà mái. Khi gà mái đến ăn mồi thì gà trống trổ tài “dê xồm”)
Chiều chiều dẫn đàn con về chuồng rồi xỏa cánh ấp ủ tạo ấm áp và bảo vệ đàn gà con an giấc.
“ Gió mùa thu mẹ ru con ngủ
Năm canh dài thức đủ năm canh
CÂU CHUYỆN: Trong một mùa đông thật lạnh của năm 1990, tại một làng nhỏ xứ Ðại Hàn, người ta tìm thấy dưới gầm cầu một người đàn bà đã chết vì lạnh. Khi kéo xác bà ra, người ta thấy trong lòng bà có một đứa bé 5 tháng, bà đã dùng phương cách cuối cùng là dùng hơi ấm của mình còn xót lại để chuyền cho đứa con yêu quý để kéo dài sự sống con mình.
GÀ CON LỚN LÊN:
Rồi đàn gà con lớn lên, đủ lông đủ cánh bắt đầu đánh đá lẫn nhau. Chúng đã đủ sức kiếm ăn riêng.
– Rồi một ngày nào đó gà mẹ túc túc gọi con nhưng chẳng đứa con nào chạy đến. Bọn chúng đã đi xa cuối vườn, chúng không còn cần đến mẹ nữa.
– Rồi chiều về, chẳng biết gà mẹ vui hay buồn chậm chạp về chuồng một mình.
– Từ đó chẳng có gà con nào một lần gọi mẹ khi nó tìm thấy một con trùng hay một hạt gạo rơi.
Nước mắt chảy xuống !
Gà mẹ ấp đủ 9, 10 con
9, 10 gà con ấp không tròn một mẹ
CẢNH NHÀ GIÀ: Cảnh vợ chồng già sống hẩm hiu trong nhà dành cho người già tại Hoa kỳ là một hình ảnh ám ảnh tôi nhiều nhất.
– Chẳng lẽ con cái đành bỏ cha mẹ vào một căn phòng cô đơn vắng tiếng cười của con cháu.
– Chẳng lẻ người lớn tuổi thích sống đơn độc một mình, không muốn con cái quấy nhiễu.
Hình như mối tương giao giữa cha mẹ con cái có phần thay đổi và tôi không biết điều này tốt hơn hay xấu hơn.
“Bé cậy cha, già cậy con” là châm ngôn mà đời nay không còn áp dụng nữa chăng ?
B. ÐỨC CHÚA TRỜI
Khi Ðức Chúa Trời nắn nên hình người rồi, sau khi hà sinh khí vào lỗ mũi rồi, Ngài lập ra vườn E-den với nhiều lọai cây có trái ăn ngon cho loài người.
Sáng Thế ký 2:8,9: “ Ðọan Giê Hô Va Ðức Chúa Trời lập một cảnh vuờn tại E-den, ở về hướng Ðông và đặt người mà Ngài vừa dựng nên ở đó. Giêhôva Ðức Chúa Trời khiến đất mọc lên các thứ cây đẹp mắt và trái thì ăn ngon, giữa vườn lại có cây sự sống cùng cây biết điều thiện và điều ác”
Ðức Chúa Trời sắm sẵn thức ăn cho con người, Ngài quan phòng đời sống của chúng ta. Ngài tạo cây hoa đẹp và trái ăn ngon. Ðồng thời Chúa cũng đặt ra điều nên làm và điều không nên làm. Ngài bắt đầu dạy dỗ con người ngay từ ban đầu.
“Dạy con từ thuở còn thơ
Dạy vợ từ lúc bơ vơ mới về ”
Qua tiên tri Ê sai , Chúa đã phán rằng: “ Ðàn bà há dễ quên cho con mình bú, không thương con mình hay sao? Dầu đàn bà có quên con mình, ta cũng chẳng quên ngươi”
Ê sai 49:15
Ngài thương dân sự Ngài như vậy, Ngài thương dân Ngài hơn người mẹ thương con và Ngài đã chứng minh điều đó. Ngài dám hy sinh con một của Ngài là Jesus . Jesus xuống thế gian làm một con người chịu chết để thực hiện chương trình cứu rỗi chúng ta. Người mẹ thương con nhưng có mấy từ mẫu hy sinh con mình vì người khác. Mẹ hiền sẵn sàng hy sinh mình vì con.
3. PHẨM HẠNH THỨ BA – BẢO VỆ CON VÀ HY SINH CHO CON
Hình ảnh người mẹ là một hình ảnh của một người đàn bà hiền từ.
Người mẹ hiền nhưng lúc cần bảo vệ con, người mẹ tỏ ra vô cùng cương quyết và can đảm. Người mẹ không những chăm sóc, nuôi dưỡng mà còn hy sinh tất cả cho con.
Mỗi khi có diều hâu bay trên cao , chúng ta sẽ thấy sự bảo vệ hết sức cương quyết và can đảm của gà mẹ. Trước hết nó báo động túc túc các gà con tất cả chạy về nấp dướí cánh của gà mẹ. Gà mẹ sẵn sàng chiến đấu với diều hâu để bảo vệ con mình.
Thiên chức của người mẹ là lo lắng cho con mình: con đi chơi khuya, mẹ ở nhà không ngủ được. Con lái xe đi chơi xa, mẹ ở nhà lo lắng bồn chồn cho đến khi nghe điện thọai báo cáo con đến an tòan.
CÂU CHUYỆN “ANH PHẢI SỐNG”: Trong một đêm tối mưa giông, một chiếc ghe nhỏ bị chìm, Người chồng cố gắng dìu người vợ và đứa con lên 3 tuổi chống chỏi với phong ba. Ðược một lúc người chồng kiệt sức cho người vợ biết anh chỉ còn đủ sức để cưu mang thêm một người. Người vợ nghe xong tức khắc buông suôi tay mình chìm sâu dưới đáy sông để nhường phần sống cho con.
Trong đêm Ngài bị bắt, Chúa Jesus đã nói với bọn lính La mã rằng : “Ta đã nói với các ngươi rằng chính ta đây; vậy nếu các ngươi đến tìm bắt ta thì hãy để các môn đồ ta đi. Ấy để được ứng nghiệm lời Ngài đã phán: “ Con chẳng làm mất một người nào trong những kẻ mà Cha đã giao cho Con” Giăng 18:8,9
Chúa lo lắng cho sự an nguy của chúng ta. Ngài hy sinh cho tương lai của con người
CHÍN CHỮ CÙ LAO LÀ GÌ ?
Việt Nam có câu ca dao để dạy kẻ làm con như sau:
Nhớ ơn chín chữ cù lao
So cùng biển thẳm non cao chưa tày
Cù là chăm chỉ, cần cù
Lao là mệt nhọc, lao khổ
Trong Kinh Thi của Khổng Tử , ông đã tóm gọn thành chín chữ cù lao. Nguyên câu chữ Hán là:
Phụ hề sinh ngã, mẫu hề cúc ngã, phủ ngã, súc ngã,trưởng ngã , dục ngã, cố ngã, phục ngã, phúc ngã.
1. Sinh: tạo con ra đời
2. Cúc: đùm bọc nuôi nấng lúc còn bé như cho bú, bế ẵm, thường nói cúc giục
3. Phủ: vỗ về, dỗ dành cho yên như dỗ cho ngủ yên giấc
4. Súc: nuôi ăn
5. Trưởng: bồi bổ cho mau lớn
6. Dục: dạy dỗ con khôn lớn
7. Cố: trông chừng, theo dõi sẵn sàng giúp đỡ, che chở
8. Phục: khuyên răn, làm cho nghĩ lại bỏ xấu theo tốt, phục thiện
9. Phúc: mang sự vui sướng hạnh phúc cho con. giữ gìn, săn sóc
CÂU HỎI CHO CÁC NGƯỜI CON
– Trước 9 đức cù lao to lớn của cha mẹ như vậy, người con phải làm gì?
– Trước sự quan phòng chăm sóc hy sinh cao cả của Ðức Chúa Trời, chúng ta sẽ phải làm gì?
Tôi mượn câu chuyện sau đây để chúng ta suy ngẫm”
Cô Mildred Handorf là cô giáo về âm nhạc tại trường tiểu học ở DesMoines , tiểu bang Iowa. Cô kiếm thêm tiền bằng cách mở lớp dạy dương cầm tại nhà. Cô hành nghề này được hơn 30 năm.
Cô cho biết theo kinh nghiệm của cô thì khả năng âm nhạc của các em khác nhau. Cô chưa bao giờ có cái hân hạnh là gặp được một đứa học trò có tài năng thiên phú. Tuy nhiên cô thường gặp sự cạnh tranh giữa các em trong các buổi trình diễn công cộng. Một trong các em là thằng Robby
Hãy nghe cô kể lại:
“ Robby được 11 tuổi khi mẹ em chở em đến ghi tên đầu tiên học lớp của tôi. Mẹ em là một người đàn bà chưa tái giá khi cha Robby qua đời trong một tai nạn xe hơi. Tôi thích dạy các em học nhạc từ bé. Tôi cũng nói điều này cho thằng Robby nghe. Nhưng thằng Robby nói rằng nó muốn học đàn vì mẹ nó ao ước được nghe nó đàn dương cầm. Tôi cảm động vì sự hiếu thảo đó nên tôi nhận lời dạy cho nó để nó có thể thực hiện giấc mơ của mẹ nó.
“ Nó bắt đầu học những bài sơ cấp về dương cầm và mặc dầu nó cố gắng tôi có cảm giác là nó sẽ không khá . Nó thiếu sự diễn đạt và không có căn bản về âm phách. Nhưng dù sao nó vẫn có những căn bản cần thiết mà tôi đòi hỏi ở một học trò âm nhạc. Ngày tháng trôi qua, nó vẫn cố gắng và tôi vẫn tiếp tục khuyến khích nó.
“ Cứ mỗi tuần khi chấm dứt bài học, nó luôn luôn nói: “ Mẹ tôi mong muốn có ngày được nghe tôi đàn ”. Nhưng dường như vô vọng vì nó không có tài năng thiên bẩm về nhạc và về dương cầm.
“ Tôi chỉ thấy mẹ nó từ đàng xa mỗi khi bà ta chở Robby đến hay có khi bà ngồi chờ con mình trên xe cũ kỹ của bà. Bà luôn luôn vẫy tay chào vui vẻ nhưng bà chưa bao giờ bước chân vào lớp học của Robby.
“ Rồi một ngày Robby không đến lớp học đàn nữa. Nhiều lần tôi định điện thọai cho Robby nhưng tôi lại đóan rằng có lẽ mẹ nó nhận ra nó không có thiên bẩm về âm nhạc nên mẹ nó quyết định cho nó học điều gì khác. Tôi cũng vui khi nó không đến vì nó sẽ là một ví dụ về sự không thành công của tôi trong nghề dạy đàn.
“ Sau đó vài tuần, tôi gởi thư đến từng nhà mời tất cả phu huynh của học trò tôi về buổi hòa nhạc do các em học trò của tôi trình diễn. Tôi ngạc nhiên khi Robby điện thọai cho tôi. Nó cho biết nó có nhận được thư mời buổi hòa nhạc đó và nó muốn tham gia vào tiết mục trình diễn. Tôi từ chối vì buổi trình diễn chỉ dành cho học trò đang học còn nó đã nghỉ học cả tháng nay rồi. Nó cho biết mẹ nó đang đau, không thể đưa nó đi học được. Tuy không đến lớp nhưng nó vẫn học và thực tập ở nhà rất điều đặn . Nó nan nỉ “ Cô Handorf, con thật sự hết lòng muốn được trình diễn lần này, cô ráng giúp con, con đội ơn cô suốt đời” Có lẽ vì thấy nó quá tha thiết nên tôi cho nó tham gia buổi trình diễn nhưng tôi sắp vào mục chót của chương trình trước khi tôi nói vài lời cám ơn khán thính giả tham dự. Tôi nghỉ rằng nếu Robby có vấp váp cũng không ảnh hưởng đến chương trình.
“ Buổi trình diễn thật tốt đẹp không có khuyết điểm nào. Các em đã thực hiện phần của các em thật hòan hảo. Bây giờ đến phiên thằng Robby. Nó bước lên sân khấu. Quần áo của nó nhăn nheo không được ủi thẳng như các em kia. Tóc tai của nó cũng rối bù không chải chuốt. Tôi nghĩ thầm: “ Tại sao mẹ của nó không chăm sóc nó như mẹ của mấy đứa kia? “ Robby tự nhiên bước lại dương cầm và bắt đầu chơi. Tôi vô cùng ngạc nhiên khi nó tuyên bố rằng nó chọn bản nhạc Mozart’s Concerto # 21 với thang bậc C Major. Tôi không biết những điều nó nói tiếp nhưng các ngón tay nó bắt đầu chơi tuyệt diệu chạy trên phím đàn như những thiên thần đang nhảy múa. Nó chuyển từ điệu pinssimo sang điệu fortissimo rồi bắt sang allgero rồi chuyển về virtuono. Tôi chưa từng được nghe nhạc của Mozart được ai trình diễn như vậy nhất là ở lớp tuổi của nó. Hơn 6 phút rưỡi, nó chấm dứt với điệu crescendo và mọi người đứng lên tán thưởng nó nhiệt liệt.
“ Tôi cố cầm nước mắt sung sướng như muốn chảy ra vì quá cảm động có một học trò tài năng vượt bực như vậy. Tôi vội chạy lên sân khấu, ôm chòang lấy nó: “ Cô rất vui sướng, cô chưa bao giờ được nghe con đàn tuyệt diệu như vậy! Làm sao con có thể đàn suất sắc như vậy?” Nó không vội trả lời, nó tiến lại micro và giải thích cho mọi ngừoi nghe.” Thưa cô Hondrof ! cô còn nhớ con có nói với cô rằng mẹ con đau nên không chở con đến lớp được không? Vâng mẹ con bị bịnh ung thư và mẹ con đã mất sáng hôm qua. Từ khi mẹ con sanh ra, mẹ con bị điếc không nghe được rồi nên tối hôm nay là đêm đầu tiên mẹ con từ thiên đàng với một thân thể biến hóa tòan mỹ, mẹ con có thể nghe tiếng đàn của con. Con muốn đêm nay là một đêm đặc biệt cho mẹ con”
Không có cặp mắt nào không ướt tối hôm đó.
“ Robby sau này thường biên thư cho tôi. Tôi biết nó vào quân đội và tham gia vào cuộc chiến vùng Vịnh ở Iraq thời TT Bush cha. Nó được giải ngũ và làm việc trong chính phủ Liên bang tại Oklahoma City. Ðể rồi tháng 4 năm 1995, một người bất thường nhưng tàn bạo đã đặt bom làm nổ tung building này. Người ta tìm thấy xác của Robby chết bên cây đàn dương cầm tại đây. Không ai biết có phải nó đang đàn cho mẹ nó nghe hay không.
Thưa Hội Thánh
Thế gian còn nhiều chuyện cảm động như vậy trong mối tương quan giữa mẹ và con hoặc giữa con và mẹ.
– Một đứa bé mồ côi cha, sống với người mẹ tật nguyền rồi mất luôn người mẹ là nguồn yêu thương duy nhất còn lại . Dĩ nhiên nó sống trong sự nghèo túng vì mồ côi đơn chiếc. Nó muốn mẹ nó vui lòng.
– Người mẹ nào cũng muốn nghe tiếng nói bập bẹ đầu tiên của con mình. Người mẹ nào cũng muốn thấy những bước đi chập chững đầu tiên của con mình. Nó biết mẹ nó muốn nghe nó đàn nhưng không nghe được.
– Chúa cũng muốn nghe từng lời nói của quý vị. Chúa yêu thương chúng ta và Chúa muốn nghe muốn thấy những điều tốt lành xảy ra trong đời sống chúng ta.
– Robby biết mẹ nó muốn gì và nó cố gắng làm điều đó cho mẹ nó vui lòng.
– Người mẹ đã chịu đựng chín Cù Lao. Ðừng chất thêm gánh nặng lên người mẹ gầy yếu nữa. Bây giờ là thời điểm làm mẹ vui lòng.
– Vâng bây giờ cũng là lúc chúng ta nên làm Chúa vui lòng. Hãy thôi kể cho Ngài nghe những khó khăn trong đời sống, hãy thôi chất trên Chúa những cầu xin mà hôm nay hãy kể những thành tích mà quý vị nghĩ rằng khi nghe được Chúa sẽ vui mừng.
Vấn đề là chúng ta dù biết Chúa muốn nghe những gì nhưng chúng ta chẳng có gì để kể cho Chúa nghe.
Chúng ta có điều gì kể lại cho mẹ mình nghe để mẹ vui trong ngày Mother day không?
Chúng ta có thành tích nào để kể lại cho Chúa nghe một cách vui lòng không?